Ảo tưởng của những con buôn chính trị “đòi ghế” trong Quốc hội
Trong khi nhân dân cả nước, từ Bắc chí Nam, từ miền xuôi đến miền ngược, từ thành thị đến nông thôn đang phấn khởi, háo hức chờ ngày hội lớn; để thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; thể hiện trách nhiệm chính trị với quốc gia, dân tộc thì các thế lực thù địch và phần tử cơ hội chính trị, lại tỏ rõ thái độ hằn học, chống đối; xem đây là “cơ hội vàng” để chống phá, với nhiều âm mưu, thủ đoạn thâm độc. Bên cạnh đăng tải những thông tin mang tính chất chủ quan, áp đặt, thiếu tính khách quan, bên cạnh chiêu trò kêu họi, hô hào tự ứng cử về Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội sắp tới, các thế lực thù địch, phản động, chống đối, cơ hội chính trị còn âm mưu chọc ngoáy, xuyên tạc về số lượng, cơ cấu đại biểu Quốc hội, đặc biệt là về số lượng đại biểu là người ngoài Đảng.
Cụ thể, trên trang Việt tân, “nhà dân chủ” Nguyên Anh đã có bài viết với tiêu đề: “Cho người ngoài Đảng ứng cử Quốc hội: Trò hề diễn dở”. Trong bài viết, Nguyên Anh tập trung xuyên tạc, chọc ngoáy vào số lượng, cơ cấu đại biểu Quốc hội, đặc biệt là về số lượng đại biểu là người ngoài Đảng, cho rằng Đảng quy định số lượng đại biểu ngoài Đảng là quá ít, cần phải “cân bằng quyền lực” trong Quốc hội bằng cách chia một nửa số ghế cho những người ngoài Đảng… “Mọi quyết sách họ bỏ phiếu không hề có hình bóng toàn dân mà chỉ là vì lợi ích của đảng”, “cho phép người ngoài đảng tự ứng cử chỉ là một màn kịch…”
Thật nực cười với mồm mép của những kẻ chống phá, xin nói rõ trong cơ cấu ĐBQH, các lãnh đạo chủ chốt luôn chú trọng tỷ lệ đại biểu người ngoài Đảng bởi đây là thành phần rất quan trọng. Trong các kỳ họp Quốc hội, các đại biểu là người ngoài Đảng đều được cử tri tín nhiệm. Họ đều thể hiện tâm huyết, trách nhiệm cao trước nhân dân, nắm bắt tâm tư của người dân với tinh thần trách nhiệm và xây dựng.
Không phải tự nhiên mà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng cần tăng thêm tỷ lệ ĐBQH ngoài Đảng. Bởi vị lãnh đạo này hiểu được tầm quan trọng của người ngoài Đảng. Họ đều là những trí thức, có kinh nghiệm hoạt động trên các lĩnh vực, nên các ý kiến đóng góp của họ trên nghị trường đều rất sâu sắc, tích cực. Bất kỳ ai cũng đều có quyền, có trách nhiệm đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Đại biểu trong hay ngoài Đảng không quan trọng, vấn đề ở chỗ họ có đủ năng lực, phẩm chất, có làm tròn được trách nhiệm, tâm huyết đối với cơ quan dân cử hay không.
Kỳ thực, cho người ngoài Đảng vào ĐBQH có là màn kịch hay không thì chính người ngoài đảng đã được vào ĐBQH là rõ nhất. Với những hiểu biết trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, y tế cộng đồng, ông Nguyễn Lân Hiếu, Phó giáo sư, Tiến sĩ Y học, giảng viên Đại học Y Hà Nội đã có những ý kiến đóng góp, chất vấn liên quan sát sườn đến người dân. Tuy nhiên, việc mở rộng cửa cho người ngoài Đảng không đồng nghĩa với việc “mở rộng cửa” cho những kẻ chống phá như Lê Dũng Vova, Nguyễn Quang A, Nguyễn Tường Thụy vào để phá hoại. Quốc hội cần là cần những người như đại biểu Nguyễn Lân Hiếu. Thiết nghĩ, dù những kẻ chống phá này có kêu gào đòi “tự ứng cử” đi chăng nữa cũng không thể qua được “cửa ải” của người dân, của những cử tri địa phương. Họ chọn người có tâm có tài chứ không chọn người phá hoại.
Còn nhớ ngay cuộc bầu cử đầu tiên của đất nước, các tổ chức chống phá Việt Quốc, Việt Cách “kêu gọi” công dân tẩy chay bầu cử, gây sức ép đòi 80 ghế trong Quốc hội. Nhưng âm mưu của chúng đã thất bại bởi lòng tin của hàng triệu người dân, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 đã được tổ chức thành công, một cuộc bầu cử thật sự tự do, thật sự dân chủ, là mốc son lịch sử của thể chế dân chủ ở Việt Nam.
Kể từ lần đầu tiên được thành lập đến nay, nhân dân đã 14 lần cầm lá phiếu trên tay bầu ra 14 khóa Quốc hội, thay mặt mình thực hiện quyền lập hiến, lập pháp; quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao. Quốc hội Việt Nam đã không ngừng tập trung nhiều công sức, trí tuệ và thời gian để tiếp tục đẩy mạnh mọi mặt công tác; chú trọng và chủ động hơn trong việc xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, về tổ chức bộ máy nhà nước, về nhân sự, về kinh tế – xã hội, đối ngoại. Lần này, để chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2027; chúng ta có một hệ thống thiết chế pháp luật phục vụ cho công tác bầu cử hoàn thiện nhất trong lịch sử 75 năm của Quốc hội nước ta. Đặc biệt, công tác chuẩn bị bầu cử, với sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đang tích cực được triển khai ở các địa phương, vùng, miền trong cả nước. Không khí của ngày hội lớn đã tưng bừng, rộn rã khắp nơi từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhân dân ta sẽ tiếp tục phát huy cao nhất tinh thần dân chủ, trách nhiệm để sáng suốt lựa chọn người đủ đức, đủ tài, đủ nhiệt huyết vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Những chiêu trò trước kỳ bầu cử của các thế lực thù địch thực chất nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, dọn đường cho sự hình thành tư tưởng “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”, đưa Việt Nam phát triển theo “khuôn mẫu” của các nước phương Tây. Nhưng xin khẳng định, với sự gắn kết, tin tưởng của nhân dâ, đó chỉ là sự mơ hồ, ảo tưởng, chỉ là một chiếc “bánh vẽ” mà thôi…
Hải Anh
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.