+
Aa
-
like
comment

An ninh Biển Đông – từ nghị trường đến hải đảo

04/11/2019 17:08

“Vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, chúng ta phải sẵn sàng bảo vệ và đẩy lùi các nguy cơ chiến tranh, giữ vững môi trường hòa bình ổn định để phát triển đất nước”, là lời nhấn mạnh của Trung tướng Trần Việt Khoa, Giám đốc Học viện Quốc phòng tại diễn đàn Quốc hội sáng 30/10.

Tình hình “an ninh Biển Đông” luôn luôn thẳng thắn và tỉnh táo

Trung tướng Trần Việt Khoa cho rằng, năm 2019, tình hình an ninh chính trị thế giới có rất nhiều biến động, đặc biệt các nước lớn đã điều chỉnh về chính sách và chiến lược quốc phòng quân sự, tăng chi ngân sách quốc phòng và tăng cường luyện tập, diễn tập thực binh ở quy mô vừa và quy mô lớn.

Tướng Khoa nhìn nhận, tình hình khu vực biển Đông có rất nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh an toàn biển, có tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất trên thế giới, đe dọa đến an ninh khu vực và an ninh thế giới, có chung khu vực biển Đông.

Tướng Trần Việt Khoa: Sẵn sàng các phương án ngoài biển Đông
Tướng Trần Việt Khoa: Sẵn sàng các phương án ngoài biển Đông

Giám đốc Học viện Quốc phòng cho biết, trước tình hình đó, từ tháng 5, khi chúng ta hoạt động dầu khí trên biển và đặc biệt từ đầu tháng 7 đến những ngày tháng 10 vừa qua, chúng ta thấy nước ngoài đã đưa lực lượng xuống phản đối chúng ta một cách hết sức phi lý. “Đây là những cái chúng ta không thể chấp nhận được”, tướng Khoa nhấn mạnh. Ngoài ra, họ còn đưa tàu xuống khảo sát thăm dò, có những thời điểm đưa tới 35-40 chiếc tàu để bảo vệ.

Trước tình hình đó, Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Ngoại giao đã tiến hành ngoại giao. Chúng ta đấu tranh trên cơ sở đấu tranh pháp lý để khẳng định chủ quyền của chúng ta.

Trên thực địa, Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các lực lượng hải quân, cảnh sát biển, biên phòng, kiểm ngư thường xuyên bám sát nắm chắc tình hình và tuyên truyền bằng nhiều thứ tiếng, khẳng định khu vực chủ quyền và quyền chủ quyền của chúng ta “không thể chối cãi” theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

“Thưa Quốc hội, có thể nói là dựng nước đi đôi với giữ nước là quy luật tồn tại của dân tộc ta. Quy luật đấy ngày nay được thể hiện ở 2 việc rất rõ là xây dựng chủ nghĩa xã hội, đảm bảo vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Trong tình hình hiện nay với đặc điểm, những yếu tố tác động tới sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc đòi hỏi chúng ta có giải pháp phù hợp để đấu tranh trong việc giữ vững môi trường độc lập, phát triển đất nước”, tướng Khoa cho hay.

Trước đó, 21/10, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 14, về vấn đề biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Đảng và Nhà nước ta đã nhất quán chủ trương những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ chúng ta không bao giờ nhân nhượng”. Trong diễn văn khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nhấn mạnh Quốc hội sẽ nghe báo cáo về tình hình Biển Đông. Với phương châm “kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ Quốc gia”.

Sáng 15/10, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri quận Ba Đình (Hà Nội) trước kỳ họp cuối năm của Quốc hội.

Trước nhiều ý kiến quan tâm, lo lắng của cử tri về tình hình biển Đông, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bày tỏ xúc động và cho biết, tại hội nghị Trung ương 11, ông và Ban chấp hành Trung ương đã dành một ngày nghe báo cáo về vấn đề biển Đông để “có thông tin, tạo sự đoàn kết, thống nhất cao”.

Ông phân tích, Việt Nam đang xây dựng và duy trì mối quan hệ tốt đẹp trên trường quốc tế. Đơn cử hồi tháng 6, 192/193 nước đã bầu Việt Nam làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Tuy nhiên, mỗi khu vực, địa bàn có sự phức tạp, nhạy cảm riêng, đặc biệt là vấn đề lãnh thổ, biên giới, biển đảo.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, trong mối quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam luôn giữ hai nguyên tắc là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, nhưng kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. “Xử lý mối quan hệ này không đơn giản. Nặng về bên nào đều bị phê phán”, ông nói với cử tri.

Thông điệp về biển Đông cũng được nhấn mạnh nhiều lần trong các cuộc tiếp xúc cử tri nhiều địa phương của nhiều lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Ban ngành Trung ương. Đều là những phát ngôn nhất quán, mạnh mẽ, cương quyết trên cơ sở gìn giữ môi trường hòa bình để phát triển.

Người Việt chủ động “ứng vạn biến” để bảo vệ trọn vẹn chủ quyền biển đảo
Biển Đông rộng lớn, giàu tài nguyên, là nguồn sống của dân tộc ta từ bao đời, chúng ta cần phải hết sức chăm lo bảo vệ và khai thác, đồng thời tôn trọng chủ quyền các nước khác trong khu vực. Chiến lược nhìn ra biển Đông của nước ta, thể hiện rõ ràng điều đó.

Ở vấn đề Biển Đông, từ chỗ quản lý 5 đảo khu vực Trường Sa sau năm 1975, hiện nay ta quản lý 21 đảo với 33 điểm đóng quân. Chúng ta vẫn kiên quyết khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa, kiên trì các hành động pháp lý và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để có thể đưa Hoàng Sa về Đất Mẹ trong tương lai, hiện chúng ta vẫn thực hiện chủ quyền liên tục về kinh tế ở khu vực này, tàu cá Việt Nam vẫn xuôi ngược Hoàng Sa.

Trường Sa, Hoàng Sa chủ quyền không cần phải tranh cãi của Việt Nam ở biển Đông
Đồng bào, chiến sỹ của chúng ta luôn sẵn sàng hy sinh, tất cả cho khát vọng độc lập, thống nhất và hòa bình, không có ai ra trận để sau này “được ghi công” hay bất cứ động cơ nào khác.

Phải giữ vững chủ quyền, phải khai thác và phát triển biển đảo thiêng liêng của đất nước bằng sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, bằng tình yêu biển đảo vô bờ bến đã có truyền thống từ lâu đời, như bảo vệ sự sống còn của cả dân tộc, không thể khác!
Hàng loạt triển lãm tài liệu pháp lý lịch sử chứng minh chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo đã được tổ chức từ địa đầu Hà Giang đến Mũi Cà Mau. Chúng ta tiếp tục tổ chức sưu tập và công bố các tư liệu, những bằng chứng lịch sử, tại các cuộc triển lãm, các hội thảo trong nước và quốc tế khẳng định chủ quyền của VN đối với Hoàng Sa, Trường Sa.

Những câu chuyện lịch sử cho thấy nhiều lần bị gã hàng xóm lớn xác ức hiếp, nhưng chưa bao giờ người Việt biết khuất phục. Họ có súng ống, vũ khí tối tân hiện đại thật đấy, nhưng người Việt lại luôn biết “lấy nhân nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo” để bao đời nay vẫn vững vàng nền độc lập tự chủ dù ai đó lúc nào cũng rắp tâm bành trướng, đồng hóa, chia rẽ…đối với láng giềng.

Trận Bạch Đằng, Đống Đa, Chi Lăng vẫn còn đó, Ngưu Bạch Vũ và những tay bút tuyên truyền cổ súy quan điểm diều hâu hiếu chiến ở Trung Quốc hãy đọc lại để tránh cho những người dân lương thiện của nước họ phải bỏ mạng vì bị xúi giục hay cưỡng ép tham gia một cuộc chiến tranh phi nghĩa xâm lược nước khác.

Do đó bất luận thế nào, về phần mình, chúng ta cần chủ động “ứng vạn biến” để bảo vệ trọn vẹn cả hai vế. Đương nhiên, làm được như vậy không dễ vì có những nhân tố không tùy thuộc vào bản thân chúng ta. Nhưng càng khó chúng ta càng cần huy động nguồn trí tuệ và sự khôn khéo vốn có của trường phái ngoại giao Việt Nam mà Bác Hồ là một biểu tượng sáng ngời.

Hồng Đinh

Bài mới
Đọc nhiều