Âm mưu đằng sau việc bẻ lái chỉ đạo của Tổng Bí thư
Để chuẩn bị thật tốt công tác nhân sự đại hội Đảng 13, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vừa có bài viết “Một số vấn đề cần đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng”. Bài viết được đăng tải nguyên văn trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, phần nào cho người dân hiểu được điều tâm huyết nhất của người đứng đầu Đảng, Nhà nước khi nói ra những lời gan ruột trong việc lựa chọn nhân sự lãnh đạo đất nước trong nhiệm kỳ tới.
Trong bài viết, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã dẫn lại con số từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay, có gần 100 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý bị kỷ luật, một số cán bộ đã bị xử lý hình sự. Cùng với đó là tình trạng một bộ phận cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống… Có thể thấy, chúng ta chưa bao giờ phải chứng kiến nhiều đến thế một loạt quan chức bị kỷ luật từ cảnh cáo, cách chức, cách hết chức danh thậm chí bị xử lý hình sự như những trường hợp của Đinh La Thăng, Trương Minh Tuấn, Nguyễn Bắc Son, Vũ Văn Ninh, Nguyễn Thanh Hóa, Phan Văn Vĩnh… Đáng chú ý là, nhiều người trong số đó bị kỷ luật, bị hầu tòa không phải vì chức vụ hiện tại đang giữ mà là những sai phạm từ trước đó. Điều đó cũng đồng nghĩa, tuy quy trình công tác cán bộ của chúng ta rất chặt, nhưng vẫn “lọt lưới” những cán bộ biến chất, họ vẫn tiếp tục lên chức, nhiều khi chức vụ cao chót vót.
Nhìn thẳng vào thực tế thì đây chính là bài học sâu sắc trong công tác quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ. Quy hoạch chưa tốt chắc chắn sẽ để lọt vào bộ máy những “con lươn”, “con chạch” như Tổng Bí thư đã từng trăn trở. Quy trình đầy đủ, chặt chẽ nhưng khi người vận hành quy trình cố tình làm sai, bóp méo cũng sẽ để lọt vào bộ máy những cán bộ không đủ năng lực, phẩm chất. Đó cũng là lý do vì sao Tổng bí thư, Chủ tịch nước đề nghị xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi giới thiệu nhân sự cấp cao cho Đảng lần này. Tránh tình trạng vì lợi ích phe nhóm, đưa người của mình vào Trung ương để trục lợi, khi cán bộ đó hư hỏng thì lại chẳng ai phải chịu trách nhiệm gì. Làm như vậy cũng sẽ hạn chế được tình trạng bấy lâu nay trong xử lý cán bộ vi phạm vẫn còn vướng là khó quy trách nhiệm cho cá nhân, tổ chức giới thiệu, bổ nhiệm. Người đứng đầu Đảng, Nhà nước đã đặt lên vai mỗi tổ chức, cá nhân một trách nhiệm nặng nề trong việc lựa chọn nhân sự: “Phải có con mắt tinh đời trong việc giới thiệu, đánh giá, lựa chọn nhân sự”; “trong từng khâu, từng công đoạn phải làm thật chắc chắn, khoa học, đồng bộ, tránh tối đa sai sót, làm đến đâu chắc chắn đến đó, đừng thấy đỏ tưởng chín, đừng để mã bên ngoài che đậy sơ sài bên trong”.
Có thể thấy, từng câu, từng chữ, từng chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nói ra là cả tâm huyết đối với Đảng, đất nước, nhân dân, trong công tác chọn cán bộ. Dù có nhiều tiêu chuẩn để lựa chọn nhưng trước hết vẫn là đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên hàng đầu. Trước những nội dung chỉ đạo của người đứng đầu Đảng và Nhà nước, dư luận tin tưởng đây sẽ là một trong những đột phá trong việc chọn người đủ sức gánh vác trọng trách mà đất nước và nhân dân giao cho. Ấy vậy mà một số trang hải ngoại như “RFA”, “Báo Tiếng dân”… hay “Nguyễn Hữu Vinh”… lại như lên đồng, xuyên tạc, đả phá lời chỉ đạo của người đứng đầu Đảng, nhà nước với các luận điệu rằng “Yêu cầu nhân sự Trung ương khóa XIII của ông Trọng: Sự chỉ đạo cũ rích!”; rồi thì “Tổng Bí thư lại lặp lại những quan điểm xưa cũ từ nhiều phát biểu trước nhưng không có tiến triển trên thực tế”; “bài của ông Trọng như một tấm áo bào cũ nát”…
Bằng lối lập luận suy diễn, cảm tính với cái tâm đen tối, đầy thù hận, các “nhà dân chủ” không hề giấu diếm khi chỉa thẳng “mũi lao” vào phía Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Chẳng lạ gì khi liên tục có những bài viết tấn công vào những chỉ đạo về công tác nhân sự sắp tới của người đứng đầu Đảng, nhà nước cả. Việc các đối tượng điên cuồng xuyên tạc công tác chọn cán bộ cũng giống như câu chuyện bánh xe đang lăn chạy. Các nhà dân chủ đang gom gió thành bão, chăm chăm tìm cớ chọc cản tốc độ, nhịp độ không những làm gãy, hỏng bánh xe mà thậm chí là gãy nát cả xe. Mục tiêu cuối cùng vẫn là hướng tới phá hoại đại hội 13, dùng ngòi bút chống phá công cuộc bầu chọn nhân sự, kích động mâu thuẫn, khiến người dân mất niềm tin.
Có thể thấy, chủ đề về nhân sự đại hội dễ viết, dễ biên thành kịch, dễ lái sang hạ uy tín Đảng, bôi lem, tạo nghi ngờ trong dư luận lại đặc biệt dễ câu view, kiếm cần câu cơm. Vậy nên cũng dễ hiểu khi đây luôn là chủ đề không thể bỏ qua đối với “giới dân chủ”. Chúng ta cùng xem những “nhà đấu tranh, yêu nước” sẽ diễn tiếp kịch gì từ nay tới đại hội XIII và hạ màn ra sao khi đại hội kết thúc!
Thế Khoa