Ai cho Đại học Giáo dục mở trường phổ thông, thu tiền gấp 40 lần trường công?
Mở trường công lập nhưng thu học phí như tư thục, phải chăng Đại học Quốc gia Hà Nội đang tham gia thị trường giáo dục bằng nguồn vốn ngân sách?
Ngày 11/7/2019, Thời báo Kinh tế Sài Gòn có bài viết “Lẫn lộn công tư – mảnh đất màu mỡ để biến công thành tư” của Tiến sĩ Phạm Thị Ly, trong đó tác giả nhận định:
“Khi các trường đại học công lập mở trường phổ thông và thu học phí với mức giá thị trường, thì về bản chất là họ đang tham gia thị trường giáo dục bằng nguồn vốn từ ngân sách.
Hệ quả là ngân sách đã không được sử dụng đúng mục đích.
Về nguyên tắc, ngân sách là tiền của người dân đóng thuế, chỉ được phép sử dụng để phục vụ lợi ích công, không phải là để làm vốn kiếm lời cho bất cứ cá nhân ai và dưới bất cứ hình thức nào.
Trường đại học công, cho dù thu học phí để bù đắp chi phí, thì vẫn là một tổ chức công, có nghĩa là thuộc sở hữu công và có sứ mạng phục vụ lợi ích công, chứ không thể hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận (nếu trong thực tế nó xử sự như một tổ chức vì lợi nhuận, thì đó lại là một vấn đề khác).
Nếu trường đại học công mở trường phổ thông như công ty mẹ mở công ty con, thì ý nghĩa của tổ chức công không còn nữa.
Đối với giáo dục phổ thông, một trong những sứ mạng quan trọng nhất của trường công là mang lại cơ hội học tập cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Thị trường hóa hoàn toàn dịch vụ giáo dục chắc chắn sẽ đẩy con em nhà nghèo sang bên lề, vì về bản chất nó là thương mại hóa giáo dục, mà thương mại hóa có nghĩa là tối đa hóa lợi nhuận.”
Chúng tôi hoàn toàn chia sẻ với nhận định này của Tiến sĩ Phạm Thị Ly và cho rằng, xu hướng các trường đại học công lập mở trường phổ thông thu học phí như trường tư thục trái Luật Giáo dục rất đáng báo động.
Đại học Quốc gia Hà Nội cũng tham gia thị trường giáo dục phổ thông?
Ngày 10/5/2016 Thông tấn xã Việt Nam / Báo điện tử Vietnam+ đưa tin, tại Hà Nội, Trường Đại học Giáo dục thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đã chính thức giới thiệu Trường Trung học phổ thông Khoa học Giáo dục và công tác tuyển sinh của trường trong năm học đầu tiên 2016-2017.
Phó giáo sư, tiến sỹ Lê Kim Long, Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, cho biết Trường Trung học phổ thông Khoa học Giáo dục được thành lập ngày 3/3/2016, theo Quyết định số 1036/QĐ-UBND của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.
Đây là cơ sở giáo dục đào tạo công lập trực thuộc Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội và nằm trong hệ thống các trường phổ thông của thành phố Hà Nội.
Điểm a), Khoản 1, Điều 48, Chương III, Luật Giáo dục hiện hành quy định: Trường công lập do Nhà nước thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ chi thường xuyên;
Khoản 2, Điều 105, Mục 2, Chương VII, Luật Giáo dục hiện hành quy định: Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định mức thu học phí, lệ phí tuyển sinh đối với các cơ sở giáo dục công lập thuộc cấp tỉnh trên cơ sở đề nghị của Uỷ ban nhân dân cùng cấp.
Nghị quyết số 03/2016/NQ-HĐND ngày 1/8/2016 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định mức học phí tối đa đối với chương trình giáo dục đại trà bậc phổ thông các trường công lập trên địa bàn năm học 2016-2017 là 80 nghìn đồng / tháng / học sinh.
Tuy nhiên, Trường Trung học phổ thông Khoa học giáo dục thu học phí là 3,2 triệu đồng / tháng / học sinh và 1 năm học 10 tháng.
Mức học phí này cao gấp 40 lần học phí cao nhất của trường phổ thông công lập trên địa bàn Hà Nội cùng thời điểm.
Tháng 3/2019, một thành viên khác của Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Ngoại ngữ cũng mới mở Trường Trung học cơ sở Ngoại ngữ, cơ sở này được ghi trong quyết định thành lập là “trường công lập”, nhưng lại thu học phí 3,2 triệu đồng / học sinh / tháng, cao gấp 14,7 lần so với quy định của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội.
Trong khi đó, Trường Trung học phổ thông Chuyên Khoa học tự nhiên thuộc Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đang manh nha chuẩn bị “thí điểm” mở hệ trung học cơ sở.
Mở trường phổ thông trái với chính Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng về Đại học quốc gia
Ngày 17/11/2013 Chính phủ ban hành Nghị định số 186/2013/NĐ-CP về Đại học quốc gia, Khoản 1, Điều 2 nghị định trên quy định rõ:
Đại học quốc gia là cơ sở giáo dục đại học công lập bao gồm tổ hợp các trường đại học, viện nghiên cứu khoa học thành viên thuộc các lĩnh vực chuyên môn khác nhau, tổ chức theo hai cấp để đào tạo các trình độ của giáo dục đại học;
Khoản 2, Điều 2, Chương 1, Quy chế tổ chức và hoạt động của Đại học quốc gia và các cơ sở giáo dục đại học thành viên ban hành kèm theo Quyết định số 26/2014/QĐ-TTg ngày 26/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định rõ:
Đại học quốc gia là cơ sở giáo dục đại học có các đơn vị thành viên thuộc các lĩnh vực chuyên môn khác nhau, tổ chức theo hai cấp, đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ;
Với việc 2 trường đại học thành viên mở Trường Trung học phổ thông Khoa học giáo dục và Trường Trung học cơ sở Ngoại ngữ có tư cách pháp nhân, được sử dụng con dấu riêng và mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước, đã biến Đại học Quốc gia Hà Nội thành đơn vị sự nghiệp công lập 3 cấp, chứ không còn là 2 cấp như quy định của Chính phủ và Thủ tướng.
Một trong những cơ sở pháp lý để Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ra quyết định thành lập Trường Trung học phổ thông Khoa học giáo dục, là Thông tư số 16/2014/TT-BGDĐT ngày 16/5/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế hoạt động của trường thực hành sư phạm.
Tuy nhiên, Khoản 1, Điều 2 của quy chế ban hành kèm theo thông tư này quy định vị trí pháp lý của trường thực hành sư phạm, lại quy định rất rõ:
Trường thực hành sư phạm thực hiện đầy đủ các quy định của Điều lệ trường mầm non, trường phổ thông tương ứng và là cơ sở thực hành của sinh viên sư phạm theo quy định tại Quy chế này.
Khoản 1, Điều 4, Chương I, Quy chế trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hàn kèm theo Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3/2011 quy định:
Trường trung học được tổ chức theo hai loại hình: công lập và tư thục.
a) Trường công lập do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập và Nhà nước trực tiếp quản lý. Nguồn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và kinh phí cho chi thường xuyên chủ yếu do ngân sách nhà nước bảo đảm;
b) Trường tư thục do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân thành lập khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Nguồn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động của trường tư thục là nguồn ngoài ngân sách nhà nước.
Hơn nữa, 2 cơ sở giáo dục phổ thông trong đại học này được xác định là trường công lập nhưng lại thu học phí như trường tư thục, phải chăng Đại học Quốc gia Hà Nội đang tham gia thị trường giáo dục bằng nguồn vốn ngân sách?
Việc mở các trường phổ thông trong các trường đại học thành viên có đi ngược lại quy định của Chính phủ về vị trí và chức năng “tổ chức theo hai cấp để đào tạo các trình độ của giáo dục đại học” như Nghị định 186/2013/NĐ-CP?
(Theo Giáo Dục Việt Nam)