+
Aa
-
like
comment

Ai chịu trách nhiệm về tình trạng bán xăng dầu nhỏ giọt hiện nay?

Công Luân - 02/11/2022 15:52

Chiều 1/11/2022, sau kỳ điều hành của Liên Bộ Công thương – Tài chính, tình trạng thiếu xăng dầu vẫn tiếp diễn. Gần 20% cửa hàng xăng dầu trên địa bàn TP.HCM phải treo bảng đóng cửa. “Khát” tới mức, người dân muốn đổ xăng phải xếp hàng 30 phút và tự đổi tiền lẻ.

Tình trạng hết xăng lan rộng xuống phía Bắc

Điều đáng nói ở đây là đã hơn 2 tháng nay, cứ đến thời điểm điều chỉnh giá xăng dầu là thị trường lại khan hiếm. Thậm chí, lần sau còn nghiêm trọng hơn lần trước, từ miền Nam lan rộng tới miền Bắc. Người dân đã vất vả mưu sinh nay phải trực chờ “xin được tiếp nhiên liệu bằng tiền của chính mình” để phục vụ nhu cầu cuộc sống thì quá là khổ sở. Trong khi trước đó, các cơ quan chức năng liên tục khẳng định, xăng dầu hoàn toàn không thiếu, thậm chí dồi dào, cung cấp đủ cho cả tháng 11/2022. Vậy cuối cùng khúc mắc nằm ở đâu?

Có ý kiến cho rằng, có thể vì để giảm lỗ bù lại trong thời gian qua nên các doanh nghiệp đầu mối cung ứng “nhỏ giọt” để chờ bán sau giờ điều chỉnh giá. Bởi vì giá sẽ tăng theo thị trường thế giới 10 ngày qua và những nhà bán lẻ cũng có động thái tương tự. Nếu như vậy tại sao không rút ngắn thời gian điều chỉnh giá để độ chênh giá rút ngắn xuống. Theo Nghị định 95/2021/ NĐ-CP của Chính phủ thì một tháng điều chỉnh giá xăng 3 lần, tuy nhiên trong những trường hợp đặc biệt như thế này việc đề xuất thời gian điều chỉnh không phải là quá khó khăn.

Hơn nữa, thực tế hiện tại nếu kinh doanh mà lỗ triền miên vì chịu áp lực giá thế giới thì chắc chắn các doanh nghiệp đầu mối cũng sẽ nhập khẩu cầm chừng để tránh lỗ. Chính điều này cũng được Bộ Công Thương thừa nhận. Vậy tại sao không điều chỉnh chi phí kinh doanh để tính đúng, đủ cho doanh nghiệp.

Điều quan trọng là cơ chế điều hành xăng dầu hiện nay vẫn chưa hài hòa lợi ích giữa các bên trong chuỗi cung ứng, doanh nghiệp bán lẻ hoạt động rất khó khăn, có đơn vị thua lỗ vì chiết khấu thấp. Nếu giải quyết được vấn đề này thì chắc chắn không có tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng như hiện nay.

Ngày 27/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có Văn bản 7220/ VPCP-KTTH đề nghị Bộ Công Thương và Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất giải pháp điều hành giá xăng dầu để trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp, tích cực xử lý, bảo đảm kịp thời, hiệu quả. Thế nhưng, điều này có được thực thi khi quả bóng “trách nhiệm” vẫn bị ném qua ném lại.

Bộ Công Thương luôn khẳng định xăng dầu là mặt hàng chiến lược nên quản lý xăng dầu không chỉ là Bộ Công Thương mà còn có sáu bộ ngành và các địa phương. Trong khi đó, Bộ Tài chính đề nghị sửa đổi quy định để giao hoàn toàn quản lý xăng dầu về Bộ Công Thương làm một đầu mối. Còn tư lệnh ngành ngân hàng thì phân trần rằng đã cấp tín dụng, cung ứng ngoại tệ cho doanh nghiệp xăng dầu nhưng doanh nghiệp mới chỉ sử dụng khoảng 50% mức tín dụng đã cấp… Mỗi bộ đều có quan điểm riêng, nhưng người dân cần hơn hết là trách nhiệm và tiếng nói chung để đưa ra giải pháp chấm dứt tình trạng thiếu hụt xăng dầu cục bộ.

Xăng dầu là mặt hàng an ninh chiến lược, có liên quan đời sống người dân và cả nền kinh tế. Nếu cứ để tình trạng cha chung không ai khóc thế này thì cuối cùng an ninh năng lượng của Việt Nam sẽ đi về đâu? Nhất là sắp tới đây, sẽ cần một lượng nhiên liệu rất lớn để phục vụ vào những tháng cuối năm. Nhưng với những gì đang xảy ra, một tương lai đầy khó khăn đang hiện hữu.

Công Luân

Bài mới
Đọc nhiều