+
Aa
-
like
comment

90 mùa xuân, đảng là đạo đức, là văn minh

21/01/2020 16:49

Tại Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”-một sự khái quát thật giản dị mà vô cùng sâu sắc. 90 mùa xuân, từ ngày có Đảng, xây dựng “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” luôn là ý chí chính trị của Đảng và nguyện vọng của nhân dân Việt Nam, là yêu cầu tất yếu của sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo. 

90 năm vinh quang của Đảng để lại nhiều bài học quý, nhưng cũng có những bài học được rút ra không phải từ những đỉnh cao vinh quang, mà từ những sai lầm, khuyết điểm, thậm chí từ một bộ phận cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất. Nhìn thẳng vào sự thật và quyết tâm khắc phục những hạn chế, khuyết điểm để tiến bộ, trưởng thành càng khẳng định Đảng ta là đạo đức-văn minh. Hành trình đi tới tương lai của Đảng và dân tộc ta, vì thế thấm đẫm tình đồng chí, nghĩa đồng bào, trĩu nặng ân tình dân với Đảng.

Bài 1: Đạo đức, văn minh – bản chất và nhu cầu tự thân của Đảng

Suốt 90 năm ra đời và lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam từ bản chất cách mạng cũng như nhu cầu tự thân luôn thể hiện là một tổ chức chính trị chân chính, quang minh chính đại, phấn đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Đảng đã lãnh đạo nhân dân đi tới những mùa xuân lịch sử…

Trong hành trình đi tới những mùa xuân

Chủ tịch Hồ Chí Minh-người sáng lập Đảng ta, khi khẳng định “Đảng ta vĩ đại thật”, “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” đã chứng minh: “Từ ngày bị đế quốc Pháp xâm chiếm, nước ta là một xứ thuộc địa, dân ta là vong quốc nô, Tổ quốc ta bị giày xéo dưới gót sắt của kẻ thù hung ác. Trong mấy mươi năm khi chưa có Đảng, tình hình đen tối như không có đường ra.

Từ ngày mới ra đời, Đảng ta liền giương cao ngọn cờ cách mạng, đoàn kết và lãnh đạo toàn dân ta tiến lên đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Màu cờ đỏ của Đảng chói lọi như mặt trời mới mọc, xé tan cái màn đen tối, soi đường dẫn lối cho nhân dân ta vững bước tiến lên con đường thắng lợi trong cuộc cách mạng phản đế, phản phong”.

PGS, TS Nguyễn Danh Tiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, khi trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã cho rằng, “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” là đánh giá của Bác nhưng cũng là mong muốn của nhân dân ta về Đảng và đã được thực tiễn 90 năm qua khẳng định. “Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức lãnh đạo nhân dân ta chống lại ách thống trị của thực dân, đế quốc, đấu tranh đòi quyền lợi cho dân nghèo, làm cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thực hiện quyền tự quyết, quyền độc lập, tự chủ của dân tộc Việt Nam, đó là quyền bình đẳng tối thiểu của các dân tộc, các quốc gia trên thế giới-đấy là đạo đức, văn minh hàng đầu”, PGS, TS Nguyễn Danh Tiên khẳng định.

Đạo đức, văn minh của Đảng thể hiện ở cương lĩnh cách mạng mà Đảng vạch ra từ ngày đầu thành lập và bền bỉ phấn đấu suốt 90 năm qua. Trong Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt do Nguyễn Ái Quốc khởi thảo và được Hội nghị thành lập Đảng thông qua đã chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản. Đây là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc thuộc phạm trù cách mạng vô sản bao gồm ba nội dung gắn bó với nhau: Dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội (CNXH). Về giai cấp lãnh đạo, hội nghị xác định: Đảng là đội tiên phong của vô sản-giai cấp phải thu phục cho được đại bộ phận giai cấp mình, phải làm cho giai cấp mình lãnh đạo được dân chúng.

Xuyên suốt quá trình lãnh đạo, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, lãnh đạo nhân dân tiến hành các cuộc kháng chiến vĩ đại, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đưa cả nước tiến lên CNXH. Ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với CNXH là biểu hiện tập trung, bao trùm, là đạo đức, văn minh cao cả và sâu sắc nhất của Đảng.

Xã hội xã hội chủ nghĩa (XHCN) với những đặc trưng thể hiện rõ trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (1991) được Đại hội XI của Đảng bổ sung, phát triển năm 2011. Đó là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.

Lẽ dĩ nhiên, xây dựng một xã hội mới tốt đẹp với những đặc trưng tốt đẹp ấy là một hành trình gian nan, đầy chông gai, thử thách. Đó là một thời kỳ lâu dài trong lịch sử, có những thành công, cũng có khó khăn, vấp váp nhưng cuối cùng nhất định sẽ tiến đến xã hội ưu việt-xã hội XHCN và cộng sản chủ nghĩa. Bởi vì: “Đi lên CNXH là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử” (Cương lĩnh 2011).

Chủ nghĩa “làm cốt” và sự sáng tạo, phát triển

Lịch sử càng lùi xa, thực tiễn lại càng chứng minh chắc chắn hơn một chân lý, đó là: Mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng đều bắt nguồn từ Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Theo GS, TS Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, thì tên Đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt và Người thường gọi đó là Đảng chân chính, Đảng chiến đấu, Đảng cách mạng… Trong đó, Đảng muốn vững thì phải lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin “làm cốt” và “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”.

PGS, TS Nguyễn Danh Tiên thì cho rằng, mặc dù Đại hội VII của Đảng mới chính thức khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với Chủ nghĩa Mác-Lênin là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng ta, nhưng trong lịch sử lãnh đạo của Đảng từ khi ra đời đều gắn liền với tư tưởng của Bác. “Sự trung thành của Đảng ta với Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh có cơ sở lý luận và thực tiễn khách quan. Về mặt lý luận, đó là sự phụ thuộc về bản chất chính trị của một đảng vào tính chất và nội dung hệ tư tưởng mà đảng đó lựa chọn làm kim chỉ nam cho hành động. Về mặt thực tiễn, chỉ đến khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tiếp cận được Chủ nghĩa Mác-Lênin và truyền bá tư tưởng đó vào Việt Nam, thì phong trào yêu nước của dân tộc ta mới chấm dứt được tình trạng bế tắc về đường lối cứu nước và cách mạng Việt Nam đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”, PGS, TS Nguyễn Danh Tiên khẳng định.

Ở một khía cạnh khác, sở dĩ hệ tư tưởng của Đảng ta luôn có sức sống mãnh liệt và thực sự là kim chỉ nam cho hành động không chỉ bởi Đảng Cộng sản Việt Nam luôn trung thành mà còn vận dụng sáng tạo và phát triển Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Lịch sử của cách mạng thế giới cũng như Đảng ta cũng chứng minh, khi những người cộng sản xa rời hoặc giáo điều, rập khuôn, máy móc với những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác thì cách mạng sẽ gặp khó khăn, thậm chí thất bại. Và ngược lại, khi Đảng nắm vững và vận dụng sáng tạo hệ tư tưởng mác-xít vào thực tiễn thì cách mạng sẽ giành thắng lợi. GS, TS Hoàng Chí Bảo nêu ví dụ, một sáng tạo lớn, có tính phát kiến của Nguyễn Ái Quốc về quy luật đặc thù ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là sự kết hợp của Chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Chính cương, sách lược vắn tắt do Người khởi thảo hàm chứa một tư duy nhuần nhuyễn lý luận với thực tiễn và sáng tạo lớn.

Bản lĩnh của một đảng còn phải được chứng minh qua những thử thách, biến cố ngặt nghèo. Từ thập niên cuối của thế kỷ 20, trong bối cảnh chế độ XHCN ở Liên Xô và một số nước Đông Âu sụp đổ; CNXH và phong trào cộng sản, công nhân quốc tế lâm vào thoái trào, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn giữ vững bản chất cách mạng của giai cấp công nhân, kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Để thích ứng với sự phát triển của thời đại, chúng ta thực hiện công cuộc đổi mới trên cơ sở nhận thức đúng, vận dụng và không ngừng sáng tạo, phát triển Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện mới. Đảng xác định, đổi mới toàn diện, đồng bộ, nhưng có trọng tâm, trọng điểm trong từng giai đoạn; đặt đổi mới tư duy lên hàng đầu để mở đường và định hướng cho quá trình đổi mới; trong đó, đổi mới phát triển kinh tế là trung tâm và đi trước một bước; xây dựng Đảng là then chốt; xây dựng văn hóa, con người làm nền tảng tinh thần; tăng cường quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên; lấy sự ổn định chính trị-xã hội làm tiền đề, làm điều kiện tiên quyết cho sự nghiệp đổi mới và phát triển. Với tư duy và sự sáng tạo đó, cách mạng Việt Nam đã vượt qua thác ghềnh, đưa công cuộc đổi mới đạt được nhiều thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử.

Nhấn mạnh, đề cao đạo đức, văn hóa Đảng và thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn để hoàn thành sứ mệnh lịch sử cũng chứng tỏ đạo đức, văn minh của Đảng cầm quyền, GS, TS Hoàng Chí Bảo cho rằng, Đại hội XII của Đảng xác định xây dựng Đảng vững mạnh bao gồm không chỉ về chính trị, tư tưởng, tổ chức mà còn về đạo đức. Xây dựng Đảng về đạo đức, rộng hơn nữa là văn hóa, bởi văn hóa của Đảng cầm quyền là nội dung cực kỳ quan trọng hiện nay. Lúc sinh thời, một trong những điều Bác Hồ quan tâm nhất chính là công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là về đạo đức, về văn hóa. Theo tư tưởng của Người, xây dựng Đảng suy cho cùng quy lại là thể hiện ở mối quan hệ máu thịt Đảng với dân. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” viết năm 1947, Bác dành một chương với 12 điều để nói về xây dựng một Đảng cách mạng, chân chính. Chỉ với 456 từ nhưng ở đây đã hiển hiện một chủ thuyết, học thuyết Hồ Chí Minh về Đảng. Mở đầu, Bác viết: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài”. Đến khi viết Di chúc, theo Bác, việc đầu tiên khi nước nhà thống nhất là chỉnh đốn lại Đảng…Đảng là đạo đức, là văn minh phải được thể hiện bằng hành động và kết quả thực tế, bằng tấm gương của mỗi cán bộ, đảng viên. Ông Nguyễn Túc, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về văn hóa xã hội, thành viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa IX khi nói về vấn đề căn cốt này của Đảng cũng khẳng định: “Trong giai đoạn quan trọng hiện nay, chúng ta đang giáo dục chính cán bộ, đảng viên không chỉ về mặt lý luận mà còn bằng những hành động thực tế trong cuộc sống hằng ngày, để chứng tỏ với nhân dân rằng, Đảng ta mãi mãi là Đảng tiên phong, là đạo đức, là văn minh. Không có đạo đức thì nói ai nghe. Đạo đức của người cộng sản có vai trò quyết định đối với uy tín và hành động của Đảng trong quá trình đổi mới đất nước”.

“Ngày hôm nay, đất nước Việt Nam là một đất nước độc lập, giữ vai trò và vị thế trên trường quốc tế. Đó là bởi sự thông minh trong những quyết định của Đảng Cộng sản Việt Nam trong cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam và cũng bởi người đã dìu dắt, chèo lái đất nước này trong những thời kỳ vô cùng khó khăn phải đối mặt với cuộc chiến tranh dân tộc chống lại sự xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, người ấy chính là: Hồ Chí Minh”.

(Jarson et Amille Fath, thành viên của Ủy ban Hành pháp quốc gia của Đảng Cộng sản Pháp, phụ trách quan hệ quốc tế)

Hoàng Tiến – Huy Quang – Nguyễn Tuấn/ QĐND

Bài mới
Đọc nhiều