+
Aa
-
like
comment

Lưỡi kiếm đêm trăng 9/3/1945: Nhật lật đổ Pháp

09/03/2021 12:37

Ngày 9-3 cách đây 76 năm về trước, đại diện Nhật tới Phủ Toàn quyền của Pháp ở Sài Gòn thảo luận và chuẩn bị văn kiện về việc Pháp cung cấp gạo cho Nhật trong năm 1945. Nhật đảo chính Pháp, chấm dứt ách thống trị của Pháp trên toàn cõi Đông Dương.

Tướng Jean de Lattre de Tassigny và Bảo Đại

16 giờ ngày 9/3/1945, đại diện Nhật tới Phủ Toàn quyền của Pháp ở Sài Gòn thảo luận và chuẩn bị văn kiện về việc Pháp cung cấp gạo cho Nhật trong năm 1945. 18 giờ, Đại sứ Matsumôtô đến ký hiệp ước và đến 19 giờ trao cho Toàn quyền Đông Dương Đờcu một tối hậu thư với nội dung buộc Pháp phải hợp tác chặt chẽ với Nhật trong việc phòng thủ Đông Dương trước nguy cơ quân đội Anh, Mỹ đổ bộ. Do đó Nhật buộc Pháp phải đặt toàn bộ lực lượng vũ trang, các cơ sở hậu cần dưới quyền chỉ huy của Nhật và tất cả các quan chức Pháp phải phục tùng sự chỉ huy của Nhật.

Đặc sứ của chính phủ Nhật, Hajime Matsumiya (phải) được một sỹ quan Pháp và Tổng lãnh sự Nhật Rokuro Suzuki (giữa) hộ tống duyệt một đơn vị lính thuộc địa ở Hải Phòng tháng 11/1940

Tối hậu thư buộc Toàn quyền Đông Dương phải trả lời trước 21 giờ. Phía Pháp xin hoãn thời gian trả lời, lấy lý do là phải hỏi ý kiến Bộ tư lệnh quân Pháp đóng ở Hà Nội. Phía Nhật coi đó là hành động bác bỏ tối hậu thư và đúng 21 giờ 20, Nhật hạ lệnh tấn công Pháp. Hầu như không gặp phải một sự kháng cự đáng kể nào, quân Nhật nhanh chóng chiếm được Phủ Toàn quyền, giam giữ Toàn quyền Đông Dương và hầu hết các quan chức cao cấp của thực dân Pháp.

Bằng một hành động thống nhất trên toàn Đông Dương, trong đêm 9/3, quân Nhật đồng loạt nổ súng và căn bản nhanh chóng đè bẹp sự kháng cự của đối phương. Đến chiều ngày 10-3, quân Pháp đầu hàng, phát xít Nhật làm chủ các vùng đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Sài Gòn và nhiều tỉnh lỵ…

Châu Á dưới ách phát-xít Nhật: súng gắn lưỡi lê, kiếm và cờ Nhật

Những đơn vị quân Pháp còn cố thủ ở Cà Mau, Biển Hồ (Campuchia), một số vùng ở Bắc Đông Dương cũng lần lượt bị thất thủ, chỉ còn một số tàn quân chạy qua biên giới Việt-Trung.

Lính Nhật hành quân tiến vào Hải Phòng tháng 9/1940

Với sự kiện này, lực lượng quân sự Pháp hoàn toàn tan rã, bộ máy thống trị của thực dân Pháp đầu hàng, bị cầm tù hoặc đang tâm làm tay sai cho phát xít Nhật. Trên thực tế toàn bộ Đông Dương đã trở thành thuộc địa của phát xít Nhật.

Nguồn tổng hợp từ:
1.Dương Trung Quốc, “Việt Nam những sự kiện lịch sử (1919-1945)”, nxb Giáo dục, 2001.
2.Đinh Xuân Lâm (chủ biên), “Đại cương lịch sử Việt Nam”, tập II, nxb Giáo dục, 2001.
1. Các tướng lĩnh Pháp bị bắt trong ngày Nhật đảo chính Pháp, ngày 9/3/1945.
2. Toàn quyền Đông Dương Đờ Cu đón tướng Nhật sau ngày Nhật đảo chính Pháp

Bài mới
Đọc nhiều