6 ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng trưởng thành từ lớp học miền Nam
Trong lớp “hạt giống đỏ” học sinh miền Nam mà Bác Hồ đã gieo trồng có 6 ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng; 18 nguyên ủy viên TƯ, 3 Bí thư Tỉnh ủy, 18 Thứ trưởng và Chủ tịch tỉnh.
Những năm đầu hòa bình được lập lại ở miền Bắc, mặc dù bộn bề nhiều công việc nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm đến cán bộ, bộ đội và thiếu nhi, học sinh miền Nam.
Cháu nào cũng là con em đại gia đình ta
Ngày 1/6/1955, nhân ngày Quốc tế thiếu nhi đầu tiên được tổ chức ở nước ta sau hòa bình lập lại, Bác gửi thư cho “Các cháu và các cán bộ các trường miền Nam”. Bác viết rất thân mật, đầy tình nghĩa yêu thương: “Bác muốn đi thăm các cháu và các cô, các chú nhưng vì bận nhiều việc quá chưa đi được”.
Bác nhấn mạnh: “Cháu nào cũng là con em đại gia đình ta, cũng là do Đảng và Chính phủ giao cho các cô, các chú phụ trách nuôi dạy. Sao cho đến ngày nước nhà thống nhất, trở lại quê hương, các cháu và các cô, các chú đều là những người gương mẫu về tư tưởng, đạo đức, cũng như về mọi mặt khác”.
Sự quan tâm lớn lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với học sinh miền Nam không chỉ thể hiện ở thư từ, công văn, chỉ thị mà còn biểu hiện qua từng việc làm cụ thể.
Vào các dịp Tết Trung thu, Tết Nguyên Đán (ngay cả Tết 1969, trước khi Bác qua đời hơn nửa năm), Bác thường gọi điện sang Bộ Giáo dục, Ban Thống nhất hỏi han việc lo Tết cho các cháu về vật chất, về tinh thần ra sao.
Các cán bộ văn phòng Bác kể lại, trong lịch trình chúc Tết các địa phương, đơn vị, điều đầu tiên Bác nghĩ tới là đi thăm các trường học sinh miền Nam. Bác nói: “Các cháu xa nhà, xa quê. Mong người thân lắm. Để Bác đến thăm cho các cháu đỡ buồn”.
Bác gợi ý bà con miền Bắc đón các cháu về ăn Tết cho các cháu đỡ nhớ nhà, nhớ quê. Mỗi khi đến thăm các trường học sinh miền Nam, Bác thường đi thẳng xuống bếp, nhà ở, nhà vệ sinh để xem việc ăn ở của các cháu ra sao…
Dịp Tết năm 1956, sau khi đến thăm Trại nhi đồng miền Nam, Bác gửi biếu trại 300 đồng tiền nhuận bút một bài báo của Bác. Cụ bà Nguyễn An Ninh quyết định dùng 150 đồng để ăn Tết, còn 150 đồng để tăng gia. Nghe tin trại đang chuẩn bị ao thả cá, Bác liền gửi thùng cá rô phi giống của Bác đang nuôi để biếu cô giáo và các cháu.
Từ đó trở đi, Tết nào, dù đi thăm và chúc Tết ở đâu, Bác cũng không quên đến thăm, chúc Tết hoặc gửi quà bánh tặng cho Trại nhi đồng miền Nam.
Ngày 30/5/1957, Bác đến thăm trường Học sinh miền Nam số 24 và trường Nhi đồng miền Nam tại Hải Phòng.
Khi đến trường Nhi đồng miền Nam, Bác đề nghị các giáo viên, phụ trách cho các cháu xếp ghế ngồi xung quanh Bác.
Bác ân cần thăm hỏi tình hình học tập, sức khỏe của các cháu, chụp ảnh chung và cùng liên hoan với các cháu.
Đặc biệt cảm động khi ra về Bác dặn các cán bộ, giáo viên: “Bác để ý thấy có hai, ba cháu còn đau mắt, các cô, các chú phải tra thuốc cho các cháu mau lành nhé”.
Chúng ta phải trồng cây cho đồng bào miền Nam nữa
Với học sinh miền Nam học tại nước ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thường xuyên chăm lo, quan tâm, không chỉ qua những bức điện, bức thư thăm hỏi mà còn cả trong những chuyến thăm trường khi Bác sang nước ngoài công tác.
Năm 1957, trên đường đi dự Đại hội 81 Đảng Cộng sản và công nhân Quốc tế họp ở Moskva và dự lễ kỷ niệm 40 năm Cách mạng Tháng 10 Nga, Bác ghé vào khu học xá Trung ương (Nam Ninh, Trung Quốc) để thăm cán bộ và học sinh Việt Nam đang học tập.
Trong buổi họp mặt đón Bác, câu đầu tiên Bác hỏi giám đốc là về số lượng học sinh nữ và học sinh miền Nam hiện đang theo học ở đây.
Giám đốc không nắm được số lượng cụ thể, Bác liền phê bình. Bác căn dặn cán bộ, nhân viên, các thầy cô giáo Việt Nam và chuyên gia nước ngoài cần nỗ lực và cố gắng hơn nữa trong việc nuôi dạy các cháu học sinh miền Nam vốn quý của đồng bào miền Nam và của cách mạng miền Nam.
Đối với các trường Nguyễn Văn Bé và Nguyễn Văn Trỗi đóng ở nước ngoài sau này, Bác luôn quan tâm, khi thì trực tiếp đến, khi thì cử người đến thăm hỏi và chăm sóc mọi mặt. Năm 1959, Bác Tôn thay mặt Bác Hồ đến thăm trường Học sinh miền Nam 28 ở Hà Nam và tặng nhà trường một số áo bông để cấp phát cho học sinh.
Chị Nguyễn Thị Hai (giáo viên trường Đại học Sư phạm TP.HCM) là một trong số học sinh miền Nam được gặp Bác. Trong hồi ký của mình, chị kể: Bác xoa đầu chúng tôi và nói: “Các cháu phải gắng học cho thật giỏi nghe. Ở miền Nam nhiều bạn cùng lứa tuổi như các cháu đã bị thất học. Quê hương đang rất cần những giáo viên tương lai như các cháu”.
Ngày 14/6/1969, chỉ gần 3 tháng trước khi đi xa, Bác cho mời anh Nguyễn Phú Soại và chị Nguyễn Khánh Phương, hai cán bộ của Cơ quan đại diện Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam tại Hà Nội để hỏi về tình hình các cháu học sinh miền Nam vì Bác được báo cáo có một số cháu tiến bộ chậm.
Bác dặn hai anh chị rằng: “Nếu để tình hình này kéo dài thì ba má và gia đình các cháu đang chiến đấu ở miền Nam sẽ kém yên tâm”.
Như cảm nhận của chị Nguyễn Khánh Phương sau lần gặp Bác hôm ấy: “Khi ra về, qua vườn nhà Bác, tôi nhìn thấy cây vú sữa đồng bào miền Nam gửi tặng Bác và Bác ngày ngày tự tay vun xới đã lớn lên, cao quá mái nhà đơn sơ của Bác. Tôi nhìn cây vú sữa mà nghĩ đến người ông trồng cây cho con cháu ăn quả. Bác đã kêu gọi nhân dân miền Bắc trồng cây cho đất nước xanh tươi và Bác cũng không quên nhắc mọi người: “Chúng ta phải trồng cây cho đồng bào miền Nam nữa”.
Bác nhắc: “Trồng cây nào tốt cây ấy”. Bác dặn các cụ già và các tỉnh chú ý “nhân giống cho miền Nam, trồng nhiều cây miền Nam trong vườn kết nghĩa”. Bác luôn nghĩ đến việc ươm hạt giống cách mạng cho miền Nam. Miền Nam trân trọng những hạt mầm của Bác.
Nhiều lãnh đạo trưởng thành từ lớp học miền Nam
Mới ngày nào một thế hệ học sinh miền Nam tuổi lên 9, lên 10, quần soọc, áo cánh, với chiếc ba lô, đôi dép cao su từ các vùng Khu 5, Nam Bộ, Tây Nguyên theo các chú bộ đội xuống tàu tập kết. Sau quá trình được Đảng, Bác Hồ và nhân dân miền Bắc nuôi dạy, đã trưởng thành và góp sức không nhỏ vào công cuộc giải phóng quê nhà miền Nam, thống nhất đất nước.
Một số không nhỏ trong số các em đã trở lại miền Nam chiến đấu giải phóng quê hương.
107 học sinh miền Nam trong số này đã anh dũng hy sinh khi tham gia chiến đấu như các Anh hùng: Nguyễn Văn Bảy, Đồng Văn Đe, Lê Khương, nhà thơ Lê Anh Xuân, nhà văn Chu Cẩm Phong, nhà báo Lê Đình Phụng… Có người bị bắt, cầm tù nhưng vẫn giữ vững khí tiết trung kiên.
Đến năm 1975, hơn 15.000 học sinh miền Nam được đào tạo qua bậc đại học và sau đại học ở các trường đại học trong và ngoài nước. Phần lớn các “hạt giống đỏ” mà Bác Hồ, Đảng ta và nhân dân miền Bắc gieo trồng ngày nào đã nẩy mầm thành những cây vạm vỡ, vững chắc.
Trong số này, có 6 ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng; 18 nguyên ủy viên TƯ Đảng, 3 Bí thư Tỉnh ủy; 18 Thứ trưởng và Chủ tịch tỉnh…
Điển hình như nguyên Phó Chủ tịch QH Trương Quang Được, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm UB Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em Trần Thị Thanh Thanh, nguyên Bộ trưởng Văn hoá Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Trưởng Ban Nội chính TƯ Nguyễn Bá Thanh…
Nhiều học sinh miền Nam trở thành lãnh đạo cấp cao trong lực lượng công an, quân đội như Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn, Thượng tướng Trương Quang Khánh, Trung tướng Bùi Quang Bền…
Trong số các “hạt giống đỏ” học sinh miền Nam còn có những nhà khoa học đầu ngành trong các lĩnh vực; nhiều văn nghệ sỹ tên tuổi như nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền, NSND Tường Vi, NSND Trà Giang, NSND Lâm Tới, NSND Đinh Xuân La, NSND Đàm Liên…
Đặc biệt, hiện tại, nhiều học sinh miền Nam vẫn đang đảm nhận những trọng trách rất quan trọng của đất nước như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình…
Ths Vũ Thị Kim Yến (Phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Tư liệu – Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch)