50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ: Hành trình vươn tới những ước mơ
Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ (1969 – 2019), Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ VHTTDL chỉ đạo Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng tổ chức trưng bày chuyên đề: ‘Hành trình vươn tới những ước mơ – 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 – 2019)’. Triển lãm khai mạc chiều 19.8 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Khánh Hải cắt băng khai mạc và tham quan triển lãm.
Phát biểu khai mạc triển lãm, ông Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì độc lập, tự do, dân chủ, hòa bình và tiến bộ xã hội. Trước lúc đi xa, Người đã để lại bản Di chúc lịch sử cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, cùng bạn bè quốc tế, các đồng chí anh em.
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã củng cố niềm tin cho toàn dân tộc vào tương lai của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, là những lời căn dặn mang tính cương lĩnh cho sự phát triển của đất nước sau khi kháng chiến thắng lợi, là ánh sáng soi đường cho toàn Đảng, toàn dân trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
“50 năm qua, thực hiện Di chúc của Người, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã hoàn thành sự nghiệp Giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, những vết thương chiến tranh đã dần được hàn gắn, kinh tế xã hội phát triển và đạt được những thành tựu quan trọng, bước đầu thực hiện thắng lợi công cuộc Đổi mới, đem lại phồn vinh cho đất nước, hạnh phúc, ấm no cho nhân dân, nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế…”, ông Vũ Mạnh Hà khẳng định.
Trưng bày chuyên đề “Hành trình vươn tới những ước mơ – 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 – 2019)” giới thiệu đến người xem hơn 250 tài liệu, hiện vật, hình ảnh và phim tài liệu có giá trị đặc biệt. Ở đó, không chỉ được xem lại những hình ảnh, tài liệu, hiện vật hay những thước phim có giá trị lịch sử vô giá, công chúng còn có cơ hội được tiếp cận và chiêm ngưỡng những thành tựu nổi bật của Việt Nam đã đạt được trên chặng đường vẻ vang 50 năm qua, từng bước hiện thực hóa những mong muốn cuối cùng của Bác Hồ trước lúc đi xa. Trưng bày cũng góp phần động viên nhân dân tiếp tục thực hiện Di chúc của Người, nỗ lực phấn đấu bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.
Nội dung triển lãm gồm 4 phần. Phần thứ nhất: “Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước (1969- 1975)”, khái quát lại những dấu mốc lịch sử của Tổ quốc ta từ lúc Bác Hồ muôn vàn kính yêu ra đi để lại niềm tiếc thương vô hạn cho cả dân tộc. Biến đau thương thành hành động cách mạng, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân Việt Nam đã đoàn kết một lòng, tập trung cao độ ý chí, sức lực, học tập và làm theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cả dân tộc đã anh dũng chiến đấu, cống hiến sức lực và xương máu, góp phần từng bước thực hiện thắng lợi công cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước đúng như di nguyện của Người.
Phần thứ hai: Xây dựng lại đất nước và bảo vệ Tổ quốc (1975- 1986). Những hình ảnh, tài liệu hiện vật của phần này nhằm giới thiệu tới công chúng nội dung công cuộc kiến thiết xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sau ngày giải phóng. Cả nước bắt tay vào hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, ổn định sản xuất, tái thiết đất nước, cải thiện đời sống nhân dân. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế được tăng cường đầu tư. Hệ thống cơ sở hạ tầng cho phát triển công nghiệp được quan tâm xây dựng. Mặc dù công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế còn nhiều gian nan, phải đối mặt với thù trong, giặc ngoài nhưng với tinh thần độc lập dân tộc bất diệt, nhân dân Việt Nam đã anh dũng chiến đấu chống lại hai cuộc chiến tranh ngoại xâm quy mô lớn ở biên giới phía Tây Nam và phía Bắc, phá sản âm mưu phá hoại của nhiều tổ chức phản động, bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Ở phần ba, những hình ảnh, hiện vật về nội dung “Đổi mới và phát triển (1986-1995)” cũng được thể hiện sinh động, chân thực tại triển lãm. Sau 10 năm đất nước hòa bình và bước đầu xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội, Việt Nam đã đạt được một số thành tựu nhất định, song cũng gặp không ít khó khăn, yếu kém, dẫn đến khủng hoảng trầm trọng. Đổi mới để vượt qua khủng hoảng và phát triển ổn định đã trở thành nhu cầu cấp thiết của đất nước.
Đường lối Đổi mới được đề ra tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 12.1986 là bước ngoặt cơ bản, có tính quyết định trong sự nghiệp phát triển của Việt Nam. Thành tựu của công cuộc đổi mới đã làm thay đổi bộ mặt, vị thế của đất nước, kinh tế chuyển đổi và tăng trưởng, văn hóa phát triển, xã hội từng bước năng động và có sự chuyển mình kỳ diệu, đất nước phồn vinh, quốc phòng được giữ vững, an ninh quốc gia được bảo đảm.
Phần thứ tư: Hội nhập và cất cánh (1995 – 2019). Các tài liệu, hiện vật, hình ảnh của phần trưng bày này nhấn mạnh nội dung về sự phát triển của đất nước ta sau công cuộc đổi mới với nội dung hội nhập, cất cánh và nâng tầm quốc gia. Sau hơn 30 năm đổi mới, vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng tăng cao. Thế giới biết đến Việt Nam không chỉ là dân tộc yêu chuộng hòa bình, quật cường, anh dũng trong chiến tranh, mà còn là đất nước đổi mới thành công, thân thiện, có nhiều tiềm năng, kinh tế phát triển năng động, tích cực tham gia vào cộng đồng quốc tế vì hòa bình, hợp tác và phát triển. Việt Nam đã và đang không ngừng củng cố môi trường hòa bình, ổn định và tạo mọi điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Triển lãm mở cửa đón khách tham quan từ ngày 19.8 đến tháng 12.2019.
HÀ NGÂN/Văn Hóa