+
Aa
-
like
comment

5 chức danh được xem xét trường hợp đặc biệt

03/02/2020 06:34

5 chức danh được xem xét trường hợp đặc biệt gồm: Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch QH và Thường trực Ban Bí thư.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định 214 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện TƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

5 chức danh được xem xét trường hợp đặc biệt

Ngoài quy định tiêu chuẩn cụ thể của từng chức danh của cán bộ thuộc diện TƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, Quy định 214 cũng quy định những chức danh được xem xét trường hợp đặc biệt.

Theo đó có 5 chức danh được xem xét trường hợp đặc biệt gồm: Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch QH và Thường trực Ban Bí thư.

Trong đó trường hợp đặc biệt với chức danh Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch QH sẽ do BCH TƯ quyết định. Còn trường hợp đặc biệt đối với chức danh Thường trực Ban Bí thư sẽ do Bộ Chính trị quyết định.

Quy định 214 còn nêu rõ một số trường hợp đặc thù áp dụng tiêu chuẩn chức danh khi bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.

Một là, những cán bộ được điều động, luân chuyển từ nơi khác đến không nhất thiết phải bảo đảm tiêu chuẩn “đã kinh qua chức danh lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp dưới trực tiếp”.

Hai là, những cán bộ được bổ nhiệm giữ chức vụ tương đương hoặc kiêm nhiệm thêm chức vụ khác thì không nhất thiết phải bảo đảm đầy đủ tiêu chuẩn chức danh tương đương hoặc tiêu chuẩn chức vụ kiêm nhiệm.

Ba là, những cán bộ đang công tác trong lực lượng vũ trang, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước khi bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử không nhất thiết phải bảo đảm tiêu chuẩn “quản lý nhà nước ngạch chuyên viên cao cấp”.

Bốn là, khi xem xét, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử chức danh mới chưa có trong quy định này thì áp dụng tiêu chuẩn chung và vận dụng tiêu chuẩn chức danh tương đương có vị trí, tính chất tương đồng.

Không dao động trước khó khăn, thách thức

Về khung tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện TƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, Quy định 214 nêu rõ nhóm tiêu chí về chính trị, tư tưởng; đạo đức, lối sống; tác phong, lề lối làm việc; ý thức tổ chức kỷ luật

Theo đó, cán bộ thuộc diện TƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý về hính trị, tư tưởng phải chấp hành nghiêm túc, có hiệu quả chủ trương, đường lối, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nguyên tắc tổ chức, kỷ luật của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình.

Có quan điểm, tư tưởng chính trị vững vàng; kiên định lập trường; không dao động trước khó khăn, thách thức; đặt lợi ích của quốc gia dân tộc, tập thể lên trên lợi ích cá nhân.

Đồng thời, tích cực nghiên cứu, tham gia đầy đủ việc học tập chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, các đợt sinh hoạt chính trị và cập nhật kiến thức mới.

Về đạo đức, lối sống, cán bộ thuộc diện TƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý không tham nhũng, quan liêu, cơ hội, vụ lợi; không có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”.

Họ phải là những người có lối sống trung thực, khiêm tốn, chân thành, trong sáng, giản dị; có tinh thần đoàn kết, xây dựng, gương mẫu, thương yêu đồng chí, đồng nghiệp; không trục lợi và cũng không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi.

Về tác phong, lề lối làm việc, những cán bộ này phải nhiệt tình, tâm huyết, có trách nhiệm, năng động, sáng tạo, quyết liệt, linh hoạt trong thực hiện nhiệm vụ được giao; có phương pháp làm việc khoa học, dân chủ, quyết đoán, đúng nguyên tắc; có tinh thần hợp tác, hướng dẫn, giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp.

Về ý thức tổ chức kỷ luật, họ phải thực hiện nghiêm các quy định, quy chế, nội quy địa phương, cơ quan, đơn vị nơi công tác; chấp hành sự phân công của tổ chức, yên tâm công tác; thực hiện việc kê khai và công khai tài sản, thu nhập theo đúng quy định; báo cáo đầy đủ, trung thực với cấp trên; cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, khách quan.

Thu Hằng/VNN

Bài mới
Đọc nhiều