2 lý do để Ngân hàng Nhà nước nới thêm room tín dụng
Khát vốn, khó tiếp cận được nguồn vốn do room tín dụng quá nhỏ giọt, nhiều doanh nghiệp, cá nhân đang thiếu tiền để chi tiêu phục vụ cho kinh doanh lẫn tiêu dùng. Kiểm soát ổn định vĩ mô liệu có thể song hành với nhu cầu phục hồi trong nước?
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế xã hội Việt Nam ngày 18/9, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay từ đầu năm là 14%. Mức này đã cao hơn năm 2020, 2021. Do đó, NHNN khẳng định sẽ không điều chỉnh mục tiêu này.
Có thể thấy, sau nhiều kiến nghị từ các doanh nghiệp cho đến các chuyên gia, NHNN vẫn kiên quyết với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%, không nới thêm. Bất chấp hiện nay Việt Nam đang kiểm soát tốt không để “lạm phát nhập khẩu” thông qua việc bán lượng lớn ngoại hối ra thị trường. Tấm đệm dự trữ ngoại hối đang phát huy tác dụng, chưa kể song song đó chúng ta còn đang củng cố được nguồn dự trữ này nhờ việc xuất khẩu gạo với giá cao, đặc biệt là xuất siêu vào thị trường Hoa Kỳ.
Thế nhưng, động thái của NHNN cũng là có lý do, bởi cần lưu ý là song hành với đà phục hồi của các doanh nghiệp trong nước thì tình trạng suy thoái, khủng hoảng đang diễn ra khắp nơi trên toàn cầu. Cả ba thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Liên Minh Châu Âu (EU) đều đang chịu sức ép từ các chính sách tiền tệ thắt chặt, chống dịch cực đoan và khủng hoảng năng lượng. Việc nới room tuy sẽ giúp doanh nghiệp hồi phục, đầu tư mở rộng công xưởng, nhưng chu kỳ suy thoái trên thế giới đang đến rất gần, nhu cầu tiêu thụ ngày một giảm sẽ đe dọa tới doanh thu xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp, từ đó gây áp lực trả nợ lên các tổ chức kinh doanh. Nhìn ở góc độ vĩ mô, nếu không tầm soát trước, không cẩn thận để tiền chảy không đúng hướng vào lúc này, nợ xấu sẽ phình to, kéo lùi thành quả tăng trưởng bao năm qua của Việt Nam.
Để tăng trưởng kinh tế, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cũng cho rằng, doanh nghiệp cần huy động vốn từ nhiều nguồn vốn khác nhau, không nên chỉ dựa vào ngành ngân hàng, mà nên huy động từ các chủ thể khác, như từ thị trường vốn, phát hành cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, đầu tư công, vốn đầu tư nước ngoài – đây là các kênh dẫn vốn vào nền kinh tế.
Sở dĩ NHNN kêu gọi doanh nghiệp nên quay sang thị trường vốn như trên, cũng là nhằm lọc ra những doanh nghiệp thực sự có năng lực tốt về mặt quản trị. Việc họ tự xoay sở được chính là cách giúp những doanh nghiệp này từng bước trở thành trụ cột đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển ổn định lâu dài cho nền kinh tế.
Ngay từ đầu năm, NHNN cũng đã thể hiện rõ quan điểm là không tăng mà phấn đấu hạ lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Nên không phải là không muốn mà là không thể, room tín dụng nới hay không nới, cần xét thêm yếu tố vĩ mô, chứ không thể chỉ dựa vào nhu cầu phục hồi từ doanh nghiệp.
Tuy nhiên, dù không kiểm soát được các yếu tố bên ngoài, nhưng NHNN vẫn có thể linh hoạt để nới thêm room tín dụng cho doanh nghiệp khai thác thị trường trong nước. Có hai góc nhìn ở đây, thứ nhất, đó là dù người dân các nước khác hạn chế chi tiêu do chính sách tiền tệ thắt chặt, song Việt Nam không nhất thiết phải để xảy ra tình trạng tương tự như vậy. Thay vào đó, cần phát huy lợi thế từ việc ngăn “lạm phát nhập khẩu” bằng cách kích cầu tiêu thụ trong nước, để từ đó doanh nghiệp Việt sẽ có dư địa cho việc phục hồi mà không lo ngại về những rủi ro cho nền kinh tế.
Thực tế hiện nay, có nhiều doanh nghiệp đang khai thác rất tốt thị trường trong nước, sức tiêu thụ người dân cũng ở mức cao nhưng doanh nghiệp thì thiếu vốn để xoay, người dân thì thiếu tiền để chi. Vì vậy, việc nới room có thể xem xét, khi cần thiết có thể dùng để kích cầu tiêu thụ trong nước, thông qua thẻ tín dụng, các gói vay ngắn hạn, tín chấp… cho người dân chi tiêu, mua sắm. Nếu làm được điều này, Việt Nam sẽ còn thu hút được các doanh nghiệp nước ngoài đến trú bão, tìm kiếm lợi nhuận, qua đó tạo thêm công ăn việc làm cho người dân cũng như bổ sung vào dự trữ ngoại hối, củng cố tấm đệm giảm xóc cho nền kinh tế.
Thứ hai, về thị trường quốc tế, mặc dù cả ba thị trường xuất khẩu của Việt Nam đang suy yếu, nhưng vẫn còn nhiều thị trường tiềm năng khác vẫn giữ được ổn định. Vì vậy, có thể xem xét cho dòng vốn tín dụng chảy vào các doanh nghiệp có năng lực, để các mặt hàng Việt Nam có thể tìm đến những thị trường mới, xây dựng thương hiệu và cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, tiếp tục đem về lượng ngoại hối trong bối cảnh suy thoái toàn cầu đang diễn ra. Trong ứng ngoại hợp, thị trường trong nước sẽ làm bàn đạp, để doanh nghiệp vươn ra thế giới. Nếu nhìn ở góc độ này, việc nới thêm room sẽ có thể mang lại cơ hội trong một bức tranh nhiều rủi ro hiện nay.
Quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam hiện đang chiếm 175 tỷ USD, dự báo đến năm 2025 quy mô đạt 350 tỷ USD, đóng góp 60% GDP. Cho thấy thị trường trong nước vẫn đang tăng trưởng, còn nhiều dư địa cho doanh nghiệp trong và ngoài nước khai thác.
Trong phần kết luận Hội nghị giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, chiều 12/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh rằng, “Đưa tiền ra nhiều hay ít là vấn đề cần quan tâm, nhưng quan trọng hơn là đưa tiền ra có trúng, có đúng vào các động lực cho nền kinh tế gồm đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng không? Tinh thần là không siết chặt một cách bất hợp lý, mà quan trọng là linh hoạt, hợp lý, hiệu quả“. Đây mà điều cần bàn đến và bàn sâu hơn nữa!
Huy Hoàng