+
Aa
-
like
comment

150 ca Covid-19 tiến triển nặng, 23 ca nguy kịch

25/05/2021 19:43

Tiểu Ban điều trị, hiện có 150 ca đang trong tình trạng nặng hoặc tiến triển nặng lên, trong đó có 23 bệnh nhân nguy kịch.

150 ca Covid-19 tiến triển nặng, 23 ca nguy kịch

Trong hơn 2.500 bệnh nhân đang điều trị, có khoảng 1.377 (55,1%) bệnh nhân mắc Covid-19 không có triệu chứng. Trong khi đó, 923 người (36,1%) có biểu hiện lâm sàng nhẹ. So với các đợt dịch trước, tỷ lệ bệnh nhân không có triệu chứng thấp hơn.

Trong 23 trường hợp nguy kịch, có 19 bệnh nhân phải thở ô-xy xâm nhập, bốn ca còn lại được dùng ECMO.

Tiểu ban Điều trị cũng cho biết Việt Nam đang có 77 bệnh nhân tiên lượng nặng, chiếm 3,1% tổng số người mắc Covid-19 trên cả nước. 92 trường hợp nặng khác phải dùng ô-xy gọng kính và 9 người được sử dụng phương pháp thở máy không xâm nhập.

Các chuyên gia vẫn cho rằng làn sóng dịch lần thứ 4 này rất nguy hiểm.

Thạc sĩ bác sĩ Nguyễn Quốc Thái – Trung tâm Bệnh Nhiệt đới BV Bạch Mai cho rằng hiện tại giai đoạn thứ 4 đã có hơn 2000 ca nhiễm. Tỷ lệ tử vong của covid-19 trên thế giới đã được nghiên cứu từ 2 – 3 %. Vì vậy nếu số ca mắc càng tăng lên thì tỷ lệ tử vong sẽ tăng lên dù người đó là người trẻ hay người có bệnh lý nền.

Sau đợt này, số ca mắc tăng lên, khi công tác xét nghiệm hoàn tất thì công tác điều trị sẽ vô cùng vất vả – BS Thái cho biết.

Đến nay nói về độc lực, PGS Nguyễn Viết Nhung – Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho rằng làn sóng lần thứ 4 này nguy hiểm hơn các làn sóng trước và vấn đề độc lực của virus đã được bàn tới.

150 ca Covid-19 tiến triển nặng, 23 ca nguy kịch - Ảnh 1.
Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, để xác định có phải thực sự độc lực tăng lên cũng cần phải nghiên cứu trên phòng thí nghiệm. Nhưng hiện tại dựa trên thống kê thì rõ ràng độc lực tăng lên khi người vào viện cấp cứu nhiều hơn, người trẻ cũng tử vong.

Chính vì vậy việc này cần sự phối hợp rất lớn của mỗi cá nhân, cộng đồng để giảm tỷ lệ ca mắc cũng như ca tử vong.

Hiện nay, PGS Nhung cho biết xung quanh các nước đều trở lại làn sóng Covd-19 như Thái Lan, Campuchia, Lào vì vậy hiện tại thái độ ý thức phòng chống dịch phải tốt, không nên chủ quan.

Nếu đeo khẩu trang cần thực hành đúng khẩu trang phải đeo đúng, nếu đeo hở mũi, đeo ở cằm, hay cầm tay đều không có tác dụng. Rửa tay cũng không đúng hoặc thói quen hay gặp nhất đó là la cà quán xá, gặp gỡ bạn bè.

Dù thông tin về chủng virus lây rất nhanh, đợt này nguy hiểm nhưng PGS Nhung cho biết rất nhiều người vẫn ra ngoài ăn quán, vẫn đi gặp bạn bè, chỉ cần người ngồi với mình thành F0 thì chính mình thành F1, cả cơ quan thành F2. Vì vậy, giai đoạn dịch này cần ý thức cao hơn, thực hành 5K đúng hơn.

Hiện nay, các địa phương đều có tinh thần chống dịch triệt để nhưng đến hiện tại vẫn chỉ là hô khẩu hiệu. Chống dịch cần dựa trên các cơ sở khoa học. Phải phát hiện sớm, khoanh vùng, cách ly đều phải liên quan đến cơ sở vật chất, xét nghiệm thì phải có thiết bị, hệ thống bệnh viện cần đầu tư hơn.

Covid-19 vẫn cần vắc xin, hiện đã có rất nhiều vắc xin để tiêm phòng nhưng số lượng vắc xin tiêm tại Việt Nam vẫn rất ít, vắc xin trong nước vẫn trong giai đoạn thử nghiệm. Hi vọng trong tương lai người dân sớm tiếp cận với vắc xin hơn.

Ngọc Anh

Bài mới
Đọc nhiều