+
Aa
-
like
comment

Yếu tố sống còn trong công cuộc chuyển đổi số

An Diễm - 10/11/2022 11:48

Trong kỳ họp Quốc hội khóa 4, có một vấn đề nóng được các đại biểu gửi chất vấn tới cả 2 Bộ Thông tin truyền thông và Bộ Công an, đó là làm sao để ngăn chặn tình trạng thu thập, mua bán trái phép và lộ lọt dữ liệu thông tin cá nhân.

Thông tin cá nhân của nhiều người bị rao bán trên MXH

Việt Nam hiện nay được đánh giá là nước có môi trường chính trị xã hội và an ninh hết sức ổn định, mọi người dân và du khách quốc tế tới Việt Nam đều có thể cảm nhận được điều này. Tuy nhiên, trên không gian mạng thì an ninh và quyền riêng tư của nhiều người đang bị xâm phạm một cách nghiêm trọng. Một bà mẹ vừa sinh con ra và từ viện trở về nhà đã ngay lập tức có thể nhận được các cuộc gọi và tin nhắn liên quan đến dịch vụ chăm sóc, tiêm chủng cho trẻ sơ sinh. Nhiều người sau khi khai báo dữ liệu cá nhân để đăng ký một số dịch vụ mua sắm hoặc thậm chí ở ngân hàng thì bỗng dưng nhận được nhiều cuộc gọi mời chào mua bất động sản, tham gia chứng khoán, đầu tư…

Thực tế nhức nhối này cho thấy tình trạng thu thập, mua bán trái phép và để lộ, lọt dữ liệu về thông tin cá nhân đã diễn ra tràn lan, gây bức xúc cho toàn xã hội. Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, các đại biểu đã đưa vấn đề này ra chất vấn với cả 2 Bộ trưởng là Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông và Bộ trưởng Bộ Công an. Vấn đề mà Bộ Thông tin Truyền thông nhận được liên quan tới việc các mạng xã hội thu thập thông tin người dùng rồi sau đó chèn quảng cáo. Về vấn đề này thì Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng cần có Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân và hơn hết là cân xây dựng mạng xã hội của riêng Việt Nam để “giữ lại” và dễ quản lý.

Bộ trưởng Công an Tô Lâm trả lời chất vấn

Câu hỏi mà Bộ trưởng Bộ Công an nhận được liên quan đến dữ liệu cá nhân rộng hơn khá nhiều, khi các Đại biểu đề cập đến tình trang mua bán trái phép, thu thập, rồi lộ lọt dữ liệu thông tin cá nhân trong xã hội để trục lợi. Bộ trưởng thừa nhận tình trạng này đang diễn ra hết sức phức tạp và đưa ra 4 giải pháp, bao gồm: xây dựng hành lang pháp lý về bảo vệ an ninh, an toàn thông tin mạng; hiện đại hóa cơ sở hạ tầng; đào tạo nhân lực và tăng cường hợp tác quốc tế. Đây là các giải pháp hết sức căn cơ nhằm mục đích kiểm soát từ gốc các hành vi cố ý xâm phạm, tiếp cận để lấy thông tin, tuy nhiên sẽ cần một thời gian rất dài để hoàn thiện.

Chỉ trong tháng 10 năm nay chỉ với hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên các trang thông tin điện tử đã khởi tố 63 vụ án với 68 bị can, xử phạt hành chính lên đến gần 500 đối tượng. Đây là những con số đầy nhức nhối về một vấn nạn đang gây nguy hại đến kinh tế và an ninh chính trị quốc gia. Những con số ấy cũng thể hiện sự nỗ lực và những thắng lợi bước đầu của cuộc ra quân chống tin giả rộng khắp và toàn diện.

Có lẽ điều mà người dân mong mỏi là các cơ quan quản lý xem vấn đề mua bán, sử dụng tràn lan dữ liệu cá nhân của người dùng là hệ trọng để từ đó có các giải pháp mạnh tay hơn nữa. Cần có những điều luật, chế tài để người dân có thể ngay lập tức kiện, khiếu nại nếu phát hiện ra 1 đơn vị nào đó có hành vi sử dụng trái phép dữ liệu cá nhân của mình. Điều này sẽ ngay lập tức khiến cho các công ty, doanh nghiệp quảng bá dịch vụ, sản phẩm thông qua cuộc gọi và email rác sẽ phải e ngại. Vấn đề sim rác, email rác cũng cần phải được quản lý chặt hơn nữa để hạn chế tối đa công cụ vi phạm. Và chính bản thân người dân cũng phải cẩn trọng hơn khi tiết lộ các thông tin cá nhân của mình để tránh việc bị rò rỉ.

Trong giai đoạn hiện nay khi mà nước ta đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số, đưa các dịch vụ công và dữ liệu người dân lên mạng thì vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, bởi có nguy cơ những kẻ ý đồ xấu có thể mạo danh cơ quan Nhà nước để phát tán tin xấu độc, lừa đảo.

An Diễm

Bài mới
Đọc nhiều