+
Aa
-
like
comment

Yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc là hoàn toàn phi pháp

21/10/2019 16:16

“Đường lưỡi bò” là cụm từ được nhắc đến nhiều trong những ngày qua sau khi một bộ phim hoạt hình công chiếu tại các rạp chiếu phim ở Việt Nam đã để lọt “vài giây” hình ảnh đường đứt đoạn mang tên “lưỡi bò”. Dù chỉ là “vài giây” nhưng đó là cả một chiến lược có chủ ý tham vọng độc chiếm Biển Đông của quốc gia láng giếng Trung Quốc.

duong-hloi-bo-1
Không chấp nhận “đường lưỡi bò” xuất hiện dù bất cứ giá nào

Ngày 13/8, tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 cùng một số tàu hộ tống của Trung Quốc đã quay lại xâm phạm vùng biển Việt Nam. Nhóm tàu này trước đó đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía Đông Nam Việt Nam từ đầu tháng 7 đến ngày 7/8. Đây là vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, được xác định theo các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Trong dài hạn, rất có thể Trung Quốc sẽ điều các tàu đến rồi đi, tiếp tục thách thức các lực lượng chấp pháp của Việt Nam ở Biển Đông. Các phản ứng của Việt Nam thời gian qua là nghiêm túc và đúng mức, người phát ngôn Bộ Ngoại giao đã nhiều lần lên tiếng phản đối và chúng ta cũng đã gửi công hàm tới Trung Quốc.

Đặc biệt, tại Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN và các đối tác từ ngày 31/7 – 3/8 vừa rồi, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có bài phát biểu quan trọng, với lời lẽ rất nguyên tắc, đanh thép nhưng cũng đầy tính nhân văn và hữu nghị, chí tình chí nghĩa. Ông Phạm Bình Minh nói rằng những diễn biến gần đây trên Biển Đông đã làm cho tình hình trở nên bất ổn, việc Trung Quốc kéo tàu Hải Dương 8 đến thăm dò trên vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam là phi pháp.

Kết quả là vấn đề Biển Đông đã được đưa vào tuyên bố chung của hội nghị, cho thấy 10 nước ASEAN rất quan ngại với những hoạt động bồi đắp, quân sự hóa Biển Đông, quan ngại những hoạt động làm phức tạp thêm tình hình.

Cộng đồng quốc tế, dư luận cũng đánh giá phản ứng của Việt Nam trong vụ việc này là tích cực, đúng mực. Nhiều chính giới quốc tế đã lên tiếng phản đối hành vi sai trái của Trung Quốc và ủng hộ hoạt động bảo vệ chủ quyền của ta ở Biển Đông.

Gần đây, trên mạng xã hội và thực tế ở một số nước như Đức, Mỹ, người Việt hải ngoại đã tuần hành biểu tình phản đối Trung Quốc.

Đã là người Việt Nam thì điều cần nhất trong giai đoạn này là phải bình tĩnh, tỉnh táo suy xét, thể hiện lòng yêu nước một cách đúng mức, đúng nơi, đúng thời điểm như người ta thường ví von “phải có trái tim nóng và cái đầu lạnh”. Tuyệt đối không nên đưa lên mạng những thông tin không đúng, xuyên tạc, sai lệch làm lung lạc niềm tin của nhân dân với Nhà nước Việt Nam. Cũng không được có hành vi manh động phá hoại kinh tế, làm bất ổn an ninh chính trị.

Sau sự kiện Formosa, trong nước hiện lan truyền quan điểm sai lệch “thoát Trung”, rất sai lầm. Việt Nam và Trung Quốc trước đây ta nói “núi liền núi, sông liền sông”, bây giờ thêm “biển liền biển” nữa. Trung Quốc là láng giềng vĩnh cửu của Việt Nam, dù thế nào cũng không thể thay đổi láng giềng được.

Mới đây nhất, ngày 18/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng ngang nhiên lặp lại quan điểm nói trên của giới chức Trung Quốc khi tuyên bố: “Các hoạt động của Trung Quốc ở những vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc ở Biển Đông là hợp pháp, chính đáng và không có gì phải giải thích”.

Đáng chú ý, “những vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc ở Biển Đông” mà ông Cảnh Sảng đề cập lại có cả khu vực bãi Tư Chính vốn nằm trong Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của một quốc gia ven biển nhưng lại đưa ra tuyên bố đi ngược hoàn toàn với hành động sai trái của nước này.

Để thực hiện mục tiêu trên, Trung Quốc đẩy mạnh chiến dịch tuyên truyền bí mật thông qua những thông điệp được nước này cài cắm hết sức tinh vi bất cứ lúc nào có thể.

Hồi năm 2016, Tập đoàn Google cũng bị phản ứng gay gắt khi cộng đồng mạng chia sẻ hình ảnh trang Google Maps thể hiện “đường lưỡi bò” trong phần bản đồ Trung Quốc và khu vực Biển Đông.

Đáng chú ý, tấm bản đồ “đường lưỡi bò” này chỉ thể hiện trên trang Google Maps phiên bản Trung Quốc có đường dẫn maps.google.cn nhưng lại không xuất hiện ở phiên bản toàn cầu với đường dẫn maps.google.com. Dù sau đó Google đã “sửa sai” nhưng động thái này cũng đã gây tổn hại không nhỏ đến uy tín của một trong những tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới.

Có thể thấy, dù yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc là hoàn toàn phi pháp và từng bị Tòa Trọng tài Quốc tế (PCA) ngày 12/7/2016 ra phán quyết bác bỏ tính pháp lý, Trung Quốc vẫn quyết không từ bỏ “đường lưỡi bò” bởi điều này gắn bó chặt chẽ đến tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.

“Vài giây” thế nhưng đó là cả một chiến lược có chủ ý của quốc gia láng giếng Trung Quốc khi trước đó, họ từng “cài” hình ảnh “đường lưỡi bò” trong những tấm hộ chiếu, bộ đồ chơi trẻ em, áo thun, phim ảnh, nội dung thể thao… Phải nhìn vào lịch sử và những toan tính của Trung Quốc thì sẽ thấy, vì sao họ phải “khổ công” để đưa “đường lưỡi bò” xuất hiện khắp mọi nơi.

Mới đây nhất, thông tin về việc bộ phim “Everest – Người tuyết bé nhỏ” (tên tiếng Anh là Abominable) do DreamWorks Animation Studio (Mỹ) và Pearl Studio (Trung Quốc) đồng sản xuất có tới 2 đoạn và 4 cảnh phim xuất hiện hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông đã khiến cộng đồng quốc tế phản ứng gay gắt. Tại Việt Nam, bộ phim này sau đó đã bị thu hồi và dừng chiếu.

Bộ phim “Everest – Người tuyết bé nhỏ”  xuất hiện hình ảnh đường lưỡi bò phi pháp
Bộ phim “Everest – Người tuyết bé nhỏ”  xuất hiện hình ảnh đường lưỡi bò phi pháp

Đáng chú ý, Pearl Studio thuộc sở hữu của China Media Capital, một tập đoàn lớn của Trung Quốc được thành lập với mục tiêu gây dựng “đế chế truyền thông toàn cầu” để “quảng bá những giá trị Trung Quốc ra khắp thế giới”. China Media Capital từng nhận được khoản đầu tư lên tới 1,5 tỷ USD từ các tập đoàn lớn của Trung Quốc như Alibaba và Tecent để hiện thực hóa mục tiêu này.

Đây không phải là lần đầu tiên “đường lưỡi bò” xuất hiện trên các sản phẩm văn hóa, thể thao, giải trí mang tính toàn cầu. Trước đó gần 1 tuần, cộng đồng mạng quốc tế đã phát hiện hình ảnh “đường lưỡi bò” xuất hiện trên một đồ họa của kênh thể thao hàng đầu thế giới ESPN giới thiệu về lãnh thổ Trung Quốc trong chương trình SportCenter.
Dù ESPN sau đó lên tiếng nhận lỗi và thanh minh rằng việc sử dụng đồ họa nói trên “là sai lầm vô ý” và ESPN đã sửa sai bằng “một tấm bản đồ hoàn toàn khác” không bao gồm “đường lưỡi bò”, giới quan sát cho rằng, điều này cho thấy “ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc đối với các hãng truyền thông và giải trí lớn có tác động đến cộng đồng quốc tế để truyền bá thông điệp đầy sai trái của mình”.

Đinh Lực

Bài mới
Đọc nhiều