+
Aa
-
like
comment

Yêu nước là phải xây dựng từ tư tưởng đến hành động

Hồng ĐInh - 22/11/2019 16:05

Tư tưởng yêu nước là một giá trị cơ bản trong hệ giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam, được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giành lại nền độc lập cho dân tộc. Trải qua các thười kỳ xây dựng và phát triển đất nước, chúng ta nhận thấy rằng yêu nước là phải xây dựng từ tư tưởng đến hành động.

Yêu nước bằng những hành động đúng đắn

Một tư tưởng xuất hiện, tồn tại và phát triển, tự thân nó là một cuộc đấu tranh để tự khẳng định nó; và, tranh đấu với các tư tưởng khác, dù muốn hay không, dưới muôn ngàn hình thức, quy mô, tính chất và mức độ, là quy luật sinh tồn của tư tưởng, đó là lẽ tự nhiên của sự phát triển. Không có con đường nào khác.

CREATOR: gd-jpeg v1.0 (using IJG JPEG v62), default quality
Nhân dân đồng lòng cùng Đảng, Nhà nước bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc

Theo chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và sự nghiệp đổi mới xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc đã và đang như vậy. Phương diện tư tưởng, lý luận chính trị của chúng ta cũng như vậy, không nằm ngoài quy luật đó. Sau hơn 32 năm đổi mới, tới nay, hơn bao giờ hết, trên đường tiến tới Đại hội XIII của Đảng, cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận đang đối mặt với rất nhiều thử thách. Chúng ta hiểu rằng, có những ý kiến phản biện, đóng góp tâm huyết hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp cho việc hoạch định đường lối và tổ chức thực tiễn từ nhiều người, nhiều phía cả trong và ngoài nước, chúng ta trân trọng ghi nhận và tiếp thu.

Nhưng, nếu đem ý kiến phản biện dù đầy thiện chí xây dựng đó tán phát khắp nơi, thậm chí loan tải trên mạng in-tơ-nét để cho người khác lợi dụng, công kích, chống phá,… thì lại đưa câu chuyện ấy sang một hướng khác, dù thấm đẫm sự mong đợi về nhiệt huyết hay thiện tâm nào đó.

Thời gian gần đây, với “hàng núi” sách báo chống Đảng, hàng trăm giọng điệu công kích, bôi nhọ, phủ nhận, với hàng nghìn thủ đoạn đủ loại, trên mọi phương diện, đang tràn ngập mạng Internet: về nền tảng tư tưởng chính trị của Đảng, về Đảng và sự cầm quyền của Đảng, về thể chế xã hội chủ nghĩa Việt Nam, về hệ thống chính trị và về đội ngũ cán bộ, đảng viên…

Những luận điệu xuyên tạc công cuộc đổi mới, sự công kích Đảng, Nhà nước và đất nước ta từ nhiều phía, với nhiều thủ đoạn, ở nhiều mức độ và nhiều tính chất, cả bên trong lẫn bên ngoài, rất phức tạp. Theo đó, xuất hiện đủ loại thái độ và phương cách hành xử gây nên tình trạng trắng đen lẫn lộn, thật giả hỗn mang, rất khó nhận diện và rất nguy hiểm nhưng rất tinh vi.

Nếu là người yêu nước chân chính, chúng ta đương nhiên sẽ biết cách thể hiện tình yêu đó bằng những hành động đúng đắn, phù hợp, không để mắc mưu của kẻ địch.

Về những lời kêu xuống đường tuần hành, trước hết phải khẳng định việc xuống đường mít tinh, tuần hành đúng pháp luật là một hành vi văn minh, để người dân thể hiện một cách ôn hòa những nguyện vọng, mong mỏi của mình đối với mọi vấn đề mà họ quan tâm. Nhìn lại lịch sử đất nước, điều này không có gì là lạ, đặc biệt trong nhiệm vụ chống giặc ngoại xâm.

Đảng và nhà nước ta đã nhiều lần tổ chức mít tinh để huy động sức mạnh của quần chúng nhân dân, như trong cách mạng tháng 8, trong lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, hay trong lệnh tổng động viên chống quân xâm lược Trung Quốc ngày 5/3/1979.

Nhưng cũng cần nhận thấy rõ có những nhóm người, những thế lực cố tình mượn cớ kích động biểu tình để hòng âm mưu gây chia rẽ nội bộ. Điển hình như cuộc biểu tình ở Phan Rí, Bình Thuận năm 2018, người biểu tình đã quá khích, đốt phá trụ sở chính quyền, hủy hoại tài sản của nhà nước, gây thương tích cho chính những người đồng bào, đồng chí của mình.

Xây dựng thống nhất xã hội về tư tưởng chứ không “đồng phục tư tưởng”

Thực tế đã chứng minh, chính trong những cuộc biểu tình, bạo động đó, kẻ địch đã trà trộn vào đám đông quần chúng để gây rối tạo ra những hình ảnh xấu, phạm pháp nhằm tạo ra sự đối đầu giữa chính quyền và người dân. Chúng âm mưu làm suy yếu ta từ bên trong, tạo ra hình ảnh không đúng về vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Có người, để ru ngủ và khiến không ít người lãng quên và mất cảnh giác, đã chỉ trích một cách ma mỵ rằng, chúng ta tưởng tượng ra cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận chính trị hiện nay và thổi phồng sự cấp bách cuộc đấu tranh này.

Đảng và Nhà nước xây dựng sự thống nhất xã hội về tư tưởng chứ không phải “đồng phục tư tưởng”. Chúng ta kiến tạo nền lý luận trung thành và độc lập, sáng tạo của Việt Nam chứ không phải thứ “lý luận nhập khẩu”, “đầu Ngô mình Sở”, như những ai đó bôi nhọ và công kích.

Chúng ta càng không mơ hồ, ảo tưởng, tự ru ngủ mình về “sự thống nhất trong đa dạng” một cách cực đoan nào đó, như họ cổ xúy, rồi rơi vào sự chiết trung theo kiểu “vỗ vai cùng chung sống giữa các tư tưởng, các trào lưu” hay “đã nguội tắt dần cuộc đấu tranh ý thức hệ” giữa các hệ tư tưởng, các thể chế, quốc gia, dân tộc, biểu hiện tập trung giữa các tư tưởng gia ở những chế độ khác nhau…

Đồng thời, cũng càng không buông tay, thúc thủ, an bài, hoặc bi quan, yếm thế nào đó, rồi rơi vào “vũng lầy” của sự hoang mang, vô định, như những ai đó mong đợi hiện nay. Chúng ta hiểu rằng, bản chất của những sự thật về những hình thái vận động và đấu tranh tư tưởng, lý luận đó đang trở thành phổ biến một cách hết sức phức tạp có thể bị lừa phỉnh hoặc bị che lấp bởi những trào lưu mới mà những kẻ thù tư tưởng của chúng ta chưa bao giờ buông bỏ sự chống phá thâm hiểm, thậm chí kháng cự quyết liệt.

Cuộc đấu tranh về tư tưởng, lý luận chính trị của chúng ta hiện nay đang đối mặt, thậm chí bị chi phối, bị cản trở và phải đối diện với tối thiểu chính những điều đó. Đó là những trở lực chết người trên con đường kiến tạo nền tư tưởng thống nhất, lý luận kiên định, độc lập và sáng tạo bảo đảm dẫn dắt công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ, dưới ngọn cờ của Đảng.

Lịch sử phát triển của cách mạng nước ta ngày càng cho thấy, càng ở những khúc quanh hay bước ngoặt của nó như hiện nay, điều đó càng hiện diện, càng muôn vẻ, phức tạp và khôn lường nhất. Và, hiện nay, cuộc đấu tranh này hiện diện trên vũ đài lịch sử nước ta nói chung, trên địa hạt tư tưởng, lý luận chính trị nói riêng, khiến chúng ta không thể thể lảng tránh, chối bỏ, hay thúc thủ, bàng quan, càng không dung thứ bất cứ một sự ngụy tạo nào… nếu muốn bảo vệ tiếp tục phát triển độc lập, sáng tạo nền tảng tư tưởng, lý luận chính trị của Đảng đủ sức dẫn dắt và phát triển đất nước trên con đường xã hội chủ nghĩa.

Con đường xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà chúng ta đi, không gì lay chuyển được. Công tác tư tưởng, lý luận tiếp tục gánh vác sứ mệnh lịch sử cầm nhịp thống nhất toàn dân tộc, “soi đường cho quốc dân đi” trên con đường ấy.

Bởi chiến tranh không phải trò đùa” nên chúng ta cần nhận thức rõ ràng, rằng nếu để xảy xung đột, chiến tranh, có thể với lòng yêu nước nồng nàn, với ý chí quật cường của cả dân tộc cùng sự ủng hộ của nhiều nước trên thế giới, chúng ta sẽ chiến thắng, nhưng hậu quả và cái giá phải trả chắc chắn cũng không hề nhỏ. Trên khắp tổ quốc mình, xã nào cũng có cha mẹ, vợ, con liệt sỹ… đó là đau thương, là sự tàn khốc chúng ta cần phải tránh bằng mọi giá.

Và, dù cho kẻ thù của chúng ta câu kết với những phần tử từ bên trong, điên cuồng công kích, phá hoại, Đảng ta đứng vững trên nền móng tư tưởng chính trị và phát triển chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thâu hóa và góp phần phát triển tinh hoa tư tưởng, lý luận của nhân loại, với sự ủng hộ và bảo vệ của nhân dân, công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ dưới ngọn cờ của Đảng, dân tộc ta nhất định vượt qua mọi trở lực, như những năm qua, tiếp tục tiến lên, nhịp bước cùng thời đại

Bài mới
Đọc nhiều