Quy định thép của Bộ Công an trong cuộc chiến chống COVID-19
Cuộc chiến chống Covid-19 không chỉ là chống lại loại virus có sức mạnh hủy diệt toàn cầu, mà còn là cuộc chiến với ý thức. Chỉ riêng việc hai cô gái bỏ trốn khỏi khu cách ly ở Đà Nẵng, bắt xe khách về Đắk Lắk, khiến cho hàng chục hành khách đi cùng xe bị liên lụy, cũng đủ để nói lên khó khăn, thách thức cơ quan chức năng đối diện trong cuộc chiến với virus khốc liệt này.
Tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến đặc biệt phức tạp, con số người nhiễm tại Việt Nam được tăng lên qua từng ngày. Trong cuộc chiến chống dịch bệnh này, các cơ quan chức năng Việt Nam ngày càng nhiều áp lực, căng mình đêm ngày phối hợp cùng nhau để đẩy lùi dịch bệnh.
Không phải ngẫu nhiên mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói: “Để chặn đứng dịch bệnh ta cần nỗ lực và quyết tâm của hơn 90 triệu người, cần những sách lược chuẩn mực, cần sự chung tay của đủ các ban ngành. Nhưng để dịch bùng phát, ta chỉ cần đúng một người”. Như ở Hàn Quốc, từ một người nhiễm virus mà khiến đất nước này vỡ trận, thành ổ dịch lớn thứ 2 của thể giới. Cũng từ 1 ca nhiễm của người thứ 17, đã khiến cho cả khu phố Trúc Bạch phải “đóng cửa”. Rồi từ 1 ca nhiễm của N34 khiến cho hàng loạt người nhiễm theo cùng.
Cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận đã cho biết, ca bệnh 34 – nguồn bệnh tại Bình Thuận có dấu hiệu khai báo không trung thực. Bệnh nhân này cho biết mình đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất lúc 6h ngày 2/3, sau đó di chuyển về nhà ở Bình Thuận bằng xe riêng do tài xế riêng lái. Khi về đến nhà thì bệnh nhân chỉ ở nhà. Đến ngày 5/3, bệnh nhân có triệu chứng ho, sốt, khạc đờm, đau rát họng, tự mua thuốc uống thuốc nhưng không khỏi. Bốn ngày sau (ngày 9/3), bệnh nhân nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận. Sau khi tiến hành xét nghiệm, đến chiều tối ngày 10/3 thì có kết quả bệnh nhân này mắc Covid-19. Tuy nhiên, qua rà soát, bệnh nhân thứ 34 có nhiều hoạt động khác trong thời gian này, nhất là ở Hội Nữ doanh nhân Bình Thuận trong khoảng thời gian ngày 7/3 và 8/3.
Đó là lý do vì sao Bộ Công an quyết liệt, đưa ra tuyên bố: “Với các trường hợp không khai báo, khai báo gian dối và không chấp hành cách ly theo quy định, sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”.
Cho đến thời điểm hiện tại, so với các quốc gia trên thế giới, Việt Nam đã và đang làm tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19. Mặc dù ca nhiễm đã bước qua con số 40 nhưng chưa một ai phải chết vì Covid-19 tại Việt Nam. Để không “toang” như các nước, công tác phòng, chống dịch được lãnh đạo các cơ quan chức năng Việt Nam và từng cá nhân, cán bộ nỗ lực hết mình.
Thương các anh quân nhân phải căng lều, trải tấm bạc nằm ngoài sương, trực chiến phục vụ cho hàng nghìn người dân mình đang cách ly 14 ngày.
Thương các anh bộ đội, biên phòng, cảnh sát được tăng cường tác chiến 24/24 để sàng lọc, quản lý, kiểm soát xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu, biên giới, sân bay. Thương hàng trăm nhân viên y tế phải gồng lên chữa trị cho người nhiễm và phục vụ cho mấy trăm người đi cách ly.
Thương hàng nghìn cán bộ chiến sĩ công an phải thức trắng đêm để truy tìm những người F1 có nguy cơ lây nhiễm từ người dương tính với Covid-19 trên cùng chuyến bay. Rồi phờ người truy tìm tung tích 201 người đi cùng, hàng nghìn F2, hàng chục nghìn F3.
Trong quá trình phòng, chống dịch, TP.Hà Nội có 71 cán bộ, chiến sĩ công an tiếp xúc dạng F1 với các ca dương tính với Covid-19; 4 trường hợp tiếp xúc dạng F2; 35 trường hợp tiếp xúc dạng F3. Và sau khi thực hiện nhiệm vụ, tất cả đều phải cách ly. Tại Đà Nẵng, sau khi phát hiện, kiểm tra và làm việc với hai người Hàn Quốc ở vùng tâm dịch đang lưu trú tại một cơ sở Spa trên địa bàn phường quản lý, 14 chiến sỹ Công an đã chủ động xin cách ly để đề phòng khả năng lây bệnh nếu hai người Hàn Quốc có nhiễm Covid-19. Chống dịch thành công- cái gì cũng có giá của nó.
Tuy nhiên, điều khó khăn, áp lực đến với lãnh đạo, các cơ quan chức năng Việt Nam không chỉ trong việc phòng, chống, dập dịch. Mà trớ trêu thay, vừa phải căng mình chống dịch Covid-19, vừa phải chịu sự công kích, xuyên tạc của các thành phần chống phá. Chúng lu loa bịa cả chuyện Việt Nam công bố số người nhiễm là để “nhận 2,5 tỷ USD viện trợ của Mỹ”, rồi quàng tội “nhà nước thờ ơ”, vân vân các kiểu. Nhưng may mắn là, những luận điệu xuyên tạc đó đã bị rất nhiều người dân bóc trần. Thước đo của niềm tin đó được thể hiện mạnh mẽ qua sự chăm sóc, lo chu toàn, không để ai bỏ lại phía sau – chủ trương, hành động đầy nhân văn mà Chính phủ đã và đang thực hiện.
Công tác phòng chống dịch đang nhận được sự ủng hộ, hợp tác của nhiều người dân. Như vừa mới đây, ngày 09/03/2020, vừa phát hiện có 4 người bên Trung quốc lén về Việt Nam ở nhà địa chỉ 601/36/6 CMT8, người dân biết liền báo công an để điều tra về lịch trình của người này.
Có câu, đoàn kết là sức mạnh, khó mấy nhưng chính quyền và nhân dân cùng đồng lòng, thì cũng sẽ đạt được kết quả mĩ mãn. Chính trong lúc gian khó thế này đây, người ta càng xích lại gần nhau hơn, hướng đến những điều tốt đẹp. Câu nói của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Dịch bệnh làm khó khăn gấp đôi, chúng ta phải cố gắng gấp ba”, không chỉ đơn thuần là lời động viên, truyền động lực, năng lượng tích cực chống dịch bệnh, mà sâu sắc hơn, là khơi dậy tinh thần chiến đấu oan cường, không đầu hàng của người Việt, dù hoàn cảnh có khắc nghiệt thế nào đi chăng nữa.
Hải Yến