“Yêu cầu trình Chính phủ đóng cửa cơ sở kém chất lượng kéo dài”
Cho rằng “xã hội hóa là cần thiết nhưng kiếm tiền trên giáo dục là không ổn”, Thủ tướng yêu cầu Bộ trình phải trình Chính phủ đóng cửa một số cơ sở đào tạo kém chất lượng kéo dài.
Sáng 6/8, tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2018 2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tổng kết và đưa ra những chỉ đạo cụ thể tới Bộ GD-ĐT, lãnh đạo các địa phương.
Tại Hội nghị, Thủ tướng khẳng định, điều đáng mừng trong năm học này là ngành giáo dục đã đạt được những kết quả tích cực, nhất là kỳ thi THPT quốc gia năm nay nề nếp, chất lượng hơn hẳn năm ngoái.
Bên cạnh đó, việc phổ cập mầm non 5 tuổi đạt số lượng 1,7 triệu trẻ (chiếm 99,98%) là một con số không nhỏ.
Theo báo cáo đánh giá thường niên về chỉ số phát triển bền vững do Mạng lưới giải pháp phát triển bền vững của Liên hợp quốc và Quỹ nghiên cứu phát triển của Đức (Bertelsmann Stiftung) công bố thì Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á về chỉ số phát triển bền vững; trong 5 chỉ số thì giáo dục đứng thứ 2 với 91/100 điểm.
Với sự phấn đấu ấy, Việt Nam có 2 đại học đạt top 1000 thế giới, 7 trường lọt top châu Á. Nhiều khu vực vốn được coi là “vùng trũng” của giáo dục đã có sự vươn lên đáng kể.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực vẫn còn có những điểm yếu kém cần phải nhìn nhận thẳng thắn và khắc phục ngay.
Ở đâu có học sinh, ở đó phải có giáo viên
Nêu định hướng thời gian tới, Thủ tướng đề nghị “việc đầu tiên liên quan tới địa phương đó là yêu cầu bố trí đủ quỹ đất để xây dựng hệ thống trường học, nhất là hệ thống mẫu giáo, mầm non hiện nay đang thiếu nghiêm trọng”. Yêu cầu các địa phương giải quyết dứt điểm việc thiếu trường lớp mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện nay. “Nếu chúng ta không giải quyết tốt vấn đề này, thì hậu quả xã hội rất lớn”.
Thủ tướng cũng chỉ ra những yếu kém trong công tác rà soát, sắp xếp hệ thống trường lớp. Việc thừa thiếu lớp học đã khiến học sinh phải đi học xa nhà, gây khó khăn cho phụ huynh, học sinh.
Thừa thiếu giáo viên cục bộ, nhất là giáo viên mầm non các khu vực là vấn đề tất trở ngại đến phát triển giáo dục.
Nhiều địa phương chỉ bố trí đảm bảo giáo viên theo định mức dẫn đến quá tải. Ví dụ ở Hà Nội có lớp lên tới 60 học sinh, trong khi định mức chỉ là 35.
“Ở đâu có học sinh, ở đó phải có giáo viên. Thúc đẩy quy hoạch nhưng không nên gây khó khăn cho học sinh, phụ huynh”.
Do vậy Thủ tướng yêu cầu các địa phương rà soát quy hoạch mạng lưới trường lớp, nhất là hệ thống mầm non. Việc đầu tiên phải bố trí đủ quỹ đất xây dựng hệ thống trường học. Các địa phương cũng cần rà soát sắp xếp giáo viên trước tình trạng thừa thiếu cục bộ như hiện nay.
Xử lý những trường lấy điểm “thấp quá đáng” để kiếm tiền
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ GD-ĐT tiến hành thanh, kiểm tra và xử lý các trường đại học có tên mà không có trường, hữu danh vô thực, nhất là những nơi tìm kiếm đầu vào thấp quá đáng để kinh doanh. Theo Thủ tướng, “xã hội hóa là cần thiết nhưng kiếm tiền trên giáo dục là không ổn”.
Do vậy, Thủ tướng yêu cầu Bộ trình phải trình Chính phủ đóng cửa một số cơ sở kém chất lượng kéo dài; kiểm tra và dừng các ngành đào tạo có chất lượng kém.
“Hiện nay có hiện tượng nhiều trường hạ điểm chuẩn nhằm vơ vét học sinh với đầu vào rất thấp, trong khi trường không đảm bảo điều kiện chất lượng, vẫn phải mượn giáo viên cơ hữu, điều kiện phòng học, thư viện không đáp ứng đủ.
Chúng ta không thể chấp nhận chất lượng đào tạo đại học thấp. Học để ra làm việc chứ không phải học để lấy tấm bằng cử nhân do một trường kém chất lượng cấp. Tôi đã thăm một số trường và thấy được thực trạng này”.
“Trường sư phạm phải là trường mô phạm”
Thủ tướng cũng yêu cầu phải đẩy mạnh việc sắp xếp các trường sư phạm, tập trung vào các trường sư phạm trọng điểm. Đối với những trường khác phải thực hiện có lộ trình.
“Các trường đại học sư phạm đào tạo sinh viên ra trường phải là những nhà giáo dục chứ không phải là những thầy dạy. “Máy cái” phải tốt mới có các “máy con” tốt”, Thủ tướng khẳng định.
Theo ông,“trường sư phạm phải là trường mô phạm”. Các trường sư phạm phải chú ý đến vấn đề này. Bên cạnh đó, các trường phải gắn kết chặt chẽ trong đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, tiến tới các địa phương đặt hàng đối các trường sư phạm.
Trên tinh thần ấy, các trường sư phạm cần hướng đến sự tự chủ và tập trung đào tạo ra những “máy cái” – những thầy cô giáo mô phạm.
Không để việc dạy chữ được đánh giá tốt nhưng dạy người lại có bất cập
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận: “Việc dạy chữ được quốc tế đánh giá tốt nhưng dạy người vẫn còn bất cập. Các trường chưa dành nhiều thời gian và có giáo trình cần thiết cho việc giáo dục đạo đức lối sống.
“Việc giáo dục đạo đức là trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội. Chúng ta đã nói nhiều điều này nhưng thực hành chưa được bao nhiêu.
Bộ cũng cần rà soát chương trình dạy đạo đức lối sống, đảm bảo thiết thực, đủ số giờ và nội dung về đạo đức lồng ghép trong các môn văn hóa khác.
Giáo dục đạo đức không chỉ trong trường mà còn thông qua hoạt động trải nghiệm, sáng tạo để học sinh được tiếp xúc với văn hóa tốt đẹp. Điều quan trọng nhất, thầy cô mẫu mực cũng là tấm gương đạo đức quý giá nhất để học sinh noi theo.
Hội nghị trực tuyến Tổng kết năm học 2018-2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 diễn ra tại 63 điểm cầu của 63 tỉnh thành phố. Đây là sự kiện quan trọng của ngành Giáo dục nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của năm học trước và đề ra phương hướng, nhiệm vụ triển khai cho năm học tiếp theo.
Hội nghị có sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo các địa phương, cùng nhiều đại biểu Quốc hội, đại biểu là nguyên lãnh đạo Bộ GD&ĐT,…
Năm học 2018-2019 đánh dấu 5 năm thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Trong năm học 2019-2020, toàn ngành tiếp tục thực hiện theo lộ trình 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản đã đề ra, quyết tâm khắc phục và tạo sự chuyển biến căn bản các vấn đề về GDĐT mà xã hội quan tâm, dư luận bức xúc.
(Theo Vietnamnet)