+
Aa
-
like
comment

Yên Bái coi ‘hạnh phúc của người dân’ là mục tiêu nhiệm kỳ mới

23/09/2020 10:36

Là tỉnh đầu tiên đưa “chỉ số hạnh phúc” vào nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Yên Bái coi đây là mục tiêu, định hướng phát triển trong nhiệm kỳ mới.

Ngày 23/9, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 chính thức khai mạc với sự tham gia của 325 đại biểu đại diện cho hơn 57.600 đảng viên trên tòan tỉnh.

Đến dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, các ủy viên Trung ương nguyên là Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái gồm Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển; Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến…

Với phương châm “Dân chủ – đoàn kết – đổi mới – sáng tạo – phát triển”, Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái có chủ đề: “Tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên; đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, phát triển nhanh, bền vững theo hướng xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc; quyết tâm đưa Yên Bái trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030”.

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cùng nhiều lãnh đạo Trung ương, địa phương về dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: Hoàng Hà.

“Điểm sáng của khu vực Tây Bắc”

Phát biểu khai mạc, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Thị Thanh Trà cho biết qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVIII, Yên Bái đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Kinh tế của tỉnh tăng trưởng khá theo hướng bền vững, gắn với bảo đảm an sinh xã hội, thiết thực nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; thu hẹp khoảng cách phát triển giữa vùng thấp và vùng cao, giữa đô thị và nông thôn.

“Vai trò, vị thế Yên Bái là trung tâm liên kết phát triển vùng được khẳng định; xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững là điểm sáng của khu vực Tây Bắc”, Bí thư Yên Bái nhấn mạnh.

Tốc độ tăng thu ngân sách của tỉnh khá cao, bình quân khoảng 22%/năm. Cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội, nhất là hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, hiệu quả, tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội…

Bà Trà cho biết đại hội Đảng bộ tỉnh lần này sẽ xem xét, nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, toàn diện kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVIII; khẳng định những thành tựu, ưu điểm đạt được, thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm, hạn chế với nguyên nhân cụ thể và kinh nghiệm rút ra.

Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Phạm Thị Thanh Trà.

Đồng thời, đại hội thống nhất phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển của Đảng bộ tỉnh trong 5-10 năm tới. Ngoài ra, đại hội sẽ đi sâu kiểm điểm sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII và thảo luận, đóng góp ý kiến vào các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng…

Đặc biệt, đại hội sẽ bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2020-2025. “Đây là những người tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, uy tín, bản lĩnh, trí tuệ, là trung tâm đoàn kết của Đảng bộ, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển của tỉnh trong tình hình mới”, Bí thư Yên Bái nói.

Huy động trên 50.000 tỷ đầu tư hạ tầng giao thông

Trình bày Báo cáo Chính trị tại Đại hội, ông Đỗ Đức Duy – Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái – nhấn mạnh nhiệm kỳ qua, tỉnh đã đạt được những thành tựu quan trọng và tạo nhiều dấu ấn nổi bật.

Chính trị – xã hội ổn định, kinh tế phát triển nhanh, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến tích cực; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí đạt được kết quả quan trọng, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và sự nghiệp đổi mới không ngừng được nâng lên.

“Những thành tựu to lớn sau hơn 30 năm đổi mới đất nước đã tạo tiền đề để tỉnh tiếp tục phát triển; tiềm năng, lợi thế của tỉnh được phát huy”, ông Duy nêu rõ.

Theo Chủ tịch Yên Bái, 5 năm qua, kinh tế địa phương tiếp tục tăng trưởng khá và chuyển dịch đúng hướng. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2016-2020 ước đạt 6,64% mỗi năm (giai đoạn trước là 5,71%/năm). Việc xây dựng nông thôn mới đạt kết quả vượt bậc, đi đầu trong các tỉnh khu vực Tây Bắc. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2020 ước đạt 13.000 tỷ đồng (gấp 1,8 lần năm 2015).

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2016-2020 của tỉnh ước đạt 62.500 tỷ đồng (gấp 1,5 lần giai đoạn trước, vượt 3,3% mục tiêu Nghị quyết). Thu ngân sách tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 23%, vượt 20% mục tiêu Nghị quyết.

Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy nêu nhiều thành tựu quan trọng địa phương đạt được trong nhiệm kỳ qua. Ảnh: Hoàng Hà.

Với đặc thù ở địa phương, ông Duy cho biết Yên Bái đã tăng cường quản lý và bảo vệ tài nguyên, môi trường; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ba đột phá chiến lược được thực hiện có hiệu quả. Tỉnh đã ban hành, thực thi hiệu quả cơ chế, chính sách gắn với cải cách hành chính, tạo hành lang pháp lý và môi trường thuận lợi cho phát triển.

Kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư đồng bộ. “Tỉnh đã đa dạng hóa, huy động nguồn lực trên 50.000 tỷ đồng đầu tư kết cấu hạ tầng, tăng 45% so với nhiệm kỳ trước, tập trung cho các dự án trọng điểm, quan trọng, có sức lan tỏa, tác động lớn tới phát triển kinh tế – xã hội và các công trình khắc phục, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai”, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái nhấn mạnh.

Song song đó, nguồn nhân lực được Yên Bái quan tâm phát triển, đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu của sự nghiệp đổi mới.

Tăng chỉ số hạnh phúc của người dân

Đề cập các mục tiêu đến năm 2025, ông Đỗ Đức Duy nhấn mạnh một số chỉ tiêu mới ngoài vấn đề chung về kinh tế, xã hội, văn hóa.

Ông cho biết tỉnh phấn đấu đến 2025, tuổi thọ trung bình người dân đạt 74,5 tuổi; số năm sống khỏe đạt tối thiểu 68 năm. Chỉ số hạnh phúc của người dân tăng 15% so với năm 2020.

Theo người đứng đầu chính quyền tỉnh Yên Bái, chỉ số hạnh phúc là một mục tiêu, định hướng phát triển của tỉnh trong nhiệm kỳ mới. Yên Bái cũng là địa phương đầu tiên đưa chỉ số này vào nghị quyết để phấn đấu.

Về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, ông Duy đề cập mục tiêu số đảng viên kết nạp hàng năm từ 1.800 người trở lên.

Số tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên hàng năm đạt từ 90% trở lên; số cán bộ, đảng viên thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương hàng năm đạt từ 50% trở lên, trong đó cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị đạt từ 70% trở lên.

“Đây cũng là chỉ tiêu mới thực hiện Quy định của Bộ Chính trị về quy định nêu gương của người đứng đầu”, ông Duy nhấn mạnh.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra từ 22 đến 24/9. Ảnh: Hoàng Hà.

Theo báo cáo, công tác chuẩn bị nhân sự khóa mới của tỉnh được thực hiện từ rất sớm với cách làm bài bản, thận trọng, dân chủ, công tâm, khách quan, toàn diện, hiệu quả.

Ở cấp cơ sở, tỷ lệ nhân sự bầu đủ, bầu đúng và trúng cử cao hơn hẳn so với nhiệm kỳ trước. Đặc biệt, đây là nhiệm kỳ đầu tiên bố trí được 46% bí thư hoặc chủ tịch UBND cấp xã không phải người địa phương.

Đối với cấp trên cơ sở, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo rà soát kỹ lưỡng nguồn nhân sự tham gia cấp ủy khóa mới, khắc phục việc bố trí nhân sự cục bộ địa phương, dòng họ tham gia trong cùng một cấp ủy, đồng thời đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn theo quy định.

Kết quả, 100% nhân sự do cấp ủy khóa trước chuẩn bị đều trúng cử với tỷ lệ phiếu cao; 100% đại hội đảng bộ trực thuộc tỉnh ủy thực hiện bầu trực tiếp bí thư cấp ủy tại đại hội với kết quả bầu cử rất cao; bố trí 100% bí thư cấp ủy cấp huyện không phải là người địa phương.

Trong chuẩn bị nhân sự, tỉnh xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể, cá nhân liên quan trong việc đề xuất, giới thiệu, thẩm định, thẩm tra, kết luận nội dung liên quan đến nhân sự cấp ủy.

Chỉ tiêu phát triển của Yên Bái đến năm 2025

Về kinh tế:

– Tốc độ tăng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt trên 7,5%; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt trên 65 triệu đồng

– Cơ cấu kinh tế: Nông, lâm nghiệp, thủy sản 20,5%; Công nghiệp – xây dựng 32%; Dịch vụ 47,5%

– Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn hơn 7.000 tỷ đồng

– Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn 100.000 tỷ đồng

– Tỷ lệ đô thị hóa 28%

– Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 6,2%/năm

Về văn hóa – xã hội:

– Tuổi thọ trung bình người dân đạt 74,5 tuổi; số năm sống khỏe đạt tối thiểu 68 năm

– Chỉ số hạnh phúc của người dân tăng 15% so với năm 2020

– Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 40%

– Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn quốc gia) giảm bình quân trên 4%/năm

– Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 96,5%; 12 bác sĩ, 35 giường bệnh trên một vạn dân

– Tỷ lệ hộ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa 85%; tỷ lệ thôn, bản, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa 75%

– Trên 78% tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; công nhận 2 huyện đạt chuẩn nông thôn

Hoài Thu/ZN

Bài mới
Đọc nhiều