+
Aa
-
like
comment

“Ý thức vệ sinh cộng đồng”, chìa khóa hồi sinh sông Tô Lịch!

Phạm Nhật - 18/12/2019 14:22

Dư luận đang xuất hiện nhiều quan điểm trái chiều về dự án thí điểm làm sạch nước sông Tô Lịch bằng công nghệ nano – bioreactor với sự tham gia của Tổ chức Xúc tiến Thương mại – Môi trường Nhật Bản (JEBO) và Công ty Cổ phần Cải thiện môi trường Nhật – Việt (JVE).

Sông Tô Lịch hiện bị ô nhiễm nghiêm trọng

Chiều 6/12, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung trả lời cử tri Quận Hoàn Kiếm cho biết, JEBO và JVE đã không hề xin phép chính quyền để thử nghiệm làm sạch đoạn sông mà chỉ thông qua Công ty TNHH MTV thoát nước thành phố. Trước đó, giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cũng có phát ngôn cho rằng kết quả thử nghiệm đã thất bại …

Để phản bác, JEBO cũng ra thông cáo báo chí, khẳng định các lãnh đạo Hà Nội đã đưa ra thông tin “sai sự thật”, và vì danh dự, trách nhiệm lẫn khí phách của người Nhật, JEBO nguyện sẵn sàng đầu tư 100% kinh phí làm sạch toàn bộ sông Tô Lịch và cả hồ Tây bằng công nghệ này, sau khi nghiệm thu sẽ cho Hà Nội thuê lại rồi bàn giao để tự quản lý, vận hành.

Không bàn tới chuyện đúng sai hay đi vào phân tích chi tiết công nghệ nano-bioreactor, bài viết này chỉ nhằm gợi mở một vấn đề thiết thực: Cần phải làm gì để hồi sinh một dòng sông chết? và Việt Nam có thể học được gì từ kinh nghiệm của thế giới?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm sông ngòi, ao hồ, … song chủ yếu và trực tiếp nhất vẫn là do các hoạt động của con người, đặc biệt trong quá trình phát triển công nghiệp. Các loại rác, nước thải (trong đó chứa nhiều hóa chất độc hại) chưa qua xử lý được xả trực tiếp vào dòng chảy mà không có lối thoát tất yếu sẽ “bức tử” những con sông, ao hồ, kênh rạch, thủy vực, …

Do điều kiện đặc thù của từng nơi, sẽ không có một giải pháp hiệu quả chung nào cho nhiệm vụ làm sạch các dòng sông, ao hồ, … bị ô nhiễm. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng bản thân tự nhiên đã luôn có cơ chế tự cân bằng, và những dòng sông cũng không phải ngoại lệ.

Các chuyên gia của Tổ chức JEBO và Công ty JVE đang lắp đặt hệ thống nano-bioreactor để thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch

Chính hoạt động của các vi khuẩn, vi sinh vật trong môi trường sẽ góp phần làm sạch nước, nhưng với điều kiện là nước không bị “đầu độc” thêm nữa. Do đó, việc mà con người cần làm thực ra chỉ là thu dọn rác thải, nạo vét, kè bờ, … và quan trọng là thực hiện xử lý nước thải theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt trước khi đổ ra môi trường.

Ngoài ra, chúng ta cũng có thể áp dụng một số công nghệ mới để giúp đẩy nhanh tiến trình. Hệ thống nano-bioreactor mà JEBO và JVE đang muốn triển khai tại sông Tô Lịch, vì thế cũng không nằm ngoài cơ chế đó. Chưa kể thiên nhiên cũng vô cùng kỳ diệu.

Như tại vịnh Chesapeakes (tiểu bang Maryland và Virginia, Mỹ), người dân nơi đây đang mở rộng nghề nuôi hàu (oyster), vừa đem lại hiệu quả kinh tế vừa góp phần làm sạch nước vịnh, bởi hàu và các loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ (bivalve shellfish) chính là những cỗ máy lọc [nước] tự nhiên tuyệt vời.

Sông Tô Lịch chảy trong địa phận Hà Nội, dài gần 14 km, vốn là đường bao và một cạnh của tứ giác nước Thăng Long xưa, nơi đã từng diễn ra nhiều hoạt động buôn bán tấp nập ven bờ.

Theo các ghi chép dư địa chí, sông Tô Lịch từng là một phân lưu của sông Hồng và giao cả với Hồ Tây, nhưng sau này một đoạn sông từ Cầu Gỗ đến Bưởi bị lấp đi đã khiến nó không còn thông với sông Hồng nữa. Kể từ khi bị lấp, sông chỉ còn là một kênh thoát nước thải của thành phố, và dần trở nên ô nhiễm.

Ngoài ra, hiện tượng bùng nổ dân số tại Hà Nội cùng phong cách quy hoạch đô thị theo kiểu Sô Viết trong thập niên 1960 – 1980 (với đặc điểm là những khu tập thể 5 tầng và nhà máy cao xu, xà phòng, thuốc lá, bia rượu, bánh kẹo, … được xây dựng ngay trong trung tâm nội thành và xả thải trực tiếp ra các kênh, mương), … cũng là những nguyên nhân khiến sông Tô Lịch ngày càng thêm quá tải.

Tuy nhiên, đó cũng là vấn đề mà nhiều nước trên thế giới đã từng gặp phải, không chỉ riêng Việt Nam. Vì thế, điều quan trọng là cần xác định đâu là nút thắt để tìm cách tháo gỡ. Chúng ta phải thật khẩn trương nếu muốn Hà Nội thực sự trở thành một nơi đáng sống, hay “thủ đô ngàn năm văn vật”, giống như các mỹ từ trong thi ca. Đã không ít lần báo chí có những bài ví von, ca ngợi Hà Nội như là một “tiểu Paris” châu Á. Để được như vậy, sông Tô Lịch cần mang đôi chút dáng dấp của sông Senne, và nhất là nước phải thật sạch.

Một góc sông Tô Lịch đẹp ngỡ ngàng sau trận mưa lớn năm 2016

Có khá nhiều kinh nghiệm hữu ích trên khắp thế giới mà Hà Nội có thể tham khảo. Trong đó, phải kể tới câu chuyện của sông Tình hay Ái Hà (爱河) ở Cao Hùng (Đài Loan). Là một hải cảng quan trọng trong vùng Viễn Đông (từng xếp thứ 6 thế giới về khối lượng hàng hóa trung chuyển), trung tâm công nghiệp nặng (luyện kim, hóa dầu) của Trung Hoa Dân Quốc, … cả Cao Hùng và sông Tình đều đã từng là nạn nhân của thảm họa ô nhiễm. Cho đến tận năm 1999, dòng sông vẫn tràn ngập rác, bốc mùi hôi thối, cá không thể sống và cũng chẳng ai muốn lại gần. Và rồi chính quyền thành phố dưới thời thị trưởng Frank Hsieh (Tạ Trường Đình) đã quyết tâm phải cải thiện tình hình.

Nhờ những nỗ lực không biết mệt mỏi, sông Tình (dài hơn 12 km) đã hoàn toàn được làm sạch (cá có thể tung tăng bơi lội) chỉ sau chưa đầy 10 năm với kinh phí khoảng 450 triệu USD [3]. Bên cạnh công viên ven sông, bến du thuyền, nơi đây hiện đang là tụ điểm để tổ chức các lễ hội hoa đăng, âm nhạc, sự kiện ngoài trời cùng nhiều hoạt động du lịch, thu hút gần 2 triệu du khách mỗi năm và tạo thêm công ăn việc làm cho người dân địa phương. Và đó cũng chỉ là một trong số nhiều nỗ lực nhằm biến Cao Hùng trở thành một thành phố đáng sống, bên cạnh sự phồn thịnh do thương mại đem lại.

Có một điểm rất đáng chú ý trong câu chuyện của sông Tình. Đó là chính quyền chỉ có thể huy động và phân bổ ngân sách để làm sạch dòng sông, nhưng chính cộng đồng, bao gồm những tổ chức khoa học kỹ thuật và nhóm đấu tranh vì môi trường xã hội, … mới là nhân tố quan trọng thúc đẩy công việc được thực hiện và hoàn thành đúng cách. Cụ thể, các nhóm hành động tại đây đã phản đối, khiến nhà chức trách phải hủy bỏ kế hoạch xây dựng một đường hầm xuyên qua lòng sông Tình do lo ngại làm tổn hại địa chất và hệ sinh vật nơi đây, hay ngăn chặn một dự án khác xây dựng xa lộ ngay bên trên sông, …

Mong một ngày hình ảnh này sẽ là tương lai thật sự của sông Tô lịch

Trở lại câu chuyện hồi sinh dòng sông Tô Lịch, đó chắc chắn sẽ là một nhiệm vụ đòi hỏi rất nhiều nỗ lực, quyết tâm chính trị từ phía chính quyền, bên cạnh sự tham vấn và coi trọng đóng góp của người dân, các tổ chức xã hội dân sự, … nhằm phục vụ lợi ích chung của cả cộng đồng và tuyệt đối không để “lợi ích nhóm” chi phối.

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều