Ý nghĩa việc bầu trực tiếp Bí thư tại Đại hội các cấp cơ sở
Trong dịp Đại hội các cấp cơ sở lần này đề xuất và thực hiện bầu Bí thư trực tiếp tại Đại hội được rất nhiều người ủng hộ. Đây là một điểm mới, tất cả các đảng viên là đại biểu đều được trực tiếp bầu ra Bí thư, cấp ủy. Từng đại biểu có quyền đóng góp ý kiến sâu hơn, chọn lựa kỹ lưỡng hơn gương mặt “gửi vàng” khóa tới. Hình thức bầu này khiến người được bầu cũng có thêm ý thức phần trách nhiệm trước toàn thể Đại hội.
Đây là một dấu hiệu mới về sự mở rộng dân chủ trong Đảng. Trước đây Đại hội chỉ bầu Ban chấp hành, sau đó ban chấp hành bầu Ban thường vụ, Ban thường vụ tiếp tục cuộc họp nữa để bầu ra Bí thư. Công cuộc bầu bán qua nhiều tầng nấc, mất nhiều thời gian và thủ tục hơn so với cách làm mới hiện nay.
Cách làm mới này giúp phát huy được vai trò trách nhiệm của những đại biểu trực tiếp tham gia bầu Bí thư. Mỗi đại biểu là một Đảng viên, đại diện cho đảng viên của cơ sở đảng cấp dưới thể hiện trách nhiệm của mình trong lá phiếu bầu cho người đứng đầu tổ chức Đảng cơ sở khóa tiếp. Điều này có ý nghĩa cực kỳ to lớn trong công tác kiểm tra, giám sát sau này của Đảng viên đối với người đứng đầu.
Người được bầu trực tiếp tại Đại hội chắc chắn là người có uy tín cao, nhận được sự nhất trí ủng hộ của đại đa số Đảng viên. Hình thức bầu trực tiếp như vậy giúp Đảng ta lựa chọn ra được những gương mặt thực sự xuất sắc. Chính bản thân người được bầu tại Đại hội sẽ có ý thức trách nhiệm cao hơn trước toàn thể đại biểu so với cách bầu trước đây.
Công tác chuẩn bị
Nhiều ý kiến trái chiều cho rằng cách làm này rất khó, nhỡ người được bầu trực tiếp trong Đại hội số phiếu không quá bán thì sao? Lúc đó phải làm đi làm lại thì rất tốn thời gian công sức. Chính vì vậy, để làm được điều này đòi hỏi ban tổ chức Đại hội phải làm công tác hậu cần, chuẩn bị rất kỹ lưỡng từ cơ sở vật chất, văn kiện, đến con người.
Với những cá nhân được giới thiệu bầu trực tiếp Bí thư tại Đại hội phải là người thực sự có phẩm chất, bản lĩnh chính trị, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Công tác chuẩn bị nhân sự trước đó đã phải tiến hành sàng lọc, chọn lựa rất kỹ càng rồi mới đi đến danh sách đề cử trước Đại hội.
Như vậy, khi đưa nhân sự ra giới thiệu Đại hội bầu mới nhận được sự đồng tình nhất trí cao cũng như củng cố tăng cường uy tín đối với cấp ủy, cá nhân chức danh Bí thư trong tương lai. Hơn nữa trước khi tiến hành bầu thông tin về cá nhân được đề cử đã được công khai minh bạch rõ ràng, thậm chí những thông tin xung quanh về nhân thân cũng được công bố để đại biểu có cái nhìn tổng quan nhất.
Công tác chuẩn bị là yếu tố tiên quyết khi tiến hành cách làm mới này. Nếu chuẩn bị tốt, chuẩn bị kỹ càng sẽ rất có lợi cho công tác tổ chức cũng như rút ngắn thời gian quy trình. Nếu không chuẩn bị tốt thì việc làm đi làm lại là có thể và gây lãng phí thời gian tiền của.
“Bầu trực tiếp Bí thư tại Đại hội” mang lại nhiều ý nghĩa sâu sắc
Một cách làm mới suy cho cùng luôn có tính hai mặt, mặt lợi và mặt chưa lợi. Trong công tác, người cán bộ biết tối đa các mặt lợi, hạn chế, ngăn chặn các mặt hại thì mới có sự đổi mới. Sợ sai không làm thì Đảng không bao giờ có được những sáng kiến hay, những ý tưởng sáng tạo. Tương tự việc “bầu trực tiếp Bí thư tại Đại hội” xét cho cùng không phải không có mặt chưa được mà vì mặt lợi là đa số và chiếm ưu thế nên cần tiến hành. Hơn nữa cách làm này mang lại nhiều ý nghĩa sâu sắc:
Thứ nhất, người được bầu chắc chắn đã qua công tác cán bộ, sàng lọc chặt chẽ, khi tiến hành bầu trực tiếp thì chắc chắn cá nhân đó sẽ có thêm uy tín tiếng nói trong tổ chức. Cá nhân đó sẽ là người dẫn dắt, đại diện tiếng nói của cả một tổ chức Đảng cơ sở với uy tín trực tiếp tại Đại hội. Ví như “trong có ấm thì ngoài mới êm”. Là người có uy tín trong tổ chức sẽ là cơ sở tạo niềm tin uy tín trong công tác cũng như trong quá trình làm việc tiếp xúc với nhân dân.
Thứ hai, đảm bảo nguyên tắc Đảng lãnh đạo trong sinh hoạt bầu cử nói riêng và trong công tác lãnh đạo nhà nước và xã hội nói chung. Không thể để Đại hội ở cơ sở là một “phiên chợ” khi bầu chức danh “Bí thư”. Chính vì thế phải thống nhất nguyên tắc đảng lãnh đạo, trước đó là công tác nhân sự giới thiệu, sàng lọc chu đáo. Điểm này giúp nâng cao vị thế cũng như sức mạnh cầm quyền của Đảng ta trong tình hình mới phù hợp với xu thế và diễn tiến chung.
Thứ ba, hoạt động bầu trực tiếp Bí thư tại Đại hội phát huy tối đa tinh thần dân chủ trong đảng dựa trên tinh thần nguyên tắc “Tập trung dân chủ”. Quyết định cuối là của tập thể với sự thống nhất đồng tình một cách tập trung không sai lệch. Nhân sự được bầu trực tiếp tại Đại hội sẽ là hạt nhân kế thừa phát huy truyền thống và trí tuệ của Đảng bộ cơ sở nơi người đó được bầu. Dân chủ trong Đảng là tiền đề để phát huy dân chủ trong nhân dân hướng tới dân chủ rộng rãi trong kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc sắp tới.
Để thấy rằng việc bầu trực tiếp Bí thư tại Đại hội nhận được nhiều ý kiến đánh giá tích cực. Đồng thời tự thân nó đã bao hàm nhiều ý nghĩa sâu sắc, tích cực đối với tổ chức cũng như nhân dân.
Han Cao
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả