+
Aa
-
like
comment

Ý nghĩa của ngày tựu trường và chuyện khai giảng sớm hay muộn

Han Cao - 28/06/2020 18:16

5/9 – ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường

Sau 3 ngày đất nước độc lập, người mà Bác muốn nhắn nhủ đến đầu tiên chính là các em học sinh yêu mến. Vào ngày 5/9, Bác viết thư gửi tới tất cả các em học sinh nhân dịp khai giảng đầu năm học mới từ sau khi nước nhà được độc lập.

“Trẻ em như búp trên cành/ Biết ăn biết ngủ, biết học hành là ngoan” – Hồ Chí Minh

“Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Những lời Bác nói vẫn in sâu vào trong tâm trí của mỗi đứa trẻ và bây giờ đã trưởng thành như chúng ta như một lời động viên, nhắn nhủ, đầy hy vọng vào thế hệ mai sau của đất nước, vẫn luôn ghi nhớ trách nhiệm, sứ mệnh của mình khi đã được sống, được tự do, đứng trên vai của những anh hùng, chiến sĩ đã hi sinh vì cả dân tộc.

Và kể từ đó, 5/9 trở thành ngày khai giảng năm học mới của học sinh trên cả nước, là ngày toàn dân đưa trẻ đến trường trong không khí hân hoan ở khắp mọi nơi.

Ngày khai giảng có còn nguyên vẹn ý nghĩa?

Theo như truyền thống trong nền giáo dục nước ta, học sinh sẽ nghỉ hè 3 tháng và trở lại đi học vào đầu tháng 9. Điều này được thực hiện dựa trên việc xem xét kĩ lưỡng và trải qua thời gian dài, rất hợp lý với khí hậu Việt Nam và cả sự phát triển của học sinh. Học sinh thường được nghỉ hè tháng 6 đến tháng 8 trước khi trở lại một năm học mới.

Ngày khai giảng là ngày mà cả học sinh và các phụ huynh đều rất háo hức. Ngày 5/9, tất cả học sinh sẽ được tham dự vào buổi lễ khai giảng cũng là ngày đầu tiên bắt đầu một năm học mới. Thử tưởng tượng xem, sau 3 tháng nghỉ hè khá dài, bây giờ gặp lại thấy bạn bè, thầy cô cũng có phần khác đi, cơ sở vật chất của trường cũng có thay đổi, tay bắt mặt mừng, nhìn thấy nhau mà như vỡ òa. Những ký ức ấy mãi về sau khi đã lớn cũng không thể quên được và trở thành những kỷ niệm thời học trò nhiều cảm xúc.

Tuy nhiên, càng những năm trở về đây, ý nghĩa của ngày tựu trường đã khác. Nói chính xác, nó giống như lễ nghi hình thức, làm cho có phong trào, chứ không thực sự ý nghĩa của ngày khai giảng để bắt đầu một năm học mới nữa. Tôi cảm thấy buồn và khá đáng tiếc. Trẻ con giờ phải học nhiều hơn, ngoài học ở trường, học trên lớp, học tăng ca buổi chiều, học thêm buổi tối, học cuối tuần, học thêm hè… Nhìn vào lịch trình học của một đứa trẻ thành phố, không biết chúng sẽ có thời gian nào để chơi, giải trí, tập thể thao, đọc truyện hay phát triển những sở thích cá nhân.

 Nói là nghỉ hè 3 tháng nhưng thực tế thời gian nghỉ hè lại ít hơn rất nhiều và thời gian đó, chúng vẫn phải tập trung cho việc học để thi chuyển lớp, chuyển khối, thậm chí học trước kiến thức để bắt nhịp nhanh hơn các bạn… Chúng đang phải làm việc quá sức nên cũng không biết có cảm nhận được thời gian nghỉ hè thức sự.

Nói là khai giảng 5/9 nhưng thực tế các học sinh đã được đi học đến trường vào giữa tháng 8 rồi. Sau hơn nửa tháng học thì tổ chức khai trường, buổi lễ khai giảng chắc cũng giống như buổi chào cờ vào thứ 2 đầu tuần. Khi thầy hiệu trưởng đọc lên lá thư gửi các em học sinh vào ngày tựu trường của chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng có còn chú ý, trân trọng và lắng nghe để cảm nhận được từng lời nhắn nhủ, lời yêu thương Bác dành cho các em học sinh?

Vẫn là những tiết mục văn nghệ, những lời phát biểu nhưng sẽ ý nghĩa hơn nhiều nếu các em thực sự được sống trong không khí của ngày khai trường, giống như năm ấy Bác Hồ đã nói lên những ước mơ, hy vọng của mình vào một tương lai của đất nước. Ngày ấy niềm tin và hy vọng lớn thế nào thì bây giờ, tất cả những tình yêu, những khát vọng và sứ mệnh của mỗi học sinh vẫn còn nguyên chứ không hề bị thay đổi theo thời đại.

Tôi rất muốn ngày khai giảng thực sự là ngày khai giảng đúng như tên gọi, đúng như dân tộc ta và chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nhiều tâm huyết để mang đến thế hệ trẻ những điều tốt đẹp nhất.

Khai giảng sớm hay muộn không còn là vấn đề

Như đã nói ở trên, trẻ em bây giờ đang đi học quá nhiều, bao gồm cả học thêm và học ngoài giờ, điều đó có thực sự hiệu quả?

Chắc chắn, ngày 5/9 là ngày kỷ niệm quan trọng không phải chỉ với đất nước, với giáo dục Việt Nam mà với cả những đứa trẻ. Trẻ em thường nhớ những ngày quan trọng như sinh nhật của chúng, vì ngày đó các em được nhận nhiều sự yêu thương từ gia đình, bè bạn.

Thứ nhất, cần nhìn lại về việc học của trẻ em

Chúng ta là những người lớn, chúng ta là công nhân viên chức, những nhà kinh doanh, người lao động vất vả… nhưng có phải tất cả chúng ta đều ngồi ở công ty được từ 10-12 tiếng, làm việc liên tục từ sáng đến tối mà không có ngày nghỉ thỏa đáng? Chắc không phải người lớn nào cũng chịu đựng được cường độ liên tục như thế này. Chúng ta vẫn lao động, nhưng cố gắng làm việc một cách hiệu quả và cân bằng nhất trong cuộc sống. Sau giờ làm việc chúng ta cũng cần nạp lại năng lượng như có thời gian tĩnh tâm một mình, nghe một bài nhạc yêu thích, đến tham gia vào một nhóm giao lưu âm nhạc, đi chơi với người thân, bạn bè và ngắm nhìn những đứa trẻ, âu yếm chúng như chúng vẫn luôn là nguồn sống, động lực hàng ngày cho mỗi chúng ta.

Vậy thì những đứa trẻ càng cần như vậy. Thời gian nghỉ hè là thời gian quý báu để trẻ em có thể làm nhiều việc chúng thích mà chưa có cơ hội thực hiện trong năm. Như phát triển sở thích của bản thân, tìm ra những sở trường, thế mạnh của mình ngoài học văn hóa, chơi những môn thế thao yêu thích, gặp gỡ bạn bè. Và đây cũng là thời gian để chúng ta có thể gần gũi, lắng nghe những tâm tư nguyện vọng của con cái hơn thay vì trải qua những ngày nghỉ ngắn ngủi và chúng lại lao đầu vào những tiết học thêm với sự hối thúc của bố mẹ. Chúng ta đã bao giờ thực sự lắng nghe những ước mơ của con cái và luôn luôn ở bên cạnh động viên, khuyến khích chúng?

Vậy thì, ngày khai giảng cũng nên là ngày mùng 5/9 thay vì sớm hơn để con trẻ có thêm thời gian cho bản thân mình ở những lĩnh vực khác. Kiến thức rất quan trọng nhưng ngoài ra, những  sự khám phá khác cũng rất quan trọng cho sự phất triển toàn diện ở trẻ em.

Thứ hai, để cho trẻ em ghi nhớ những ngày kỷ niệm quan trọng

Chúng ta cũng nên tập cho trẻ thói quen biết ơn, biết cảm ơn những người xung quanh và ghi nhớ những ngày quan trọng như ngày sinh nhật của cha mẹ, ngày nhà giáo, ngày thương binh liệt sĩ và cả ngày khai giảng nữa để nhắc nhở các em về cội nguồn của mình, và luôn luôn thể hiện tình yêu với những người xung quanh. Ngày khai giảng là ngày để các em học sinh nhớ tới Bác Hồ, nhớ tới năm 1945 nước ta đã được độc lập nhưng đã phải đánh đổi, hy sinh thật nhiều qua những năm tháng đau thương.

Như lời ví dụ này. Gấu và nai rất yêu quý và trân trọng nhau, nhưng chúng phải sống và kiếm ăn ở 2 nơi khác nhau. Chúng hẹn nhau vào mỗi chiều thứ 4 trong tuần sẽ gặp nhau tại khu rừng gần bên đồi phía Đông. Cho nên trước đó, ngày thứ 3, thứ 2, chúng đã rất háo hức để gặp gỡ người mà mình yêu quý. Điều đó đôi khi còn được chờ đón, háo hức hơn cả việc có thể gặp nhau vào bất cứ lúc nào.

Với trẻ em là những tâm hồn ngây thơ, trong sáng, chúng yêu cha mẹ, yêu thầy cô, bạn bè nên cũng háo hức trước những ngày kỷ niệm quan trọng để dành những điều đặc biệt cho người mà chúng yêu mến. 5/9 chính là ngày hẹn gặp cho học sinh của cả nước, để các em biết trân trọng thời khắc ở bên nhau, nói những lời cảm ơn tới thầy cô giáo và không thể quên được những năm tháng học trò nhiều niềm vui trong cuộc đời.

Thứ ba, hãy thử lắng nghe suy nghĩ của các em

Người lớn đôi khi hay dùng suy nghĩ, phân tích, tính toán của mình để đưa ra quyết định cho những vấn đề và không tin tưởng tính tùy tiện, ham chơi của con trẻ. Nhưng chúng ta hãy hỏi chúng một lần rằng con muốn ngày khai giảng diễn ra vào ngày nào. Chắc hẳn đa số các em sẽ chọn là ngày mùng 5/9 là ngày khai giảng truyền thống của cả nước thay vì trở lại trường học sớm như sự sắp xếp của nhà trường với những chương trình học thêm dai dẳng trong suốt cả năm.

Mỗi đứa trẻ là một bức tranh đa màu sắc và đang dần hoàn thiện nên những sắc màu trong bản thân mình. Chúng cũng có ước mơ và mong muốn được làm những điều mình cảm thấy vui và hạnh phúc và trên con đường khám phá thế giới. Nên tất cả chúng ta hãy cùng trân trọng điều đó và giúp trẻ em được hình thành nên những phẩm cách tốt để trở thành những công dân độc lập, tự do cho thế hệ mai sau.

Han Cao

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều