+
Aa
-
like
comment

Ý nghĩa của công hàm Mỹ phản đối Trung Quốc tới Liên hiệp quốc

04/06/2020 19:47

Việc Mỹ gửi công hàm thứ hai phản đối Trung Quốc tới LHQ về Biển Đông cho thấy Washington chính thức tham gia vào cuộc chiến pháp lý cùng các nước ASEAN.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc (LHQ) Kelly Craft ngày 1/6 gửi công hàm cho Tổng thư ký Antonio Guterres, khẳng định yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông không phù hợp với luật pháp quốc tế, theo Công ước về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Mỹ yêu cầu LHQ gửi công hàm phản đối này đến tất cả thành viên, đồng thời đăng tải trên trang web của văn phòng pháp chế.

Trên Twitter, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết nước này coi những yêu sách của Trung Quốc là bất hợp pháp và nguy hiểm. Ông kêu gọi các quốc gia thành viên phải đoàn kết để duy trì luật pháp quốc tế và tự do trên biển. Văn bản này của Mỹ nói về công hàm số CML/14/2019 Trung Quốc gửi cho LHQ ngày 12/12/2019 để phản đối đệ trình của Malaysia lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa (CLCS) cùng ngày.

Ông Nguyễn Hồng Thao, Phó chủ tịch thứ hai của Ủy ban Luật pháp quốc tế (ILC), cho biết đây là lần thứ hai Mỹ gửi công hàm đến LHQ phản đối Trung Quốc về Biển Đông, kể từ sau khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) đưa ra phán quyết năm 2016 về vụ Philippines kiện Trung Quốc. Công hàm đầu tiên của Mỹ về vấn đề này được đưa ra vào ngày 28/12/2016. Trong văn bản ngày 1/6, Mỹ dùng hình thức công thư, yêu cầu LHQ gửi đến các nước thành viên và gửi đến cả Hội đồng Bảo an (HĐBA).

“Công hàm mới này của Mỹ cho thấy nước này đã chính thức tham gia vào cuộc chiến pháp lý giữa các nước liên quan đến Biển Đông”, ông Thao đánh giá. 

Bên khởi xướng cuộc chiến pháp lý, theo ông Thao, là Malaysia, khi gửi công hàm về mở rộng thềm lục địa ở Biển Đông lên LHQ. Malaysia đã đệ trình ranh giới ngoài thềm lục địa phần phía Bắc lên Ủy ban ranh giới thềm lục địa (CLCS) vào ngày 12/12/2019. Sau đó, Trung Quốc gửi công hàm cùng ngày cho biết nước này “có chủ quyền” và “quyền lịch sử” với quần đảo ở Biển Đông, “bao gồm quần đảo Đông Sa, Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa”. Quần đảo Nam Sa và Tây Sa là cách Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.

Ngày 6/3, Philippines đã gửi công hàm đến LHQ để phản đối Trung Quốc. Manila lấy phán quyết Biển Đông làm căn cứ để củng cố lập trường của mình. Ngày 30/3, Việt Nam gửi công hàm lên LHQ, khẳng định yêu sách của Bắc Kinh này vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông.

Ông Thao cho biết Mỹ là nước duy nhất bên ngoài khu vực tham gia vào cuộc chiến này. Dù là nước không có tranh chấp ở Biển Đông và không phải thành viên của UNCLOS nhưng Mỹ có quyền lợi ở khu vực, trong đó liên quan đến tự do hàng hải.

“Các quy tắc về tự do trên biển là các quy định về tập quán quốc tế, nên Mỹ có quyền nêu lên”, ông Thao nói.

Tổng thống Mỹ Trump, trái và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị G20 ở Nhật Bản năm 2019. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Mỹ Trump, trái và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị G20 ở Nhật Bản năm 2019. Ảnh: Reuters.

Cũng nhấn mạnh đến việc Mỹ gửi công hàm lên LHQ sau khi một loạt nước ASEAN có hoạt động tương tự, Thạc sĩ Hoàng Việt, Đại học Luật TP HCM, cho rằng các quốc gia đã tìm thấy điểm chung.

Mỹ gửi ra thông điệp rất rõ ràng: phản đối Trung Quốc mạnh mẽ hơn, ủng hộ và sát cánh với các thành viên ASEAN chống lại tham vọng sai trái của Bắc Kinh ở Biển Đông“, ông Việt nói.

Trong ASEAN, Indonesia là nước không có tranh chấp với Trung Quốc nhưng cũng đã gửi công hàm lên LHQ vào ngày 26/5/2020, bác bỏ đường 9 đoạn Bắc Kinh đơn phương đưa ra ở Biển Đông. Indonesia đã nhắc đến phán quyết của PCA và UNCLOS làm cơ sở lập luận của mình.

Khi các nước đang dồn sức chống Covid-19, Trung Quốc tăng cường các hành động gây hấn ở Biển Đông, công hàm của Mỹ có thể kéo các nước khác có phản ứng tương tự nhằm bảo vệ quyền tự do biển cả của mình. Theo phán quyết, phần giữa Biển Đông xuất hiện vùng Biển cả và Vùng đáy biển, là di sản chung của loài người, là nơi các nước được hưởng các quyền tự do đi lại. Điều này có nghĩa Biển Đông là vấn đề quốc tế. Bên cạnh đó, căng thẳng ở Biển Đông khiến các nước nhận thấy nhu cầu “cần phải có một Bộ Quy tắc COC thực chất và hiệu quả”. COC đang được ASEAN và Trung Quốc đàm phán.

Trong khi đó, ông Việt cho rằng Mỹ và Trung Quốc đang gia tăng cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu. Washington gửi công hàm đến LHQ là động thái thể hiện quyết tâm cạnh tranh chiến lược với Bắc Kinh. Ông Việt ví công hàm của Mỹ như “một đòn giáng thêm” vào Trung Quốc, khi yêu sách phi lý của họ đã bị nhiều nước phản đối. Nhiều quốc gia đã dẫn lại phán quyết của PCA để bác bỏ “đường chín đoạn” Trung Quốc đưa ra ở Biển Đông.

Khi Trung Quốc dùng sức mạnh kinh tế gây ảnh hưởng đến một số nước ASEAN, ông Việt cho rằng các nước cần cân đối lợi ích. Việc các quốc gia phản đối yêu sách phi pháp của Bắc Kinh không khiến Trung Quốc thay đổi ngay nhưng lâu dài sẽ gây tác động.

“Trung Quốc dù tỏ ra bất chấp công luận nhưng họ không thể phớt lờ hoàn toàn luật quốc tế. Bắc Kinh khó có thể thành công trong chiến lược này”, ông Việt nói.

Ông Việt dự báo thời gian tới Mỹ sẽ có nhiều hành động thể hiện quyết tâm ngăn chặn Trung Quốc vi phạm luật quốc tế. Washington sẽ tăng cường các chuyến tàu tuần tra bảo vệ tự do hàng hải. Hôm 29/5, thêm tàu khu trục USS Mustin áp sát Hoàng Sa của Việt Nam, nơi Trung Quốc đã chiếm đóng trái phép vào 1974. Bên cạnh đó, Mỹ sẽ tăng cường cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, khiến Bắc Kinh phải trả giá vì các hành vi ở Biển Đông. Washington cũng có thể đẩy mạnh các mạng lưới liên kết, như lập Hiệp ước Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, dựa trên Sáng kiến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở và tự do.

Với các nước ASEAN, ông Việt cho rằng Mỹ đưa công hàm lên LHQ để nhằm “tiếp sức”, thúc đẩy ASEAN phản đối mạnh mẽ hơn trước những việc làm sai trái của Trung Quốc trong khu vực.

“Khi Mỹ thể hiện phản đối Trung Quốc mạnh mẽ bằng công hàm mới đây, các nước ASEAN sẽ phải điều chỉnh chính sách của mình”, ông Việt nói.

Việt Anh/TTT

Bài mới
Đọc nhiều