Ý nghĩa chiến lược với cả khu vực trong chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng
Chuyến thăm đã đạt được những kết quả toàn diện, mang ý nghĩa chiến lược trong quan hệ hai nước, mở ra nhiều triển vọng quan trọng cho phát triển lợi ích song phương lẫn khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Nhật Bản theo lời mời của Thủ tướng Kishida Fumio từ ngày 22 đến 25-11-2021. Đại sứ Phạm Quang Vinh, nhà ngoại giao kỳ cựu của Việt Nam, nhận xét: Quan hệ Việt – Nhật trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm khác nhau nhưng quan hệ ấy hiện nay đạt được sự tin cậy, hiệu quả và thực chất nhất. Có lẽ đây là giai đoạn đỉnh cao trong quan hệ song phương, mang lại lợi ích cho mỗi nước và cho cả khu vực.
. Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Nhật Bản?
+ Đại sứ Phạm Quang Vinh: Tôi muốn nhấn mạnh rằng thời điểm của chuyến thăm kỳ này của Thủ tướng đến Nhật đặc biệt có ý nghĩa đối với quan hệ song phương Việt – Nhật cũng như với khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm Nhật và Thủ tướng cũng là vị lãnh đạo đầu tiên mà tân Thủ tướng Nhật Kishida Fumio đón tiếp.
Chuyến thăm không chỉ góp phần thúc đẩy các giải pháp vận hành hệ thống kinh tế – chính trị, văn hóa – xã hội của mỗi nước, mà còn đẩy mạnh các giải pháp đối ngoại song phương và khu vực trước các yêu cầu về phòng chống dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh.
Cạnh đó, hiện khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang có những chuyển động mạnh mẽ về địa chiến lược. Nơi đây vẫn là trọng tâm của thế giới trong xây dựng các quan hệ hợp tác, phát triển thương mại. Ngoài ra, khu vực này cũng chứng kiến sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các nước lớn về kinh tế, thương mại, trật tự thế giới, điển hình là giữa Mỹ và Trung Quốc – hai đối tác rất quan trọng của Việt Nam. Vì vậy, việc lãnh đạo hai nước Việt – Nhật ngồi lại sẽ mở ra cơ hội tìm kiếm các giải pháp để tranh thủ cơ hội hợp tác, duy trì trật tự thế giới dựa trên luật lệ, ứng phó với các thách thức xuất hiện trong quá trình dịch chuyển địa chiến lược.
. Đại sứ nhận xét như thế nào về kết quả của chuyến thăm nếu nhìn ở góc độ hợp tác song phương?
+ Thủ tướng Việt Nam đã được đón tiếp với những nghi lễ ngoại giao trọng thị nhất. Có thể nói hai bên đã rất bận rộn với hàng loạt hoạt động thực chất và hiệu quả trên tất cả lĩnh vực, bao gồm: Kinh tế, phòng chống và kiểm soát đại dịch, thúc đẩy sản xuất, hợp tác du lịch, chuyển giao công nghệ, phát triển nguồn nhân lực… Tổng cộng hai bên đã ký kết hàng chục văn kiện hợp tác giữa các bộ, ngành, cơ quan và doanh nghiệp hai nước. Đây không chỉ là động lực để Việt – Nhật cùng phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch, mà còn giúp các chuỗi cung ứng của cả khu vực được duy trì.
. Thưa Đại sứ, Việt Nam và Nhật Bản đều là những thành viên năng động của khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Kết quả của chuyến thăm lần này có đóng góp gì cho lợi ích của khu vực?
+ Nếu đặt kết quả chuyến thăm lần này của Thủ tướng đến Nhật Bản vào bối cảnh chung của cả khu vực châu Á – Thái Bình Dương thì sẽ thấy tầm quan trọng rất lớn. Lãnh đạo hai nước đã trao đổi nhiều về vấn đề đóng góp cho sự phát triển, thịnh vượng chung của cả khu vực, như thúc đẩy các quan hệ hợp tác, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và các sáng kiến do ASEAN dẫn dắt.
Đáng chú ý là việc hợp tác đa phương khi Việt – Nhật đều là thành viên trong các cuộc đàm phán hiệp định thương mại đa phương, điển hình là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Đây đều là những hiệp định quan trọng bậc nhất của thế giới.
Về thúc đẩy hòa bình, ổn định của khu vực, lãnh đạo hai nước đã thống nhất về việc ứng phó với các thách thức về an ninh truyền thống lẫn phi truyền thống đối với cả khu vực. Hợp tác để xử lý vấn đề an ninh phi truyền thống, nhất là biến đổi khí hậu và phòng chống dịch bệnh, rất được nhấn mạnh.
Trong phòng chống dịch bệnh, Nhật tiếp tục hỗ trợ bổ sung 1,5 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho Việt Nam, nâng tổng số liều vaccine hỗ trợ lên đến 5,6 triệu cùng nhiều trang thiết bị, vật tư y tế. Tương tự, chuyến thăm cũng góp phần thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương tại vùng Mekong, bao gồm vấn đề quản lý nguồn nước, môi trường, phát triển kinh tế bền vững…
Chúng ta cũng không thể không nhắc đến hợp tác thúc đẩy an ninh hàng hải. Hai quốc gia có những đóng góp tích cực và chia sẻ các quan điểm, nguyên tắc chung của ASEAN về Biển Đông. Theo đó, lãnh đạo hai nước nhấn mạnh ủng hộ duy trì hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông; ủng hộ xây dựng trật tự dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Việt – Nhật cũng thống nhất yêu cầu các nước liên quan xây dựng lòng tin, trong đó ASEAN – Trung Quốc cần thực hiện tốt Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hướng tới xây dựng hiệu quả Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); đặc biệt không thực hiện các hành động đơn phương nhằm quân sự hóa, thay đổi nguyên trạng hoặc làm phức tạp tình hình ở Biển Đông.
. Xin cám ơn ông.
Đặng Anh