+
Aa
-
like
comment

Ý kiến trái chiều về việc chủ tịch tỉnh làm hiệu trưởng

22/05/2020 18:33

Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng chủ tịch UBND tỉnh có thể giam gia vào hội đồng trường, còn làm hiệu trưởng thì “chưa có tiền lệ”.

Trả lời báo chí sáng 22/5 về việc Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng kiêm nhiệm Hiệu trưởng trường Đại học Hạ Long, Bộ trưởng Tân cho rằng chủ tịch UBND tỉnh là cán bộ, được dân bầu để thực hiện nhiệm vụ của cán bộ. Còn hiệu trưởng là chức danh trong đơn vị sự nghiệp.

“Chủ tịch UBND tỉnh kiêm nhiệm chức danh trong đơn vị sự nghiệp nào đó thì luật pháp chưa quy định và chưa có tiền lệ”, ông Tân nói.

Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân bên hành lang Quốc hội sáng 22/5. Ảnh: Hoàng Thuỳ
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân bên hành lang Quốc hội sáng 22/5. Ảnh: Hoàng Thùy.

Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng với cương vị chủ tịch một tỉnh lớn như Quảng Ninh, ông Nguyễn Văn Thắng không nên kiêm nhiệm hiệu trưởng trường đại học. Bởi chủ tịch UBND công việc nhiều, phức tạp, nếu thêm quản lý trường đại học thì trách nhiệm “sẽ rất nặng nề”. “Tôi chưa bao giờ thấy một ông chủ tịch lại đi làm hiệu trưởng. Có thể ở vị trí danh dự hoặc tham gia giảng dạy, hoặc truyền bá kinh nghiệm quản lý nhà nước thì rất hoan nghênh”, ông nói.

Trong thông cáo phát đi ngày 21/5, UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, từ khi thành lập trường Đại học Hạ Long vào tháng 10/2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh thống nhất phân công bà Vũ Thị Thu Thủy, Phó chủ tịch tỉnh kiêm nhiệm Hiệu trưởng trường này. Sau 5 năm, Đại học Hạ Long “đạt được những kết quả quan trọng, đúng định hướng chiến lược phát triển đề ra”. Tuy nhiên, ngày 1/1 bà Thủy nghỉ hưu. Đến ngày 17/5, sau gần 5 tháng trường chưa kiện toàn được chức danh hiệu trưởng, ảnh hưởng đến công tác điều hành của nhà trường.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã đánh giá tổng thể, rà soát cán bộ lãnh đạo tỉnh (một chủ tịch và 3 phó chủ tịch), đặc biệt là điều kiện học vị tiến sĩ, quyết nghị phân công ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh kiêm nhiệm giữ chức Hiệu trưởng trường Đại học Hạ Long.

“Ông Thắng có nhiều công trình nghiên cứu khoa học liên quan đến ngành đào tạo của trường. Việc quy định hiệu trưởng trường đại học có uy tín khoa học và kinh nghiệm quản lý giáo dục đại học mang tính định tính, có thể vận dụng trong trường hợp rất cần thiết này. Luật Giáo dục sửa đổi cũng không quy định hiệu trưởng là cán bộ cơ hữu của trường đại học”, thông cáo của UBND tỉnh nêu.

Trả lời VnExpress ngày 20/5, ông Trần Trung Vỹ, Phó hiệu trường trường Đại học Hạ Long, cho rằng UBND tỉnh Quảng Ninh tiếp tục cử một lãnh đạo tỉnh về làm hiệu trưởng nhà trường nhằm chỉ đạo các hoạt động, tạo thuận lợi cho nhà trường phát triển nhanh và thực hiện được các mục tiêu tỉnh đã giao. Hiệu trưởng sẽ chỉ đạo giải quyết các vấn đề, nhiệm vụ lớn của nhà trường, hàng tuần giao ban với lãnh đạo trường. Công tác chuyên môn đã có ba phó hiệu trưởng phụ trách.

Ông Nguyễn Văn Thắng năm nay 47 tuổi, là tiến sĩ chuyên ngành tài chính – ngân hàng. Trước khi giữ chức Phó chủ tịch rồi làm Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh, ông Thắng đã 18 năm làm việc tại VietinBank, trải qua nhiều vị trí như: Giám đốc VietinBank chi nhánh Hà Nội, Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT VietinBank.

Ngày 18/5, sau khi Hội đồng trường Đại học Hạ Long đề nghị, UBND tỉnh Quảng Ninh đã quyết định giao ông Thắng kiệm nhiệm hiệu trưởng.

Đại học Hạ Long là trường công lập, trực thuộc UBND tỉnh Quảng Ninh, được thành lập ngày 13/10/2014 trên cơ sở sáp nhập Cao đẳng Sư phạm Quảng Ninh và Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Hạ Long. Mục tiêu của trường là đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh và hướng tới trở thành cơ sở đào tạo có uy tín trong nước, là trung tâm nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ năng động.

Trường hiện có 32 tiến sĩ, 184 thạc sĩ. Năm học 2019-2020, trường tuyển 3.880 sinh viên, trong đó 2.290 sinh viên đại học.

Hoàng Thùy – Minh Cương/VNE

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều