Ý đồ tác chiến “Blitzkrieg” của Nga trong chiến dịch quân sự tại Ukraine
Kể từ khi mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, những phương thức tác chiến của Nga đã dần thể hiện rằng đây là một “Blitzkrieg” (Chiến tranh thần tốc) của quân đội Liên bang Nga. Trao đổi với Cánh Cò, chuyên gia quân sự, quốc phòng Lê Ngọc Thống đã có những phân tích về ý đồ của Nga khi triển khai chiến thuật kiểu “Blitzkrieg”.
Tên gọi “Blitzkrieg” xuất phát từ tiếng Đức, có nghĩa là chiến tranh thần tốc, trong đó sử dụng những lực lượng có tính cơ động, không quân tấn công nhanh vào các mục tiêu trọng yếu. Theo chuyên gia Lê Ngọc Thống, chiến thuật “Blitzkrieg kiểu Nga” tại Ukraine được chia thành 2 giai đoạn chính:
Giai đoạn 1: Đánh chiếm “đầu cầu” và gọi hàng (binh vận)
Đầu tiên, Nga sử dụng vũ khí có độ chính xác cao để hủy diệt hệ thống phòng không, lực lượng không quân, hải quân và các trung tâm chỉ huy, kho tàng đạn dược vũ khí của Mỹ-NATO viện trợ… Mục đích của đòn tấn công trên là giải giáp hoàn toàn sức chiến đấu của quân đội Ukraine và để Lực lượng Hàng không-Vũ trụ Nga (VKS) làm chủ bầu trời, tạo ra vùng cấm bay triệt để trên không phận Ukraine.
Tiếp theo, Quân đội Nga sử dụng các lực lượng tinh nhuệ, cơ động đánh chiếm các “đầu cầu”, tức các vị trí quan trọng như nhà máy điện hạt nhân, đập thủy điện, các công trình phục vụ dân sinh, sân bay, bến cảng, cầu cống án ngữ các vị trí chiến lược… Việc đánh chiếm “đầu cầu” có ý nghĩa quan trọng, tạo điều kiện cho các lực lượng mặt đất triển khai, phát triển hướng tấn công.
Song song với đó, Nga kết hợp chính sách binh vận gọi hàng khi trong ngày 25/2, chiến dịch gần như ngừng lại dành thời gian cho Tổng thống Ukraine đồng ý đàm phán ngừng bắn…
Có thể nói, về cơ bản giai đoạn 1 đã thành công và có tính quyết định sự thành bại cuộc chiến sau này khi đã đánh sập hoàn toàn sức chiến đấu của quân đội Ukraine. Nhưng tất nhiên, Ukraine không phải là Iraq hay Libya, cho nên Nga không đạt được thành công triệt để như họ mong muốn.
Cụ thể, dù liên tiếp bại trận, Ukraine vẫn nhất quyết không đầu hàng. Các lực lượng “tân phát xít” như Tiểu đoàn Azov co cụm về các thành phố lớn chống cự quyết liệt. Công tác tình báo, trinh sát của quân đội Nga chưa nắm hết, cho nên, vẫn còn một số bệ phóng tên lửa của Ukraine được bảo vệ bí mật không bị tiêu diệt đã tấn công vào lãnh thổ Nga.
Sai lầm lớn nhất trong giai đoạn 1 này là Blitzkrieg lại không thực hiện đòn tấn công phủ đầu nhắm vào lực lượng “tân phát xít” tại đường liên lạc trên tuyến mặt trận Donbass hay nhằm vào các nhóm Azov ở Mariupol… Cho nên, lực lượng này đã co cụm gây “ách tắc” trong các mục tiêu tấn công của quân Nga.
Chúng ta gọi đây là giai đoạn 1 là vì chưa thấy quân Nga sử dụng toàn bộ lực lượng, vũ khí hiện có. Chẳng hạn, lực lượng lính thủy đánh bộ vẫn chưa động binh, hoặc hơn 10.000 lính Chechnya chưa tham gia tác chiến. Cũng chưa thấy quân Nga triển khai hết tác chiến điện tử, các loại vũ khí khủng khiếp như TOS-1A, TOS-1B…
Đến hết ngày 26/2 thì có vẻ như giai đoạn 1 đã có dấu hiệu kết thúc, cùng lúc đó vai trò của Mỹ và Phương Tây hỗ trợ cho Ukraine ngày càng lớn… bởi sự lầm tưởng sự kết thúc chưa trọn vẹn của chiến dịch trong giai đoạn 1 chăng?
Phản ứng của phương Tây
Mặc dù theo dự báo của các chuyên gia Mỹ, sự tồn tại của chính quyền Tổng thống Zelensky chỉ còn tính bằng giờ, nhưng các quan chức phương Tây vẫn đưa ra tuyên bố về việc cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Chủ tịch Hạ viện của Quốc hội Mỹ Nancy Pelosi đã tuyên bố rằng “các vũ khí phòng thủ trị giá 600 triệu USD đang được gửi tới Ukraine để họ có thể chiến đấu”.
Pháp cũng tuyên bố ý định cung cấp thiết bị quân sự cho chế độ Kiev. Rõ ràng, Tổng thống Macron đã quyết định dốc toàn lực sau khi thất bại trong hai vai trò “người hòa bình” và “người bảo lãnh”… Có thể nói rằng các nước NATO đã xếp hàng dài. Không chỉ Mỹ, Anh mà Canada, Cộng hòa Séc, các nước Baltic, Bulgaria, Romania, Ba Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, Đức… cũng tham gia.
Bộ trưởng Ukraine Oleksii Reznikov hài lòng, phấn khích với món quà: “Chúng tôi đang tích cực sử dụng các mẫu vũ khí hiện đại mà chúng tôi sẽ nhận được từ các đối tác, ngày mai sẽ có nhiều mẫu vũ khí đó hơn…”.
Nhưng ai sẽ chiến đấu bằng những vũ khí này và làm thế nào các “nhà tài trợ” có thể chuyển nó đến Ukraine? Bởi nếu đúng như thông tin từ Bộ Quốc phòng Nga, thì vào ngày đầu tiên của “Blitzkrieg”, 11 sân bay quân sự của quân đội Ukraine đã ngừng hoạt động hoặc bị Nga chiếm giữ.
Các chính khách phương Tây đề xuất rằng vũ khí có thể trung chuyển đường bộ qua Ba Lan đến biên giới phía Tây Ukraine. Tuy nhiên, “sáng kiến” này có thể không được Bộ Tổng Tham mưu quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hưởng ứng nhiệt liệt. Bởi hơn ai hết, chính họ đã nếm trải chiến trường Idlib (Syria). Các đoàn xe chở vũ khí khi đó đã trở thành mục tiêu “bắt mắt” và liên tục hứng chịu các cuộc tấn công.
Khó trách được các chính trị gia vì họ không phải là các chuyên gia quân sự. Nhưng dù sao, Ukraine cũng chẳng còn nhiều lựa chọn và sẽ còn giảm đi theo thời gian.
Nhìn chung, phương Tây mong đợi sẽ hậu thuẫn thành công quốc gia láng giềng của Nga, hoặc ít nhất là Ukraine sẽ chiến đấu “đến hơi thở cuối cùng”. Tuy nhiên, thực tế cho thấy ý tưởng muốn Ukraine chiến đấu với Nga đến người cuối cùng cho phương Tây đơn giản cũng chỉ là một giấc mơ hay ho và phi logic.
Giai đoạn 2: Bắt đầu một cuộc chiến thực sự
Trước khi nói về giai đoạn 2 này, cần nhắc đến một vấn đề liên quan: Tại sao sau khi công nhận các nhà nước cộng hòa Donetsk (DPR) và Lugansk (LPR) thì Nga ngay lập tức thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt? Việc công nhận độc lập cho LDNR có tác dụng, liên quan gì đến chiến dịch đó?
Nga tấn công Ukraine để phi quân sự hóa Ukraine là không thể tránh khỏi, nó được có kế hoạch sẵn ngày giờ. Do đó, có công nhận Donetsk và Lugansk độc lập hay không thì quân đội Nga vẫn xuất hiện trên toàn lãnh thổ Ukraine. Vấn đề là 2 vùng trên độc lập thì biên giới nó đến đâu rất quan trọng trong mục tiêu của chiến dịch…
Đích thân Tổng thống Putin giải thích: “Chúng tôi đã công nhận họ, có nghĩa là chúng tôi đã công nhận tất cả các văn bản cơ bản của họ, bao gồm cả hiến pháp. Nó chỉ ra các biên giới trong khu vực Donetsk và Luhansk vào thời điểm chúng là một phần của Ukraine”.
Vào năm 2015, Quốc hội DPR đã thông qua một bản ghi nhớ, theo đó Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng là người kế vị hợp pháp, thậm chí không phải vùng Novorossiya của Catherine, mà là vùng Donetsk-Krivoy Rog (DKSR) của Liên Xô:
“Chúng tôi, những đại biểu của Hội đồng nhân dân Cộng hòa Nhân dân Donetsk, nhận thức được trách nhiệm của mình đối với quá khứ và mở đường cho tương lai, tuyên bố tiếp nối các truyền thống của Cộng hòa Donetsk-Krivoy Rog (DKSR) và tuyên bố rằng nhà nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk là kế thừa của nó.”
Cụ thể, các lãnh thổ mà DKSR tuyên bố chủ quyền là Donetsk, Lugansk, Zaporozhye, Dnepropetrovsk, và một phần Kharkov, Kherson, Nikolaev, vùng Sumy của Ukraine hiện đại và thậm chí là một phần của Rostov thuộc Nga. Đúng, không có vùng Odessa.
Khi Tổng thống Nga Putin nói rằng “công nhận luôn cả hiến pháp của họ…”, điều đó có nghĩa Nga công nhận luôn cả những vùng không nằm trong quyền kiểm soát của các lực lượng ly khai. Như vậy, Nga sẽ giúp LDNR mở rộng vùng độc lập đã công nhận bằng… biện pháp quân sự.
Nếu chiến dịch quân sự đặc biệt kết thúc thành công, Nga sẽ rút quân, lúc đó, chỉ cần cung cấp vũ khí là quân đội chính phủ Cộng hòa nhân dân Donetsk thừa sức răn đe mạnh nhà nước Ukraine “lục địa”… Đây chính là ý nghĩa mục tiêu chính trị lớn mà chiến dịch phải đạt cho bằng được.
Đây chính là mục tiêu tác chiến của giai đoạn 2: Triển khai toàn bộ lực lượng, vũ khí trang bị hiện có để giải quyết dứt điểm các mục tiêu chiến dịch.
Phát triển lực lượng theo các hướng để chia cắt chiến lược, bao vây địch, đặc biệt là 60.000 quân chủ lực của Ukraine trên tuyến mặt trận Donbass, quét sạch lực lượng “Đức quốc xã”, giải phóng lãnh thổ Cộng hòa Nhân dân Donetsk đang trong tay lực lượng Kiev.
Trong ngày 26/2, có thể thấy quân Nga đã hình hành thế bao vây tạo ra một cái vạc lớn tại Donbass. Trước nguy cơ này, lực lượng từng đe dọa tấn công Donbass đã vội vàng rút chạy về Kiev và phía Tây (mũi tên xanh) khiến dân quân Donbass mở rộng lãnh thổ đến 46km…
Kherson và Nicolaev đã được chiếm giữ và việc đầu tiên là đập nước ngăn chặn nước về kênh Crimea đã bị nổ tung… Nước từ sông Dernev đã về đầy kênh Crimea khiến dân Crimea hoan hỉ với chiến dịch quân sự đặc biệt của Tổng thống Putin…
Mariupol đã bị bao vây toàn bộ, một số nguồn tin cho biết “tiểu đoàn Azov” đã bắn và khống chế không cho phép dân Mariupol rời khỏi, đe dọa đánh sập các lò luyện kim tại đây…
Hiện nay, người ta đã thấy lực lượng của Chechnya và vũ khí như loại TOS-1A… đã xuất hiện tại Ukraine. Còn sau khi đã chiếm được đảo Rắn, vấn đề đổ bộ đánh chiếm Odessa chỉ là vấn đề tình thế…
Như vậy, có thể nói cho đến ngày 26/2 toàn bộ lực lượng, vũ khí trang bị của Nga phục vụ cho chiến dịch QSĐB đã triển khai xong trên lãnh thổ Ukraine. Giai đoạn tấn công dứt điểm sẽ xảy ra…
Người Mỹ dự đoán chỉ 96 tiếng Ukraine sẽ sụp đổ. Nhưng, lực lượng “tân phát xít” đe dọa phá hủy toàn bộ nhưng cơ sở kinh tế, công nghiệp quan trọng và nguy hiểm, tồi tệ hơn chúng sử dụng người dân là lá chắn như tại Kharkiv. Do đó, theo cách tấn công của người Mỹ, dự báo này là sai. Để bảo vệ dân thường, quân Nga sẽ không thể tác chiến như Mỹ tại Raqqa-Syria.
Lê Ngọc Thống