+
Aa
-
like
comment

Ý đồ sâu xa của Trung Quốc khi tiếp cận Taliban tại Afghanistan: Liên quan đến một “vũ khí” trọng yếu

19/08/2021 11:17

Đài CNBC hôm 17/8 dẫn lời một số nhà phân tích cho rằng, việc Trung Quốc phát triển mối quan hệ với Taliban có một mục đích quan trọng phía sau.

Ý đồ sâu xa của Trung Quốc khi tiếp cận Taliban tại Afghanistan: Liên quan đến một "vũ khí" trọng yếu

Khi Taliban chiếm đóng thủ đô Kabul của Afghanistan, Tổng thống Ghani tháo chạy và chính phủ thất thủ, Trung Quốc đã tiếp tục phát đi tín hiệu hợp tác với Taliban. Hiện mối quan hệ giữa Taliban với Bắc Kinh đã phát triển thành tâm điểm chú ý của giới quan sát, theo VOA.

Đài CNBC hôm 17/8 dẫn lời một số nhà phân tích cho rằng, việc Trung Quốc phát triển mối quan hệ với Taliban có một mục đích quan trọng phía sau, nhằm tìm kiếm sự hợp tác với Taliban trong việc phát triển đất hiếm ở Afghanistan. Điều này có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với việc củng cố vai trò thống trị của Bắc Kinh trong lĩnh vực đất hiếm.

Ước tính Afghanistan có hàng nghìn tỷ USD kim loại quý hiếm, một tính toán được đăng tải trên tạp chí Diplomat cho biết. Giá trị kim loại đất hiếm ở Afghanistan vào năm 2020 ước tính vào khoảng từ 1.000 đến 3.000 tỷ USD.

Các loại đất hiếm này bao gồm lanthanum, cerium, neodymium.., cũng như các kim loại như nhôm, vàng, bạc, kẽm, thủy ngân cũng như lithium – những kim loại hiếm được sử dụng trong một loạt các ứng dụng, từ các sản phẩm điện tử đến ô tô điện, vệ tinh, máy bay…

CNBC dẫn lời Shamaila Khan, trưởng bộ phận nợ thị trường mới nổi tại Alliance Bernstein, một trong những công ty quản lý tài sản quan trọng nhất thế giới nhận định, Taliban có các nguồn lực có thể phát triển và lợi dụng, “điều này vô cùng nguy hiểm đối với thế giới”.

Bà Shamaila nhấn mạnh: “Cần có một sáng kiến ​​quốc tế để đảm bảo rằng nếu bất kỳ quốc gia nào đồng ý khai thác tài nguyên khoáng sản của Afghanistan cho Taliban, thì quốc gia đó phải tuân thủ các điều kiện nhân đạo nghiêm ngặt, theo đó quyền con người và lợi ích của phụ nữ phải được bảo vệ.”

Trước đề nghị của Bắc Kinh với Taliban về động cơ kinh doanh của họ ngay sau khi Taliban chiếm đóng Kabul, bà Shamaila nói, “Do đó, các nước nên gây áp lực đối với Trung Quốc và Bắc Kinh phải tuân thủ các quy định quốc tế nếu họ muốn liên minh với Taliban nhằm cung cấp viện trợ kinh tế cho lực lượng này”.

Ý đồ sâu xa của Trung Quốc khi tiếp cận Taliban tại Afghanistan: Liên quan đến một vũ khí trọng yếu - Ảnh 2.
Máy móc và thiết bị do Trung Quốc lắp đặt tại khu vực Mes Aynak, cách Kabul, Afghanistan 40 km về phía đông nam, nơi giàu đất hiếm và kim loại hiếm ở Afghanistan. (Ảnh Reuters)

THÁI ĐỘ CỦA TRUNG QUỐC

Ngày 16/8, Chính phủ Trung Quốc tuyên bố, Bắc Kinh đang duy trì liên lạc và trao đổi với Taliban và sẵn sàng tiếp tục phát triển quan hệ hợp tác với Afghanistan.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết trong cuộc họp báo hôm 16/8 cho biết: “Taliban đã nhiều lần tuyên bố rằng, họ hy vọng phát triển mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc và mong muốn Bắc Kinh tham gia vào công cuộc tái thiết và phát triển Afghanistan, và sẽ không bao giờ cho phép bất kỳ lực lượng nào sử dụng lãnh thổ Afghanistan để làm những việc gây nguy hại cho Trung Quốc.”

Bà Hoa nói, Trung Quốc tôn trọng quyền của người dân Afghanistan được tự quyết định vận mệnh của mình, [Trung Quốc] sẵn sàng tiếp tục phát triển quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị và hợp tác với Afghanistan, đồng thời đóng một vai trò xây dựng trong [quá trình] hòa bình và tái thiết Afghanistan.

Kể từ khi Mỹ tuyên bố rút quân khỏi Afghanistan vào tháng 4, Bắc Kinh đã tích cực liên lạc với các thủ lĩnh Taliban, lấy lợi ích kinh tế làm mồi nhử để giành cơ hội hợp tác với lực lượng này, hy vọng lấp đầy khoảng trống mà quân đội Mỹ để lại và mở rộng lợi thế địa chính trị của mình trong khu vực, CNBC phân tích.

Theo CNBC, Trung Quốc hiện đang thống trị thị trường đất hiếm toàn cầu. Dẫn số liệu từ Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, khoảng 35% trữ lượng đất hiếm trên thế giới nằm ở Trung Quốc, đứng đầu thế giới.

Trung Quốc cũng là cường quốc sản xuất đất hiếm, năm 2018, sản lượng đất hiếm của nước này là 120.000 tấn, chiếm 70% tổng sản lượng đất hiếm của thế giới, trong khi sản lượng đất hiếm của Mỹ cùng năm chỉ là 15.000 tấn.

CNBC còn cho biết, năm 2019, Trung Quốc đã sử dụng đất hiếm như một biện pháp uy hiếp trong cuộc chiến thương mại với Mỹ, khi đó Bắc Kinh đã đe dọa sẽ cắt nguồn cung cấp kim loại hiếm cho Washington./.

Lưu Binh

Bài mới
Đọc nhiều