+
Aa
-
like
comment

Ý đồ của Trung Quốc khi đưa tàu khảo sát quay lại vùng biển của Việt Nam

20/08/2019 11:57

Bắc Kinh muốn tăng sức ép với Hà Nội và các đối tác ở Biển Đông đồng thời kéo sự chú ý của thế giới ra khỏi vấn đề nội bộ – Hong Kong. 

Hôm 13/8, tàu khảo sát Địa chất Hải Dương 8 cùng một số tàu hộ tống của Trung Quốc đã quay lại xâm phạm vùng biển Việt Nam. Nhóm tàu này trước đó đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía đông nam Việt Nam từ đầu tháng 7 đến ngày 7/8. Đây là vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, được xác định theo các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Tàu khảo sát Địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc.
Tàu khảo sát Địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc.

“Trung Quốc đang cố làm giảm quyết tâm của Việt Nam và các đối tác an ninh của Việt Nam trên thế giới”, Giáo sư John Blaxland, Giám đốc Viện Đông Nam Á, Đại học Quốc gia Australia (ANU), nói với PV về hành động của Trung Quốc. Bắc Kinh cũng đang nỗ lực đánh đổ các điều khoản của UNCLOS theo hướng có lợi cho mình.

Gregory Poling, Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI), Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), Mỹ, đánh giá việc tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc trở lại vùng biển của Việt Nam sau khi đến đá Chữ Thập trong vài ngày đã gửi ra một thông điệp chính trị rõ ràng.

“Dường như thông điệp của Trung Quốc là chừng nào Việt Nam còn tiếp tục các hoạt động khai thác dầu khí ở Biển Đông, Trung Quốc sẽ không chỉ quấy rối mà còn thăm dò đơn phương trong vùng biển của Việt Nam nhằm gia tăng áp lực với Hà Nội”, Poling nói.

Đồng tình với ý kiến này, Murray Hiebert, chuyên gia về Đông Nam Á của CSIS, đánh giá Trung Quốc muốn thể hiện rằng “tất cả các tài nguyên hydrocarbon nằm trong Đường 9 đoạn đều thuộc về Trung Quốc”. Đây là điều Bắc Kinh đã tuyên bố và đang muốn biến nó thành hiện thực. Nhìn lại các sự cố trong 2017 và 2018, khi Trung Quốc ép Việt Nam dừng hợp tác với đối tác nước ngoài khai thác dầu ở vùng biển của Việt Nam, Hiebert cho rằng Bắc Kinh đang báo hiệu với Hà Nội về mục đích của mình.

“Trung Quốc muốn Việt Nam hoặc là dừng hoàn toàn các hoạt động khai thác dầu khí ở Biển Đông, hoặc là hợp tác với Bắc Kinh”, ông nói.

Theo Hiebert, Trung Quốc không chỉ sử dụng tàu khảo sát để ngăn cản Việt Nam khai thác dầu khí, mà còn áp dụng với Malaysia, ngay cả khi các hoạt động của Việt Nam và Malaysia nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Với Philippines, từ đầu tháng 7 và tháng 8, Trung Quốc cũng đã điều hai tàu khảo sát Dong Fang Hong 3 và Zhang Jian hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, cách bờ biển phía đông nước này khoảng 80 hải lý.

“Chiến dịch dùng tàu khảo sát của Trung Quốc khiến cho tranh chấp ở Biển Đông trở nên phức tạp hơn. Các nước không chỉ xung đột về chủ quyền với các đảo và thực thể, mà giờ đây họ còn có xung đột về các tài nguyên”, Hiebert nói.

Một lý do khác khiến Trung Quốc đưa tàu quay lại vùng biển Việt Nam, theo Lục Anh Tuấn, Đại học New South Wales Canberra, Australia, là do tình hình ở Hong Kong đang bất ổn. 

“Có thể Trung Quốc đẩy căng thẳng ở vùng nam Biển Đông của Việt Nam lên cao để giảm sự chú ý của dư luận quốc tế vào biểu tình ở Hong Kong”, chuyên gia Tuấn nói.

Lục Anh Tuấn cho biết chính trị nội bộ của Trung Quốc là một trong các yếu tố chính tác động đến hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.

Tại Hong Kong, các cuộc biểu tình từ tháng 6 nhằm phản đối dự luật dẫn độ, trong đó cho phép dẫn độ nghi phạm tới các khu vực chưa ký thỏa thuận, bao gồm cả Trung Quốc đại lục, đã khiến trung tâm tài chính toàn cầu này rơi vào khủng hoảng. Trung Quốc coi các cuộc biểu tình là “mầm mống khủng bố” và có động thái răn đe khi tổ chức diễn tập với xe bọc thép ở Thâm Quyến, sát với Hong Kong. Nhiều nước đã bày tỏ lo ngại về diễn biến ở Hong Kong. Tổng thống Mỹ Trump hôm 18/8 còn cảnh báo nếu Trung Quốc sử dụng vũ lực với người biểu tình, đàm phán thương mại hai nước sẽ bị tổn hại.

Chuyên gia Tuấn cũng nhắc tới nguy cơ Trung Quốc đặt giàn khoan ở vùng nam Biển Đông của Việt Nam nhưng “không phải trong tương lai gần”. Trung Quốc không muốn đẩy tình hình đi quá xa, mà khôn khéo thực hiện ý đồ dần dần. Trước khi Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN vào 2020, Trung Quốc sẽ không “tạo cớ” để Hà Nội kêu gọi các nước ASEAN đạt đồng thuận về vấn đề Biển Đông trong các cuộc họp cấp cao vào năm tới. Bắc Kinh cũng không muốn Mỹ và đồng minh có thêm lý do để tăng hoạt động ở Biển Đông.

Ông Tuấn nhận định tàu khảo sát Địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc sẽ không ở lại vùng biển của Việt Nam quá lâu vì cần tiếp nhiên liệu và xử lý các vấn đề hậu cần khác. Trong dài hạn, Trung Quốc sẽ điều các tàu đến rồi đi, tiếp tục thách thức các lực lượng của Việt Nam ở Biển Đông. Ông lưu ý các lực lượng chấp pháp trên biển của Việt Nam cần kiềm chế, tránh để Trung Quốc lặp lại kịch bản ở bãi cạn Scarborough năm 2012. Khi đó, Bắc Kinh đã đẩy căng thẳng lên cao và chiếm bãi cạn của Philippines.

Theo Hiebert, khi Trung Quốc tỏ rõ thái độ coi thường luật pháp quốc tế, các nước ASEAN và các đối tác khác như Mỹ, Nhật Bản có thể tính đến việc trừng phạt các công ty liên quan của Trung Quốc.

“Lực lượng dân quân tham gia ngăn cản tàu của Việt Nam ở nam Biển Đông là lực lượng của nhà nước Trung Quốc và cả các công ty tư nhân. Họ có thể bị đưa vào danh sách cấm kinh doanh với các nước để cho thấy sự phản đối của cộng đồng quốc tế”, Hiebert nói.

Giáo sư John Blaxland miêu tả cách Trung Quốc dùng các tàu khảo sát trên Biển Đông là một cách “bất chấp” để đòi yêu sách của mình, dần dần biến những đòi hỏi trở thành “chính đáng”. Cách hành xử của Bắc Kinh cho thấy sự tác động lớn và dài hạn với trật tự quốc tế.

“Với Việt Nam, việc Hà Nội thể hiện sự kiên trì chống lại các hoạt động của Trung Quốc là điều rất quan trọng. Với các nước khác, cần cho thấy sự thống nhất và quyết tâm phản đối”, Blaxland nhấn mạnh.

Tùng Lâm 

Bài mới
Đọc nhiều