+
Aa
-
like
comment

Ý định thực sự của Tổng thống Putin trong việc thiết lập liên minh Nga – Trung?

17/12/2020 15:07

Chuyên gia Dmitri Trenin cho rằng, ý định đằng sau phát biểu của ông Putin về liên minh Nga – Trung là Matxcơva muốn kiểm tra chính quyền ông Joe Biden tới đây.

Hôm 22/10, phát biểu trước cuộc họp các chuyên gia trong và ngoài nước về các vấn đề của Nga, Tổng thống Vladimir Putin lần đầu công khai đề cập đến khả năng hình thành một liên minh quân sự Nga – Trung. Theo ông Putin, Matxcơva không nhất thiết phải liên minh quân sự với Bắc Kinh song “trên lý thuyết, điều đó là hoàn toàn có thể”.

Nhận định về vấn đề này, trả lời phỏng vấn Nikkei Asia, Giám đốc Trung tâm Carnegie Moscow, Dmitri Trenin – chuyên gia hàng đầu về ngoại giao của Nga với nhiều năm kinh nghiệm quân sự ở Liên Xô cũ và Nga, cho rằng Tổng thống Putin muốn gửi tín hiệu đến Mỹ, rằng Washington không nên gia tăng căng thẳng với Matxcơva và Bắc Kinh.

Ý định thực sự của Tổng thống Putin trong việc thiết lập liên minh Nga - Trung? - 1
Chuyên gia cho rằng, ý định thật sự của gợi mở về liên minh quân sự Nga -Trung mà Tổng thống Vladimir Putin đưa ra là “đòn gió” để kiểm tra chính quyền Biden tới đây.

“Mặc dù Nga và Trung Quốc không có khả năng thành lập một liên minh quân sự, nhưng ông Putin muốn gửi đi tín hiệu rằng Washington nên nhận thức và thận trọng hơn trong quan hệ với Matxcơva và Bắc Kinh”, chuyên gia Dmitri Trenin cho hay.

Giám đốc Trung tâm Carnegie Moscow cũng cho rằng, cơ hội Mỹ cải thiện quan hệ với Nga và Trung Quốc dưới thời chính quyền Joe Biden là thấp. Ông Biden sẽ đưa ra những tuyên bố cứng rắn về các vấn đề bị Tổng thống đương nhiệm Donald Trump phớt lờ, chẳng hạn như dân chủ và nhân quyền, đồng thời “tiếp tục các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga vì nhiều lý do”.  Washington sẽ yêu cầu Matxcơva nhượng bộ nhiều hơn để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.

Tuy nhiên, ông Dmitri Trenin cho biết, Nga và Trung Quốc khó có khả năng tiến tới một liên minh quân sự vì Matxcơva muốn là “một bên độc lập”.

“Nếu căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng, rõ ràng chia cắt thế giới thành hai bên. Nga sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc gia nhập phe do Trung Quốc đứng đầu và thực tế rơi vào tình trạng lệ thuộc”, chuyên gia chuyên gia Dmitri Trenin nói và cho biết “kịch bản này là hoàn toàn bất lợi cho Nga”.

Nếu ông Biden áp dụng cách tiếp cận theo hướng xoa dịu căng thẳng Mỹ – Trung, Nga sẽ ở vào vị thế khó khăn. Bởi khi đó, Mỹ và châu Âu sẽ tiếp tục gia tăng sức ép, tăng cường các lệnh trừng phạt đối với Matxcơva, trong khi Bắc Kinh sẽ cân nhắc kỹ trước khi tăng cường quan hệ với Matxcơva. Theo Dmitri Trenin, bối cảnh đó khiến “Nga sẽ phải đưa ra những quyết định khó khăn về cả địa chính trị và chính sách kinh tế”.

Sau khi giải quyết tranh chấp biên giới kéo dài ở Viễn Đông, Nga và Trung Quốc đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác sâu rộng trên nhiều mặt trận. Thế nhưng, chuyên gia Dmitri Trenin lưu ý, Biden coi mối quan hệ Nga – Trung là “không tự nhiên và không vững chắc”. “Tổng thống đắc cử của Mỹ nhận thức rằng Trung Quốc coi thường Nga và sử dụng quan hệ với Matxcơva để làm lợi thế cho mình”, ông Dmitri Trenin nói.

Về vấn đề quân sự, nếu quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc và giữa Mỹ và Nga tiếp tục xấu đi, thì có thể xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á. “Cạnh tranh ở châu Á có thể xảy ra vì Washington muốn duy trì ưu thế quân sự trước Matxcơva và Bắc Kinh. Mỹ sẽ dừng việc phát triển tên lửa tầm ngắn và tầm trung trong khu vực chỉ khi Trung Quốc thực sự nhượng bộ”, chuyên gia Dmitri Trenin nhận định.

(Theo Nikkei Asia)

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều