+
Aa
-
like
comment

Xung đột Nga – Ukraine: Tác động như nào đến thị trường xăng dầu Việt Nam?

Diệu Hương - 28/02/2022 15:29

Nền kinh tế thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng vẫn đang hồi phục sau Covid-19, song lại phải đối mặt với những mối rủi ro mới khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine. Mối quan hệ căng thẳng làm đẩy giá xăng dầu tăng cao và gây áp lực chồng chất lên các Chính phủ vốn đang phải vật lộn với lạm phát gia tăng.

Quan hệ Nga – Ukraine tác động lên thị trường năng lượng thế giới

Chuyên gia kinh tế nhận định, quan hệ căng thẳng giữa Nga – Ukraine thời gian qua đã tác động trực tiếp đến giá cả nhiều mặt hàng, trong đó nóng nhất phải kể đến nhiên liệu. Có thể thấy, tính từ đầu năm đến nay, giá dầu thô đã tăng hơn 20% và tăng hơn 80% kể từ đầu năm 2021. Tính đến 8h00’ ngày 26/2/2022, mức giá dầu thô và dầu Brent đang được giao dịch ở ngưỡng lần lượt là 91,9 USD/thùng và 94,1 USD/thùng. Trước đó, ngày 24/02/2022, quan hệ căng thẳng giữa Nga và Ukraine đã làm tăng giá trên 100 USD/thùng lần đầu tiên kể từ năm 2014, với giá dầu Brent chạm 105 USD, trước khi kết thúc giao dịch. Quay lại thời điểm tháng 4/2020, khi dầu sản xuất thừa mứa và xuống mức giá -40 USD/thùng, diễn biến của những ngày qua thật sự khó tưởng tượng.

Giới phân tích thị trường nhận định, sự leo thang trong căng thẳng giữa Nga và Ukraine đã tiếp sức cho thị trường dầu mỏ đang tăng do nguồn cung khan hiếm trước nhu cầu hồi phục sau đại dịch Covid-19. Bởi Nga là nhà sản xuất dầu lớn thứ ba trên thế giới cũng xuất khẩu khoảng 5 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, chiếm khoảng 12% kim ngạch thương mại toàn cầu. Nga cũng là nhà sản xuất khí đốt tự nhiên hàng đầu, khách hàng lớn nhất của nước này là châu Âu, lục địa đang phải vật lộn với chi phí sưởi ấm gia đình rất cao trong mùa Đông. Do vậy bất kỳ dòng chảy dầu nào của Nga bị gián đoạn do khủng hoảng, giá dầu có thể “dễ dàng” vọt lên 120 USD/thùng. Trường hợp xuất khẩu dầu của Nga bị giảm một nửa, giá dầu thô sẽ tăng lên 150 USD/thùng. Và theo tính toán, với mức giá dầu trên 100 USD/thùng chắc chắn sẽ là một trở ngại lớn cho đà phục hồi của nền kinh tế, đặc biệt đáng ngại trong bối cảnh kinh tế các nước chưa hồi phục sau thời gian dài tổn thương vì đại dịch.

Giá xăng dầu tăng cao đe dọa tốc độ phục hồi của kinh tế Việt Nam hậu Covid-19

Với Việt Nam, giá xăng dầu trong nước chắc chắn chịu tác động trực tiếp từ diễn biến này. Giá dầu thô tăng sẽ có những tác động vừa tích cực, vừa tiêu cực tới kinh tế Việt Nam, nhưng ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn.

Ở mặt tích cực, giá dầu thô tăng giúp thu ngân sách và các khoản thu thuế từ xăng dầu tăng. Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy thu từ dầu thô tháng 1-2022 ước tính đạt 3.900 tỉ đồng, tăng gần 45% so với cùng kỳ năm trước. Số thu từ thuế xuất nhập khẩu xăng dầu trong thời gian này cũng tăng gần 17%. Nhiều công ty ngành dầu khí cũng hưởng lợi từ giá dầu thô tăng.

Ở chiều ngược lại, thị trường xăng dầu thế giới sốt nóng đã tác động ngay tới giá bán lẻ xăng dầu trong nước, từ đó tạo áp lực đối với sản xuất và tiêu dùng cũng như tăng trưởng kinh tế, trong bối cảnh Việt Nam đang mở cửa trở lại và trên đà phục hồi kinh tế sau thời gian ảnh hưởng từ dịch bệnh. Hiện Việt Nam đang nhập khẩu khoảng 30% – 40% mặt hàng xăng dầu tùy loại. Có thời điểm con số này còn cao hơn khi các nhà máy lọc hóa dầu trong nước gặp sự cố như: sửa chữa, bảo dưỡng, giảm sản lượng. Trong khi nền kinh tế Việt Nam có chi phí xăng dầu chiếm tới gần 4% trong tổng chi phí sản xuất. Riêng lĩnh vực vận tải, chi phí xăng dầu là 35 – 40%. Điều đó cho thấy giá xăng dầu tác động lớn tới tăng trưởng kinh tế. Theo các chuyên gia, khi giá xăng dầu tăng 10% sẽ làm tổng sản phẩm quốc nội GDP giảm khoảng 0,5%, đây là mức giảm khá lớn.

Ngoài ra, giá xăng dầu tăng cao còn tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, tăng giá hàng hóa trong khâu lưu thông, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước và tạo áp lực lên lạm phát. Đặc biệt, giá xăng dầu tăng cao, người dân sẽ cắt giảm một phần chi tiêu, làm giảm tổng cầu của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, giá xăng dầu liên tục tăng cao sẽ làm giảm hiệu quả và có thể vô hiệu hoá chính sách tài khoá, chính sách thuế đang triển khai, nhằm kích cầu tiêu dùng, kích thích tăng trưởng và giảm áp lực lạm phát. Điều này dẫn tới không đạt được mục tiêu tăng trưởng, thất thu ngân sách nhưng lạm phát vẫn gia tăng.

Giải pháp bình ổn thị trường trong nước

Xăng dầu có tầm quan trọng đối với sản xuất và tiêu dùng của nền kinh tế, dự báo giá xăng dầu tiếp tục tăng, đứng ở mức cao và thiết lập mặt bằng giá mới trong năm 2022. Do vậy, để giảm áp lực lạm phát, phấn đấu tăng trưởng cả năm đạt từ 6 đến 6,5% theo mục tiêu của Quốc hội đề ra, thì bắt buộc phải tránh tăng giá đột biến các mặt hàng thiết yếu, trong đó có xăng, dầu.

Vấn đề là dư địa để điều hành giá xăng dầu trong nước còn không? Khi mà Quỹ bình ổn giá xăng dầu ở nhiều đầu mới lớn đã liên tục âm sâu từ lâu. Một số đầu mối hiện vẫn đang còn phải vay mượn từ quỹ này hàng trăm tỷ đồng để điều hành kìm đà tăng mạnh giá xăng dầu.

Giới phân tích chỉ ra rằng: Chỉ còn công cụ duy nhất là điều chỉnh thuế và phí. Hiện các loại thuế, phí đang chiếm tới hơn 40% trong cơ cấu giá thành sản phẩm xăng dầu.

Tại Thái Lan, để giảm sự ảnh hưởng giá dầu ở mức cao đối với hàng hóa tiêu dùng và vận tải, tại một thị trường khu vực lân cận với ta, ngày 22/02/2022, Nội các Thái Lan đã thông qua việc cắt giảm gần 50% mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng dầu diesel trong thời hạn 3 tháng còn ở mức 3 bạt/lít từ mức 5,99 bạt/lít đến hết ngày 20/5/2022.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo về việc điều chỉnh giá xăng dầu

Với Việt Nam, đứng trước tình trạng giá xăng dầu tăng quá cao, tác động trực tiếp đến đà phục hồi của nền kinh tế hậu Covid-19, mới đây Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ Công Thương và Bộ Tài chính tính toán đề xuất phương án giảm thuế nhằm giảm giá xăng dầu, góp phần giảm áp lực về giá, vừa khuyến khích tiêu dùng sản phẩm thân thiện với môi trường nhờ giá cạnh tranh hơn. Đây là sự chỉ đạo kịp thời, đúng mong muốn của doanh nghiệp và người dân.

Về phía Liên Bộ Công Thương và Tài chính, trong thời điểm cuộc chiến Nga – Ukraine diễn biến phức tạp, giá xăng dầu thế giới có thể tiếp tục tăng thêm, tác động tiêu cực đến giá bán xăng dầu trong nước, cần chủ động bám sát diễn biến thị trường xăng dầu thế giới để có giải pháp ứng phó linh hoạt, tránh tạo áp lực cho nền kinh tế, doanh nghiệp và mỗi người dân, để cảnh khó trồng khó, nhất là đối với chính các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh phân phối xăng dầu. Đồng thời nâng cao năng lực khai thác, lọc hóa dầu trong nước nhằm giảm thiểu tác động xấu đến tăng trưởng và lạm phát của năm 2022 và các năm tiếp theo.

Diệu Hương

Bài mới
Đọc nhiều