Xung đột Nga – Ukraine dấy lên nỗi lo về khủng hoảng toàn cầu
“Thứ rõ nhất khiến người Mỹ cảm nhận được cái giá của cuộc xung đột Nga – Ukraine có thể chính là giá năng lượng, đặc biệt giá xăng tại các cây xăng” – trang Axios viết.
Theo Hãng tin Bloomberg ngày 28-2, trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine, các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga làm dấy lên nỗi lo về một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu. Những ngày qua giá dầu thô thế giới đã tăng vọt.
Giá dầu Brent giao sau đã tăng hơn 7% trước khi giảm nhẹ trở lại mức 103 USD/thùng. Trước cuộc xung đột Nga – Ukraine, nguồn cung dầu vốn đã gặp căng thẳng do nhu cầu tăng lên khi các nền kinh tế dần phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Giờ đây bất kỳ sự gián đoạn nào đối với dòng chảy dầu từ Nga – nhà sản xuất dầu lớn thứ 3 và xuất khẩu dầu lớn thứ 2 thế giới – đều có thể làm trầm trọng thêm tình hình.
Theo Bloomberg, Trung Quốc và nhiều bên mua khác đã tạm dừng mua dầu Urals – loại dầu thô hàng đầu của Nga.
Trong khi đó, một số khách hàng châu Á đang tìm cách mua thêm dầu thô từ Trung Đông. Cuối tuần trước, các nước phương Tây còn loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu SWIFT.
Ông Andy Lipow, chủ tịch của hãng tư vấn Lipow Oil Associates ở Houston (Mỹ), bình luận: “Việc loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu SWIFT có thể dẫn đến gián đoạn nguồn cung dầu, khi bên mua và bên bán cố gắng tìm cách điều chỉnh các quy tắc mới”.
Ngoài vụ SWIFT, việc gã khổng lồ năng lượng Anh BP bất ngờ cho biết sẽ rút khỏi công ty dầu khí Rosneft của Nga (bằng cách bán 19,75% cổ phần của họ tại Rosneft) là dấu hiệu mới nhất cho thấy phương Tây sẵn sàng trừng phạt mạnh tay Matxcơva để đáp trả chiến dịch quân sự do Tổng thống Vladimir Putin phát động ở Ukraine.
Theo Bloomberg, cuộc xung đột Nga – Ukraine đã làm chao đảo các thị trường từ năng lượng đến kim loại và ngũ cốc, gây thêm áp lực lạm phát lên nền kinh tế toàn cầu vốn đã bị ảnh hưởng do giá cả gia tăng.
“Thứ rõ nhất khiến người Mỹ cảm nhận được cái giá của cuộc xung đột Nga – Ukraine có thể chính là giá năng lượng, đặc biệt là giá xăng tại các cây xăng” – trang Axios viết.
Trong bối cảnh biến động nhanh chóng như vậy, OPEC + (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ – OPEC – và các đối tác) sẽ đối mặt với nhiệm vụ phức tạp hơn bình thường khi họ nhóm họp vào ngày 2-3 để thảo luận về chính sách cung ứng cho tháng 4.
Theo các quan chức, bất chấp xung đột Nga – Ukraine, OPEC + có thể sẽ bám sát kế hoạch tăng dần sản lượng dầu của họ.
Theo số liệu của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), sản lượng dầu của Nga là 11,3 triệu thùng mỗi ngày vào tháng 1 năm nay.
Tuần trước, IEA đã cam kết sẽ giúp đảm bảo an ninh năng lượng toàn cầu, còn Ấn Độ cho biết họ sẽ ủng hộ các sáng kiến “xả” kho dầu dự trữ khẩn cấp để giúp bình ổn giá cả.
Khai Tâm