Xung đột biên giới Trung – Ấn: Yếu tố Nga bất ngờ xuất hiện giữa các căng thẳng
Diễn biến căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ hé lộ nhiều tín hiệu mới sau các xung đột biên giới hồi tháng Sáu.
Theo báo cáo truyền thông Ấn Độ, các Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc và Ấn Độ dự kiến sẽ đến Nga vào ngày 2/9 trong bối cảnh hai nước tồn tại nhiều căng thẳng về vấn đề xung đột biên giới trong thời gian gần đây.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Wei Fenghe và lãnh đạo đồng cấp Ấn Độ Rajnath Singh sẽ tham gia cuộc gặp thường niên giữa các bộ trưởng quốc phòng trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Ông Singh và ông Wei cùng tham gia các cuộc gặp do Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu chủ trì mặc dù chưa có bất kỳ kế hoạch đàm phán bên lề giữa Ấn Độ và Trung Quốc.
Sáng ngày 2/9, tờ Economic Times của Ấn Độ trích dẫn nguồn tin chính phủ của Ấn Độ cho hay, cuộc gặp dự kiến sẽ diễn ra khi Ấn Độ và Trung Quốc tham gia vòng đàm phán ngoại giao và quân sự về vấn đề tranh chấp biên giới Pangong Tso (diễn ra vào cuối tuần trước) cùng với các căng thẳng quân sự tại thung lũng Galwan khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng hồi tháng giữa tháng Sáu.
Theo trang SCMP, trong khi Ấn Độ cáo buộc Trung Quốc có các động thái quân sự khiêu khích thì Bắc Kinh lại tố New Delhi đã vượt qua biên giới trái phép và vi phạm lãnh thổ thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và lãnh đạo đồng cấp Ấn Độ đã lên tiếng kêu gọi hai nước nên bình tĩnh và đối thoại sau các báo cáo đầu tiên về tình hình bế tắc tại Pangong Tso.
“Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ đã nói rằng Trung Quốc đã thể hiện các động thái khiêu khích mới ở bờ nam Pangong Tso vào hôm thứ Hai và nhấn mạnh khả năng New Delhi có thể ngăn chặn các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng này”, một tuyên bố đưa ra vào tối thứ Ba.
Các hành động diễn ra ngay cả khi giới lãnh đạo quân sự Trung Quốc và Ấn Độ tổ chức các cuộc đàm phán giảm leo thang căng thẳng vào ngày 31/8 tại Chushul, thông cáo Ấn Độ cho biết.
Madhav Nalapat, một giáo sư địa chính trị tại Đại học Manipal nói rằng ông không hề mong đợi các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và Ấn Độ hay có sự tham gia với vai trò trung gian của Nga để giải quyết bế tắc hiện tại.
“Không giống với Trung Quốc, các cuộc đám phán ngoại giao của Ấn Độ sẽ chiếm ưu thế hơn các cuộc đàm phán quân sự. Ấn Độ là một siêu cường toàn cầu – chỉ điều này giống với Trung Quốc. Chỉ khi Bắc Kinh hiểu điều này thì mới có thể điều chỉnh quan hệ với Delhi”, ông nói. Trong suốt cuộc họp trực tuyến ba bên giữa ba bộ trưởng ngoại giao sau vụ xung đột biên giới hồi tháng Sáu, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov từng nhấn mạnh rằng, quốc gia của ông sẽ không tham gia với tư cách là trung gian giải quyết mâu thuẫn giữa Ấn Độ và Trung Quốc.
Sau cuộc họp trực tuyến, cả ông Wei và ông Singh đã đến thăm Moscow tham gia cuộc diễu hành quân sự mặc dù các báo cáo nói rằng hai bên không gặp gỡ thêm một lần nào nữa.
“Tổng thống Nga Vladimir Putin có khả năng sẽ thăm Trung Quốc trong tháng này, tuy nhiên chưa có lịch trình cụ thể”, Bộ Ngoại giao nước Nga thông báo hôm thứ Sáu tuần trước.
“Yếu tố hạt nhân”
Theo hãng CNN, trong bất kỳ xung đột nào giữa Trung Quốc và Ấn Độ thì phần lớn các nguyên nhân dự đoán đều liên quan đến khả năng hạt nhân hai nước.
Bởi chính sách quy định “không tiếng súng” nơi biên giới nên xung đột quân sự hồi tháng Sáu dường như là hồi chuông cảnh báo tín hiệu hạt nhân có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Cả hai nước liên tục thúc đẩy phát triển sức mạnh quân sự và có nhiều tên lửa cũng như các vũ khí được bố trí xung quanh khu vực biên giới.
Nhà phân tích Toby Dalton và Tong Zhao từng mô tả xung đột giữa Trung Quốc và Ấn Độ là cuộc đối đầu quân sự nghiêm trọng nhất mà hai siêu cường hạt nhân phải đối mặt trong suốt 50 năm.
“Nếu quan hệ giữa hai nước láng giềng rơi vào kỷ nguyên cạnh tranh gay gắt hơn thì câu hỏi đặt ra: Liệu vũ khí hạt nhân có đóng vai trò nổi bật hơn nếu mỗi nước tìm cách định hình hành vi của nhau?”, ông nói.
Không giống xung đột giữa Ấn Độ và Pakistan – vốn thường nhắc đến khả năng bùng phát chiến tranh hạt nhân, trong thời gian dài, vấn đề vũ khí nguyên tử hầu như không có trong tranh chấp giữa Trung Quốc và Ấn Độ.
“Vũ khí hạt nhân là vấn đề vẫn nằm trong bóng tối, kể cả thời kỳ bế tắc ở biên giới năm 2020”, ông Dalton và Zhao cho biết. “Tuy nhiên, tín hiệu ngày nay đã khác, đặc biệt khi Bắc Kinh và New Delhi đều đang cải thiện kho vũ khí hạt nhân và quân đội thông thường của họ bất chấp các chính sách hạn chế hạt nhân vẫn được nêu ra trong các đàm phán”.
Điều này nhấn mạnh một thực tế đáng lo ngại rằng bởi vì chiến lược hạt nhân Trung Quốc thúc đẩy cân bằng với Mỹ nên nước này bỏ qua các tác động của Bắc Kinh với Ấn Độ xung quanh các vấn đề liên quan đến xung đột biên giới.
“Việc thiếu hiểu biết về nhận thức mối đe dọa của New Delhi, không quan tâm đến giải quyết các lo ngại an ninh của Ấn Độ và nỗ lực tăng cường hạt nhân đang dần hé lộ chiến lược của Delhi giải quyết các xung đột”, hai nhà phân tích cho biết.
Ngọc Minh/TQ