+
Aa
-
like
comment

Xung đột biên giới Trung-Ấn: 2 bên đều có sự chuẩn bị cho tình huống xấu nhất

10/09/2020 10:00

Ấn Độ và Trung Quốc đều không muốn nguy cơ chiến tranh xảy ra, nhưng cả hai bên đều đã có sự chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.

Xung đột biên giới Trung-Ấn: 2 bên đều có sự chuẩn bị cho tình huống xấu nhất
Một lính Ấn Độ làm nhiệm vụ ở biên giới trên dãy Himalaya. Ảnh: DPA.

Trong bối cảnh quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ ngày càng leo thang căng thẳng, với một số cuộc đụng độ tại khu vực biên giới nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua, nhiều chuyên gia cảnh báo hai quốc gia có vũ trang hạt nhân này có thể vô tình rơi vào chiến tranh.

Vụ nổ súng đầu tiên trong nhiều thập kỷ qua

Trung Quốc và Ấn Độ ngày 8/9 cáo buộc lẫn nhau nổ súng trước, vi phạm các thỏa thuận song phương và thực hiện “hành vi khiêu khích”, trong một cuộc đối đầu mới nhất ở khu vực biên giới trên dãy Himalaya.

Ông Zhang Shuili, phát ngôn viên Quân khu miền tây của Trung Quốc cho rằng, quân Ấn Độ đã vi phạm thỏa thuận vì vượt qua đường kiểm soát thực tế (LAC) để tiến vào vùng núi Shenpa, nằm gần bờ phía nam của sông Pangong Tso. Phía Trung Quốc cũng cáo buộc quân đội Ấn Độ bắn một số phát súng cảnh cáo khi quân Trung Quốc đến hiện trường.

Ngay sau đó, Ấn Độ đã bác bỏ cáo buộc của Trung Quốc, và cho rằng đây là nỗ lực của Bắc Kinh nhằm “đánh lừa người dân Trung Quốc và dư luận quốc tế”. New Dehli tuyên bố đã “hết sức kiềm chế và hành xử một cách có trách nhiệm”, đồng thời cáo buộc Trung Quốc “vi phạm các thỏa thuận và thực hiện những hành vi gây hấn”.

Theo CNN, Trung Quốc và Ấn Độ đã tranh giành quyền kiểm soát khu vực xung quanh hồ Pangong Tso kể từ cuộc chiến biên giới năm 1962. Đường kiểm soát thực tế (LAC), đi qua hồ nước này, ngăn cách lãnh thổ do Ấn Độ kiểm soát và lãnh thổ do Trung Quốc kiểm soát, được thiết lập sau cuộc xung đột đầu tiên.

Mặc dù LAC xuất hiện trên bản đồ nhưng cả hai nước đều không thống nhất về vị trí chính xác của đường biên giới này và thường xuyên cáo buộc phía bên kia tìm cách vượt qua ranh giới, âm mưu mở rộng lãnh thổ. Năm 1996, hai nước đã ký một thỏa thuận về việc không nổ súng trong bán kính 2km tính từ LAC.

Harsh V. Pant – chuyên gia nghiên cứu quan hệ quốc tế tại Đại học King’s College ở London cho biết: “Đây là lần đầu tiên xảy ra vụ nổ súng dọc biên giới Trung-Ấn kể từ năm 1975”.

Trong suốt 45 năm qua, một loạt các thỏa thuận, bằng cả văn bản lẫn phi văn bản đã giúp duy trì lệnh ngừng bắn dọc khu vực biên giới giữa hai nước trên dãy Himalaya.

Những động thái và các vụ đụng độ mới nhất đã khiến tình hình trở nên khó lường, làm gia tăng nguy cơ xảy ra tính toán sai lầm từ cả hai phía và điều này có thể kéo theo hậu quả nghiêm trọng vượt ra khỏi khu vực xa xôi hẻo lánh này.

Cựu tướng quân đội D.S.Hooda, người từng dẫn đầu Bộ Chỉ huy phía Bắc của quân đội Ấn Độ giai đoạn 2014-2016 đánh giá: “Tình hình trên thực tế rất nguy hiểm và có thể vượt khỏi tầm kiểm soát. Rất nhiều thứ sẽ phụ thuộc vào việc hai bên có khả năng kiểm soát tình hình bất ổn và đảm bảo rằng xung đột sẽ không lan sang các lĩnh vực khác hay không”.

Còn chuyên gia Harsh V. Pant cho rằng, căng thẳng ở biên giới Trung-Ấn sẽ trở thành một “thông lệ mới”. “Sự tin tưởng trong quan hệ song phương đã bị bào mòn. Tình hình ở LAC vẫn sẽ có nhiều biến động trong thời gian tới nếu không có một giải pháp lâu dài cho vấn đề. Các mô hình cũ và những khuôn khổ cũ hơn đã bị phá vỡ, không có một khuôn khổ mới nào vào lúc này khi hai bên đang phải đối mặt với thực tế khắc nghiệt”.

Hai “gã khổng lồ” châu Á này đã tổ chức nhiều vòng đàm phán, chủ yếu có sự tham gia của các chỉ huy quân sự nhưng đều không thu được kết quả. Trong một dấu hiệu cho thấy các cuộc đàm phán chuyển hướng sang cấp độ chính trị, các Bộ trưởng Quốc phòng hai nước đã gặp nhau tại thủ đô Moscow của Nga vào tuần trước để chấm dứt sự bế tắc. Đây là cuộc gặp trực tiếp cấp cao đầu tiên giữa hai bên kể từ khi xung đột xảy ra tại khu vực Ladakh cách đây 4 tháng.

“Cả hai bên đã có sự chuẩn bị”

Nhà phân tích Aparna Pande của tờ ThePrint cho rằng, bất chấp các cuộc đối thoại, thảo luận hay gây sức ép về kinh tế, New Delhi khó có thể khiến Bắc Kinh lùi bước.

Ấn Độ không phải là một thị trường quá lớn để làm lung lay các tập đoàn kinh tế của Trung Quốc. Mặc dù quan hệ giữa New Delhi với Mỹ, Australia và Nhật Bản ngày càng được tăng cường trong thời gian gần đây, nhưng điều đó dường như không ảnh hưởng nhiều đến cách thức Bắc Kinh thực hiện chính sách đối ngoại.

Trong nhiều thập kỷ qua, Trung Quốc đã xây dựng một nền kinh tế mạnh mẽ, hiện đại hóa quân đội, xây dựng cơ sở hạ tầng chiến lược trên bộ và trên biển, và củng cố lãnh thổ sát biên giới với Ấn Độ.

Nhiều thành viên của cộng đồng nghiên cứu chiến lược của Ấn Độ, trong đó có các nhà phân tích quốc phòng và các tướng lĩnh đã nghỉ hưu cho rằng, quân đội Trung Quốc đang mở những mặt trận mới, làm gia tăng sự ngờ vực và trì hoãn việc rút quân trước mùa đông khi nhiệt độ trong khu vực có thể hạ xuống – 50 độ C. Về phần mình, Ấn Độ được cho là đã triển khai thêm binh sỹ cùng nhiều khí tài quân sự tới các khu vực trọng yếu ở biên giới.

Wang Lian, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc nhận định khả năng xảy ra chiến tranh công khai rất khó xảy ra vì cả hai bên đều tỏ ra kiềm chế trong các cuộc chạm trán gần đây. Song ông nói thêm, New Dehli một mặt đang phải chịu sức ép từ luồng dư luận chống Trung Quốc ở trong nước, mặt khác đang được khuyến khích bởi những biện pháp cứng rắn hơn của Mỹ đối với Bắc Kinh. Ông cho rằng Ấn Độ sẽ không đi xa tới mức tham gia vào một cuộc xung đột lớn hơn với Trung Quốc, nhưng nhấn mạnh “cả hai bên đã có sự chuẩn bị”.

Cùng chung quan điểm này, ông Hooda cho rằng, mặc dù không bên nào mong muốn xảy ra một cuộc chiến toàn diện song “tai họa thực sự” là sự đổ vỡ của những thỏa thuận và giao thức hiện có.

Nguy cơ xung đột trên 3 mặt trận

Một vấn đề đáng quan tâm khác của quân đội Ấn Độ là tranh chấp lãnh thổ kéo dài hàng thập kỷ giữa nước này với Pakistan – một đồng minh chủ chốt của Trung Quốc, ở khu vực Kashmir. Các nhà hoạch định chính sách quân sự của Ấn Độ nói rằng nếu một cuộc xung đột toàn diện nổ ra giữa Ấn Độ và Trung Quốc, Islamabad có thể đứng sau ủng hộ Bắc Kinh, tạo ra một tình huống thậm chí còn nguy hiểm hơn cho New Delhi.

Tướng Bipin Rawat, Tham mưu trưởng Quốc phòng Ấn Độ, tuần trước cảnh báo Pakistan không nên lợi dụng cuộc khủng hoảng giữa Ấn Độ với Trung Quốc để đạt được lợi ích. “Pakistan có thể lợi dụng bất cứ mối đe dọa nào đang phát triển dọc theo các biên giới ở phía bắc của Ấn Độ và tạo ra rắc rối cho chúng tôi”, ông Rawat nói. Quan chức này cũng cảnh báo Pakistan có thể “chịu hậu quả nặng nề nếu cố gắng thực hiện bất kỳ hành vi sai trái nào”.

Pravin Sawhney, nhà phân tích quốc phòng của Ấn Độ, cho biết: “Chúng ta đang bước vào một giai đoạn rất khó khăn. Trong trường hợp chiến tranh nổ ra, Pakistan có thể tham gia. Đó sẽ là một cuộc xung đột ba mặt trận ”./.

Hồng Anh/VOV

Bài mới
Đọc nhiều