Xúc tiến, quảng bá du lịch Việt thời 4.0: Cái khó ”bó” cái khôn
Công tác xúc tiến, quảng bá là “câu chuyện dài kỳ” của du lịch Việt. Mặc dù lãnh đạo ngành vẫn khẳng định nhiệm vụ của việc này là hướng tới thị trường, thâm nhập thị trường và khai thác thị trường… nhưng đối với ngành dịch vụ tổng hợp đặc biệt như du lịch, thế vẫn chưa “đủ đô.”
Bởi theo các chuyên gia, việc thành lập, vận hành hiệu quả văn phòng đại diện tại các thị trường trọng điểm mới là quan trọng và cấp thiết trong giai đoạn này. Trong khi đó, đáng buồn là đến nay Tổng cục Du lịch Việt Nam vẫn chưa có một văn phòng xúc tiến du lịch chính thức nào đặt ở nước ngoài.
Quảng bá du lịch: “phấn khởi” nhưng “vất vả”
Ngân sách các nước thường chi từ 60-100 triệu USD/năm cho công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, trong khi thực tế Việt nam chỉ chi khoảng 2 triệu USD/năm.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để thu hút được thêm du khách quốc tế với nguồn thu khoảng 1.000-5.000 USD/khách thì phải chi bỏ ra nhất 1 USD/khách cho công tác xúc tiến, quảng bá. Vậy để thu hút khoảng 20 triệu khách quốc tế theo kế hoạch năm 2020, toàn ngành phải chi tối thiểu 20 triệu USD.
Theo ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch quốc gia, thông thường ở các quốc gia có bộ máy quản lý để sử dụng Quỹ hỗ trợ du lịch sao cho chuyên nghiệp và hiệu quả nhất. Trong khi Việt Nam sử dụng cơ quan quản lý ở cả cấp Trung ương và địa phương nên nguồn quỹ tản mạn. Vì thế, cần phải có chiến lược về quảng bá và marketing, trong đó yếu tố con người là vô cùng quan trọng.
“Hội đồng Tư vấn Du lịch đã thu hút được 9 nhà tài trợ, mỗi nhà tài trợ đóng góp 5 tỷ đồng trong thời hạn ba năm. Cho đến nay, chúng tôi có 45 tỷ đồng. Chúng tôi muốn thu hút thêm các nhà tài trợ để tăng sự đóng góp cho quỹ này. Để các doanh nghiệp tin tưởng và đóng góp tiền không dễ, chúng tôi phải tuân theo ba tôn chỉ: tính minh bạch, tính chuyên nghiệp và tính hiệu quả đều phải rất cao,” ông Chính chia sẻ.
Tiền ít, chi tiêu lại phân tán, cách làm cũ, thành ra xúc tiến, quảng bá du lịch của Việt Nam thường lâm vào cảnh cái khó “bó” cái khôn.
Mỗi năm, Tổng cục Du lịch cũng tham dự hàng chục hội chợ du lịch quốc tế để quảng bá, thế nhưng cách làm truyền thống này hiệu quả không cao. Bởi giữa thời đại bùng nổ cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Tổng cục Du lịch cần giữ vị thế “nhạc trưởng” và huy động sự chung tay của các đơn vị khác trong việc sử dụng những kênh quảng cáo hiện đại hơn như Google, Facebook, tận dụng tiếng nói của các nhân vật nổi tiếng, cần chuyên biệt hóa cho từng thị trường…
Ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch, Tổng cục Du lịch Việt Nam cho rằng, câu chuyện quảng bá xúc tiến du lịch của Việt Nam đang gói gọn trong hai từ: “phấn khởi” nhưng rất “vất vả.”
“Phấn khởi là vì trong thời gian gần đây với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, bộ, ngành và sự vận động của các doanh nghiệp, khách du lịch quốc tế và nội địa tăng trưởng tốt, doanh thu cũng như đóng góp vào GDP của ngành du lịch tăng. Tôi nghĩ tất cả đất nước vào cuộc trong công cuộc này, bao gồm cả các lĩnh vực văn hóa, du lịch, con người… trong đó có vai trò quan trọng của cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương, các địa phương và doanh nghiệp. Tuy nhiên, chúng ta còn vất vả vì hiện tính chuyên nghiệp chưa cao, kinh nghiệm chưa nhiều, kinh phí còn thấp, con người còn yếu…”
Các “bước đi” của cơ quan quản lý
“Khi tôi nói với các đối tác, bạn bè quốc tế là Việt Nam chưa có văn phòng xúc tiến du lịch chính thức nào ở các thị trường quốc tế, không ai tin cả. Tôi nghĩ rằng, tất cả các doanh nghiệp, những người làm du lịch ở Việt Nam đều mong muốn có mạng lưới văn phòng xúc tiến du lịch chính thức tại các nước. Như Thái Lan, Malaysia, Singapore… đều có 20-30 văn phòng xúc tiến du lịch tại các nước. Thậm chí Thái Lan có tới 4 văn phòng tại Nhật Bản, 5 văn phòng tại Trung Quốc, đó chính là các ‘chân rết’ của họ để thâm nhập thị trường,” ông Đinh Ngọc Đức chia sẻ.
Với trăn trở đó, trong lúc nguồn lực chưa có, cơ chế chưa có, đại diện Tổng cục Du lịch cho biết, lãnh đạo ngành đã triển khai nhiều cách. Thời gian qua, có nhiều đối tác, nhiều doanh nghiệp tiếp cận, đề nghị được làm đại diện du lịch Việt Nam tại các nước và lãnh đạo ngành đã xem xét, cân nhắc, và để thực sự hiệu quả thì cũng cần “đi từng bước.”
Thời gian qua, Tổng cục Du lịch cũng đã đề cử với Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vài cá nhân có tầm ảnh hưởng làm Đại sứ du lịch Việt Nam tại một số thị trường. Trong đó, ông Lý Xương Căn được chỉ định làm Đại sứ du lịch của Việt Nam tại Hàn Quốc. Sau đó ông Lý Xương Căn tự đề xuất được làm đại diện xúc tiến du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc.
Phía Việt Nam có ký thỏa thuận hợp tác ghi rõ kế hoạch các hoạt động mà ông Lý Xương Căn sẽ triển khai dưới vai trò đại diện xúc tiến du lịch của Tổng cục Du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc với sự giám sát, phối hợp của Tổng cục Du lịch. Theo đó, ông Lý Xương Căn cũng cam kết thành lập một văn phòng của đại diện xúc tiến du lịch Việt Nam. Kinh phí hoạt động, vận hành của văn phòng này hoàn toàn do ông Lý Xương Căn chịu trách nhiệm.
“Tháng 6 vừa qua, khi Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam sang tổ chức xúc tiến tại Hàn Quốc có đến khai trương văn phòng này. Đây là một trong những cách làm của chúng ta để hướng tới việc có nhiều văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam tại các nước, các thị trường,” đông Đức nói.
Hiện Tổng cục Du lịch cũng đang phối hợp với Hội đồng Tư vấn Du lịch xem xét, báo cáo Bộ để xin phê duyệt chủ trương cho thành lập văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam tại London (Anh) và sau đó là văn phòng tại Australia.
Chậm còn hơn không, lãnh đạo ngành hy vọng có thể đi từng bước, với khởi đầu là con số 0 tới con số 1, rồi dần dần công tác xúc tiến, quảng bá của Việt Nam sẽ thuận lợi hơn, chuyên nghiệp hơn và huy động được nhiều nguồn lực tốt hơn để khai thác các thị trường trọng điểm.
(Theo Vietnam )