Tính đến hết tháng 8, kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta đạt gần 500 tỉ USD. Dự báo xuất nhập khẩu cả năm 2022 sẽ đạt mốc 800 tỉ USD, phá kỷ lục của năm 2021.
Thực tế mấy tháng gần đây, hầu hết doanh nghiệp (DN) ngành này đều bày tỏ lo lắng về lạm phát ngày càng gia tăng ở các thị trường chính như Mỹ, EU, Nhật Bản… khiến sức mua giảm sút, hàng tồn kho tăng cao, đối tác giảm mua hàng. Thời điểm đó, lần đầu tiên ở Nhật Bản, các nhà bán lẻ điều chỉnh tăng giá bán khoảng 20%, các nhà nhập khẩu từ Việt Nam yêu cầu giảm tiến độ nhập hàng. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở EU và Mỹ khi tồn kho tăng và sức mua yếu. Các DN Việt Nam như ngồi trên đống lửa. Tuy nhiên, với nỗ lực rất lớn từ doanh nghiệp đến Chính phủ mọi chuyện đã thay đổi theo chiều hướng tích cực.
Tháng 8 ghi nhận sự tăng tốc trở lại của ngành thủy sản, đạt kim ngạch xuất khẩu 1 tỉ USD; tăng 6% so với tháng 7 và tăng tới 68% so cùng kỳ năm 2021. Sự tăng trưởng của ngành này trong tháng 8 có một ý nghĩa lớn vì đã lấy lại phong độ sau khi sụt giảm vào tháng 6 – 7.
Ngành dệt may cũng liên tục tự phá vỡ những kỷ lục hằng tháng của mình. Tổng cục Hải quan cho biết, trong 3 tháng gần đây, xuất khẩu dệt may tăng trưởng tốt và liên tiếp lập kỷ lục về giá trị. Đặc biệt trong tháng 8, lần đầu tiên giá trị xuất khẩu của ngành này đạt con số 4 tỉ USD, tăng 8,7% so với tháng trước. Dệt may đóng góp lớn thứ hai vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cả nước chỉ sau nhóm máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng. Dệt may kỳ vọng đạt mốc 45,7 tỉ USD trong năm 2022.
Bên cạnh đó, các mặt hàng dẫn đầu bản đồ kim ngạch xuất khẩu vẫn đang giữ được đà tăng trưởng vượt bậc trong 8 tháng như điện thoại các loại và linh kiện đạt 40 tỉ USD, tăng 13,5% so cùng kỳ năm trước…
Từ đầu năm đến nay, thị trường lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc đã siết chặt quy định nhập khẩu để chống dịch Covid-19. Thế nhưng, các DN đã nhanh chóng chuyển hướng và tận dụng các hiệp định thương mại thế hệ mới để gia tăng xuất khẩu. Một trong những thị trường được khai thác tốt là khu vực Trung Đông.
Một thị trường khác có sự tăng trưởng khá tốt là Úc. Theo VASEP, từ năm 2018 đến nay, xuất khẩu tôm sang Úc liên tục tăng trưởng dương từ 115 triệu USD năm 2018 lên 188 triệu USD năm 2021. Tính tới thời điểm hiện tại thì xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt xấp xỉ 200 triệu USD, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2021.
Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tương đương với 236% GDP. Con số này cho thấy độ mở của nền kinh tế Việt Nam rất cao. Ưu điểm là chúng ta dễ dàng hội nhập với thế giới, nhưng ngược lại rủi ro cũng lớn vì chúng ta xuất khẩu nhưng phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu nhiều. Thứ nữa là phần lớn giá trị xuất khẩu đến từ các DN đầu tư nước ngoài (FDI). Chính vì vậy, để phát triển ổn định hơn, Việt Nam cần phát triển lực lượng DN trong nước lớn mạnh; hỗ trợ DN Việt Nam khai thác tốt hơn nữa các FTA, đặc biệt là EVFTA (giữa EU và Việt Nam) và CPTPP. Các gói hỗ trợ cần phải thiết thực hơn bớt thủ tục phiền hà chồng chéo… Đặc biệt chú ý đến thị trường Ấn Độ, nền kinh tế sẽ đạt quy mô lên tới 5.000 tỉ USD vào năm 2027. Đây là thị trường đầy tiềm năng và có nhiều tương đồng với Việt Nam mà chúng ta có thể hợp tác để cùng phát triển.
Nhận xét về khả năng đạt kim ngạch xuất nhập khẩu 800 tỉ USD trong năm nay, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cấp cao Học viện Tài chính, phân tích:: “Tại Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng trưởng cao chứng tỏ hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn tốt. Điều này cho thấy sự năng động và linh hoạt của chính các DN. Có được kết quả này là do DN đã tận dụng tốt các FTA mang lại. Bên cạnh đó là sự điều hành chính sách vĩ mô của nhà nước đã hỗ trợ rất tốt cho hoạt động của DN. Năm nay, Bộ Công thương đã chỉ đạo các cơ quan tham tán thương mại ở nước ngoài liên tục tổ chức các hoạt động giao lưu, xúc tiến thương mại ở hầu hết các thị trường. Chưa khi nào mà các hoạt động này được tổ chức thường xuyên và rộng khắp như vậy. Việc này cũng góp phần tích cực vào sự tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam”.
Đồ họa: M.N