Xuất hoá đơn bán lẻ xăng dầu: Lợi ích nhân dân là cao nhất!
‘Rút thẻ đỏ’, ‘treo giò’ doanh nghiệp xăng dầu không thực hiện đúng quy định về hóa đơn điện tử là những yêu cầu rất mạnh mẽ được Thủ tướng chỉ đạo trong Công điện số 26/CĐ-TTg ngày 26/3/2024 về việc tăng cường các biện pháp quản lý mặt hàng xăng dầu, thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.
Hồi chuông cuối cho các doanh nghiệp còn cố tình “chây ỳ”
Tình hình thế giới và trong nước về giá cả và nguồn cung xăng dầu vẫn phức tạp, có thể gây tác động không lường trước. Trong nước, nhiều doanh nghiệp và cửa hàng kinh doanh xăng dầu chưa tuân thủ quy định, dẫn đến nguy cơ buôn lậu và gian lận thương mại.
Để tăng cường hiệu quả quản lý và điều hành xăng dầu, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện yêu cầu Bộ Công Thương theo dõi thường xuyên tình hình thị trường xăng dầu và thực hiện các biện pháp phù hợp để đáp ứng nhu cầu xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, đồng thời đảm bảo không có tình trạng thiếu hụt.
Công điện cũng yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cần tuân thủ đúng quy định pháp luật, đặc biệt là về hóa đơn điện tử. Việc đơn giản hóa hóa đơn điện tử và sử dụng chuyển đổi số sẽ được Chính phủ khuyến khích và đẩy mạnh.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan thường xuyên tiến hành kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm về hóa đơn điện tử và kinh doanh xăng dầu không tuân thủ quy định. Các biện pháp này nhằm đảm bảo việc kinh doanh và sử dụng xăng dầu diễn ra đúng quy định, góp phần vào việc duy trì ổn định thị trường và an ninh trật tự xã hội.
Thực tế cho thấy, Công điện số 26/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ chính là tiếng chuông báo hiệu “hết giờ” dành cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu còn đang cố tình “chây ỳ” với nghĩa vụ xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng. Bởi trước đó, theo chỉ đạo của Thủ tướng, ngay trong tháng 12/2023, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu phải xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng. Tuy nhiên, Tổng cục Thuế cho biết, đến đầu tháng 1/2024, chỉ có trên 4.100 cửa hàng kinh doanh bán lẻ, chiếm khoảng 25% số cửa hàng trong cả nước thực hiện quy định này.
Hiện trên toàn quốc có hơn 17.000 cửa hàng xăng dầu trên cả nước, trong đó, khối các doanh nghiệp nhà nước có gần 6.000 cửa hàng, doanh nghiệp bán lẻ, thương nhân phân phối có hơn 10.000 cửa hàng.
Thống kê nhanh kết quả báo cáo của các cục thuế cho thấy, đến nay, có trên 4.100 cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu trên cả nước đã thực hiện phát hành hoá đơn điện tử theo từng lần bán hàng, tăng 1.400 cửa hàng so với thời điểm 01/12/2023.
Các doanh nghiệp khác cũng đang khẩn trương, tích cực đẩy nhanh tiến độ triển khai các giải pháp để thực hiện việc phát hành hoá đơn điện tử đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Thống kê cho thấy bình quân mỗi năm cả nước tiêu thụ xấp xỉ 20,5 – 21 triệu m3/tấn xăng dầu. Như vậy, số hóa đơn sẽ phải xuất ra mỗi lần bán lẻ sẽ lên tới hàng chục triệu hóa đơn, thậm chí cả trăm triệu hóa đơn mới phát hành mỗi tháng.
Đối với chi phí trung bình để tạo và truyền nhận dữ liệu và điện tử với cơ quan thuế, theo Tổng cục Thuế, chỉ mất khoảng 20 – 60 đồng/hóa đơn. Hơn nữa, số lượng công ty cung cấp giải pháp về hoá đơn điện tử lên tới con số 100 và hơn 20 đơn vị cung cấp thiết bị truyền nhận, như vậy, đây là một thị trường rất cạnh tranh.
Tầm quan trọng của việc xuất Hoá đơn điện tử bán lẻ xăng dầu
Việc triển khai hoá đơn điện tử của cơ quan Thuế là một giải pháp ưu việt được các cấp quản lý rất quan tâm và chỉ đạo quyết liệt các địa phương tiến hành triển khai thực hiện.
Cụ thể, ngày 1/12/2023 Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 1284/CĐ-TTg về tăng cường công tác quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.
Trước đó, ngày 18/11/2023, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 1123/CĐ-TTg về tăng cường quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử, góp phần đẩy mạnh công tác chuyển đổi số.
Hiện nay, tất cả các ngành nghề đều áp dụng chế độ hóa đơn điện tử và chế độ này có lợi rất nhiều cho cả người tiêu dùng và người kinh doanh. Vì vậy, việc xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán và tổng hợp dữ liệu gửi về cho cơ quan Thuế trong ngày của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP là một đòi hỏi bắt buộc. Đây cũng là đòi hỏi để chúng ta chuyển nhanh sang nền kinh tế số.
Việc triển khai hóa đơn điện tử không chỉ giúp cơ quan Thuế về mặt quản lý mà còn hỗ trợ rất tốt cho cả doanh nghiệp trong công việc kế toán. Chi phí rẻ hơn hóa đơn giấy, lưu trữ tốt, có thể sử dụng vào làm thống kê, quyết toán thuế cho doanh nghiệp và cơ quan Thuế. Hoá đơn điện tử được áp dụng dễ dàng, nhanh chóng, đơn giản, cho người mua cá nhân không cần phải ghi đầy đủ thông tin người mua mà chỉ cần ghi số tiền.
Theo đó, đối với lĩnh vực kinh doanh xăng dầu có tác động ngay đến doanh nghiệp, người tiêu dùng. Mục đích không chỉ giúp doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu kiểm soát được tình trạng mua bán mà còn giúp khách hàng kiểm soát thông tin hóa đơn ngay sau khi đổ xăng. Từ đó, giúp tăng cường kiểm soát, quản lý doanh thu, đảm bảo thu thuế, môi trường kinh doanh minh bạch, đồng thời tăng thu ngân sách nhà nước.
Thực tế cho thấy thời gian qua, cơ quan điều tra Bộ Công an cũng đã phát hiện và xử lý nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có vi phạm về Thuế. Liên quan đến vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil và một số cơ quan, tổ chức liên quan, đến nay, Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã khởi tố 11 bị can, trong đó có 2 bị can về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”; 2 bị can về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; 6 bị can về tội “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ; 1 bị can “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”.
Kết quả điều tra đến nay, cơ quan chức năng đã xác định được phương thức, thủ đoạn phạm tội của các đối tượng, đó là lợi dụng việc được Nhà nước giao thu hộ tiền trích lập Quỹ bình ổn xăng dầu từ người tiêu dùng thông qua giá bán xăng dầu và quản lý, sử dụng tài sản công, các bị can này đã không thực hiện nộp tiền vào tài khoản Quỹ bình ổn xăng dầu theo quy định; dùng thủ đoạn gian dối lập báo cáo tình hình trích lập và sử dụng quỹ Quỹ bình ổn xăng dầu không đúng thực tế để chiếm dụng tiền sử dụng vào mục đích cá nhân, gây thất thoát tài sản cho nhà nước.
Lợi ích to lớn thuộc về nhân dân
Trên thực tế, quy định về xuất HĐĐT cho từng lần bán xăng, dầu đã bắt đầu thực hiện từ ngày 1/7/2022. Ngày 18/11/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định 80/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu cũng nêu rõ các cửa hàng bán lẻ của thương nhân kinh doanh xăng dầu: “Thực hiện quy định về HĐĐT và cung cấp dữ liệu HĐĐT theo quy định của Luật Quản lý thuế, các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính và cơ quan thuế”.
Việc thực hiện xuất HĐĐT theo từng lần bán hàng giúp giảm thiểu gian lận trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, góp phần tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng; nâng cao công tác quản trị; thúc đẩy chuyển đổi số tại từng DN, góp phần thực hiện Chiến lược chuyển đổi số quốc gia, theo chủ trương chung của Chính phủ.
Lợi ích của việc áp dụng HĐĐT theo từng lần bán hàng đối với hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu là điều đã được thực tiễn chứng minh thông qua việc triển khai HĐĐT đã được một số công ty xăng dầu đầu mối triển khai. Đối với các DN bán lẻ xăng dầu sẽ phải đáp ứng các quy định trong thời gian tới.
Theo đó, đối với DN (người bán), cần đẩy mạnh việc hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và áp dụng ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý hoạt động kinh doanh của các DN, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng sức cạnh tranh và uy tín của các DN trên thị trường.
Đối với người tiêu dùng, việc thực hiện xuất HĐĐT sau từng lần bán hàng đảm bảo về nguồn gốc, số lượng hàng hóa, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng trong việc thực thi các nghĩa vụ về thuế.
Trong khi đó, đối với cơ quan quản lý nhà nước, việc triển khai HĐĐT sẽ là cơ sở xây dựng nền tảng dữ liệu về hoạt động kinh doanh xăng dầu đầy đủ, tập trung, liên tục, từ đó nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, góp phần hạn chế những rủi ro, gian lận trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.
Việc triển khai công tác quản lý, sử dụng HĐĐT đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu là một chủ trương lớn của Chính phủ và các DN kinh doanh xăng dầu phải có trách nhiệm tuân thủ để tạo sự công bằng trong sản xuất kinh doanh đối với mọi thành phần kinh tế.
Từ đây có thể thấy, việc áp dụng xuất hoá đơn bán lẻ đối với từng lần bán hàng trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu không những là nghĩa vụ của người bán (doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu) đối với người tiêu dùng, mà còn là sự minh bạch trong chính sách về thuế đối với tất cả các ngành nghề kinh doanh, từ đó tạo ra môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch. Hơn nữa, việc xuất hoá đơn bán lẻ trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu còn giúp đảm bảo hoạt động thu thuế được diễn ra công khai, minh bạch và trên hết tất cả những lợi ích này đều được trả về cho người dân.
Thành An