+
Aa
-
like
comment

Xứ Thanh có chuẩn nghèo cao hơn địa phương khác?

sông trà - 20/05/2020 17:35

Những ngôi nhà tiền tỷ, xe hơi của đối tượng nghèo ở xứ Thanh đang khiến dư luận không khỏi băn khoăn. Vì thế, cần phải nhìn nhận lại văn hóa làm quản lý, trong đó đặc biệt chú ý đến yếu tố phải biết xấu hổ, có liêm sỉ của người lãnh đạo, quản lý ngay chính địa phương này để làm gương cho các địa phương khác.

Sáng 20/5 vừa qua, UBND tỉnh Thanh Hóa có Công văn của Chủ tịch tỉnh này về việc kiểm tra kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2019. Theo đó, Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả rà soát, xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo của địa phương mình.

Huyện Thiệu Hóa của Thanh Há là một trong những địa phương để xảy ra sai phạm trong công tác chi trả tiền hỗ  trợ COVID-19 từ gói an sinh của Chính phủ

Nực cười chuyện người giàu thích làm hộ nghèo

Câu chuyện buồn này xảy ra trong công tác cấp tiền hỗ trợ của Chính phủ theo gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng. Theo đó, Thanh Hóa liên tục lộ ra những chuyện lùm xùm, như hộ cận nghèo có nhà tiền tỷ, dồn nhân khẩu vào hộ nghèo để đạt chuẩn nông thôn mới…

Chẳng hạn: Tại xã Yên Thọ – huyện Yên Định, người dân xôn xao về việc gia đình bà Lê Thị Thọ và gia đình ông Lê Ngọc Lâm (thôn Tu Mục 1, xã Yên Thọ) xuất hiện trong danh sách hộ cận nghèo. Bà Thọ hiện đang sống tại ngôi nhà khang trang, kiên cố. Bà Thọ là chị gái của bà Lê Thị Chung – bí thư chi bộ thôn Tu Mục 1.

Còn gia đình ông Lâm làm nghề kinh doanh rau quả, hải sản có thu nhập ổn định, có ôtô tải để vận chuyển hàng hóa. Ngôi nhà của gia đình ông Lâm cũng thuộc diện tiền tỉ, to đẹp so với nhiều nhà dân ở vùng quê này.

Tuy nhiên, hai gia đình vẫn được UBND xã đưa vào hộ cận nghèo để hưởng chính sách của Nhà nước, có trong danh sách nhận tiền hỗ trợ.

Ngoài huyện Yên Định, còn có xã Hải Ninh ở huyện Tĩnh Gia cũng xảy ra tình trạng hộ khá giả “đi lạc” vào danh sách hộ cận nghèo. Chính ông Lê Đình Phương, Chủ tịch UBND xã Hải Ninh, cho biết toàn xã có 1.283 hộ cận nghèo. Tuy nhiên, thực tế có một số hộ khá giả, không đúng đối tượng thụ hưởng chính sách.

Hoặc cũng từ thông tin báo chí, qua rà soát, kiểm tra, huyện Thiệu Hóa phát hiện hơn 4.000 trường hợp trùng lặp, không đúng đối tượng thụ hưởng chi trả hỗ trợ dịch COVID-19.

Ông Lê Xuân Đào – Phó chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa cho biết: Qua kiểm tra, ban đầu xác định đây là việc làm sai từ cấp thôn qua việc bình xét, rà soát hộ cận nghèo năm 2019. “Đây là sai sót của cấp dưới trong việc bình xét, rà soát hộ cận nghèo năm 2019. Huyện sẽ tiến hành rà soát chặt chẽ theo đúng hướng dẫn của Bộ Lao động. Nếu hộ nào không đủ điều kiện sẽ đưa ra khỏi danh sách”.

Điểm chung của các vụ việc trên là nhiều trường hợp là vợ con Bí thư, cán bộ xã… cho đến nhiều hộ khá giả ở nhà cao cửa rộng, biệt thự tiền tỷ, có ô tô… đều có tên trong danh sách hộ cận nghèo để hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Còn những hộ có điều kiện kinh tế khó khăn, nghèo thực sự lại không được hỗ trợ. Việc này, khiến rất nhiều người dân địa phương bức xúc, phản ứng.

Thật ra câu chuyện này nó không mới, mà chỉ là hình thức khác của việc lợi dụng sơ hở của pháp luật để trục lợi chính sách mà thôi. Nó vẫn là chuyện con bò, con dê  “đi lạc” vào nhà “quan” thay vì hộ nghèo.

Trước đó, cũng tại Thanh Hóa, từng có chuyện 12 con dê giống được đi thẳng vào trang trại nhà ông Bí thư Huyện ủy Thạch Thành Thanh Hóa thay vì các hộ nghèo ở xã Thành Yên. Câu chuyện bị vỡ lở, ông Chủ tịch xã Thành Yên lý giải rằng đưa dê vào nhà Bí thư Huyện vì “có điều kiện chăm sóc”, khi mà trang trại đã có 70 con rồi.

Hoặc, chuyện xảy ra ở thôn Phú Gia 2, xã Quế Phước, Quế Sơn, Quảng Nam. Đáng lý, bò giống cấp cho hộ ông Nguyễn Văn Biên, 82 tuổi, thuộc diện hộ nghèo thì lại được ông Nguyễn Văn Phượng, Trưởng thôn mang về nuôi. Sự việc được phát hiện, ông Trưởng thôn đề nghị phải… trả công nuôi trong vòng 2 năm…v..v.

Thực tế trên cho thấy không ít người trong xã hội cứ thấy lợi là vơ vào. Có những cán bộ cứ hở ra là trục lợi, là vơ vét. Không thiếu những câu chuyện kiểu như: dê, bò, tiền… rủ nhau lạc vào nhà quan, và sau đó nó được giải thích là do nhầm lẫn.

Danh dự bị “đánh rơi”!

Có thể nói, vấn đề trục lợi chính sách nói chung vẫn tiếp tục xảy ra với muôn hình vạn trạng biểu hiện, thách thức dư luận.

Nào là sự ăn bớt của học sinh nghèo, ăn bớt của người nghèo, ăn bớt tiền ngân sách trong đầu tư xây dựng cơ bản, mang tiếng đi nước ngoài học tập kinh nghiệm nhưng thực chất là đi du lịch, dùng xe công không đúng mục đích… ở đâu cũng có và được nhắc đến nhiều lần.

Và trong trường hợp này, khi được tin gói hỗ trợ hàng chục ngàn tỷ đồng sắp được Chính phủ triển khai nhằm giúp các đối tượng yếu thế trong xã hội vượt qua đại dịch VCOVID-19 người dân hết sức vui mừng nhưng cũng không tránh khỏi “tâm tư”. Đó là điều dân quan tâm và mong muốn đồng tiền ngân sách quý giá không bị những kẻ xấu trong bộ máy chính quyền địa phương, nhất là cấp cơ sở thao túng để trục lợi.

Tiếc là, sự lo lắng, tâm tư đó của dư luận trở thành hiện thực với những câu chuyện buồn như trên. Nói thẳng ra, để xảy ra tình trạng trên là do một số cán bộ có chức, có quyền ở địa phương tham lam, thoái hóa biến chất cấu kết với nhau, nghĩ ra đủ chiêu trò để trục lợi khi tiền, hàng cứu trợ được triển khai thực hiện ở địa phương mình.

Họ hô biến gia đình mình, họ hàng hoặc người cùng vây cánh thành hộ nghèo, người không bị thiên tai bỗng mất nhà cửa, tài sản để được nhận tiền trợ cấp. Họ đẻ ra đủ thứ dịch vụ, phí, lộ phí để ăn chặn tiền của đối tượng chính sách. Họ tìm mọi cách buộc người được hưởng chế độ chia phần cho công lao vất vả “ngồi mát ăn bát vàng” của mình.

Trong khi, chúng ta không thể phủ nhận một điều là, người Việt vốn khiêm tốn. Ai đến chơi nhà, dù nhà có to rộng, đẹp đẽ mà được khen rằng “nhà anh giàu quá”, “nhà anh hoành tráng quá”, chủ nhà cũng dễ có tâm lý xua tay: “Có đáng gì đâu” rồi so sánh với nhà nọ, nhà kia để chứng tỏ rằng mình vẫn còn thua họ lắm.

Và người Việt cũng không muốn “vạch áo” để thiên hạ biết mình nghèo. Cha mẹ có nghèo cũng cố gắng để con được bằng bạn bằng bè. Nhà có nghèo đến mấy người ta cũng luôn giữ mình “đói cho sạch”.Thậm chí, nhiều người còn tự ti, giấu giếm thân phận nghèo kém của mình.

Tục ngữ có câu: Giấu giàu, không ai giấu được nghèo. Thường thì người ta hay bắt gặp những câu than cửa miệng về cái nghèo chứ chả mấy ai lại than rằng tôi giàu lắm bao giờ. Nên càng thật khó chấp nhận là “sao bây giờ người ta tranh nhau… nghèo?” Chẳng lẽ, vấn đề liêm sỉ của một bộ phần  người có quyền hành trong xã hội dường như đang bị “bỏ quên”?

Và trong sự việc này, có lẽ Thanh Hóa có chuẩn nghèo và cận nghèo cao hơn những nơi khác chăng? Nếu đúng, đây là sự tiến bộ lớn, cần biểu dương, còn ngược lại thì xin mạn phép hỏi những hộ “giả nghèo” kia khi nhận tiền hỗ trợ thì họ có nhặt lạt được danh dự do chính mình đánh rơi không?

Sông Trà

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều