+
Aa
-
like
comment

Xử sao với pin mặt trời hết đát?

18/11/2020 18:43

Với hàng ngàn MW điện mặt trời đã vận hành và hơn 10.000MW điện mặt trời đang đề nghị bổ sung quy hoạch, cả nước đã có hàng chục triệu tấm quang điện (pin mặt trời) đang hoạt động.

Tấm pin năng lượng mặt trời thải bỏ nếu chôn lấp không đúng quy định có khả năng gây ô nhiễm môi trường đất, nước do phát sinh kim loại nặng hoặc phát sinh khí thải độc hại có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe của con người trong trường hợp xảy ra cháy.

Tổng cục Môi trường

Sau 20-25 năm, các tấm quang điện này sẽ hết vòng đời sử dụng. Nhiều ý kiến cho rằng tấm pin có thể xử lý, không độc hại, nhưng cũng có nhiều cảnh báo nguy cơ.

Cứ lắp trước, xử lý tính sau

Lắp hệ thống điện mặt trời trên mái nhà đã hơn một năm nay, chị Nguyễn Thị Hoa (Q.7, TP.HCM) cho biết hệ thống 6 kWp này giúp gia đình tiết kiệm khá lớn chi phí tiền điện và dự kiến duy trì hệ thống này trong vòng 20 năm. Tuy nhiên, chị Hoa cũng chưa biết sau đó sẽ xử lý ra sao, công ty lắp cũng chỉ trả lời chung chung sau này sẽ có công nghệ tái chế.

Xử sao với pin mặt trời hết đát? - Ảnh 1.
Lắp điện mặt trời tại một tòa nhà ở TP.HCM – Ảnh: NGỌC HIỂN

Giám đốc một công ty đã lắp hàng chục MW điện mặt trời cũng cho rằng trước mắt cứ lắp để hưởng ưu đãi, còn việc xử lý tấm pin khi hết vòng đời đơn vị này vẫn chưa tính. “Có thể là doanh nghiệp (DN) bán sản phẩm sẽ thu hồi hoặc nếu yêu cầu thì mang đi tái chế bởi về bản chất, các chất liệu trong tấm pin này đều có thể tái chế được” – vị này nói.

Sở hữu hơn 2,5 triệu tấm pin điện mặt trời đang hoạt động, Tập đoàn Trung Nam cho biết khi hết vòng đời, những tấm pin ở các dự án của DN này sẽ được xử lý theo đúng các tiêu chuẩn về môi trường, nhưng hiện chưa có tiêu chuẩn xử lý những tấm pin này.

Đa số hãng sản xuất chưa cam kết thu hồi

Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thùy Ngân – giám đốc thương hiệu SolarBK – cho biết hơn 90% các thành phần cấu tạo nên tấm quang điện đều là những vật liệu có thể tái chế. Trên thế giới đã có những công nghệ tái chế, riêng SolarBK vừa là nhà sản xuất vừa là đơn vị kinh doanh nên đã nghiên cứu công nghệ, phương pháp để tái chế.

Tuy nhiên, do thị trường Việt Nam mới nở rộ vài năm trong khi vòng đời của mỗi tấm pin này khoảng 20 năm nên hiện tại chưa phải là thời điểm thích hợp để triển khai nhà máy xử lý. Theo bà Ngân, DN này đã cam kết bằng văn bản với các đối tác về việc thu hồi, xử lý các tấm pin sau khi hết vòng đời. Hiện những tấm pin bị hư hỏng vẫn được DN này thu hồi, tách thành vật liệu xây dựng.

Ông Trương Công Vũ – tổng giám đốc Công ty CP Năng lượng toàn cầu (nhà phân phối ủy quyền tại phía Nam của một hãng pin lớn) – cho biết dù các hãng sản xuất đều không có cam kết sẽ thu hồi sản phẩm, song nhiều thành phần trong tấm pin như tấm kính cường lực, viền nhôm, tấm nhựa… ở Việt Nam có thể tái chế.

Ông Vũ cho biết trước đây chưa ai đặt vấn đề vệ sinh tấm pin, song đến khi thị trường đủ lớn đã có rất nhiều công ty vệ sinh pin mặt trời và những robot vệ sinh ra đời.

“Chỉ một số vùng lắp pin dày đặc ở các trang trại, ánh sáng không hấp thụ xuống mặt đất mà phả lên lại bầu khí quyển gây hiệu ứng nhà kính, nóng cục bộ ở một vùng nhất định, còn lại các tấm pin không gây ảnh hưởng gì đến môi trường” – ông Vũ nhận định.

Xử sao với pin mặt trời hết đát? - Ảnh 3.
Nguồn: Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia – Đồ họa: TẤN ĐẠT

Cần buộc nhà sản xuất thu hồi

Tuy vậy, GS.TS Đặng Thị Kim Chi, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, lại nhấn mạnh tấm pin mặt trời sau khi hết hạn dù được thu hồi cũng rất khó xử lý. Sản phẩm này không chỉ khó phân hủy trong môi trường tự nhiên mà còn chứa các kim loại nặng, nên nếu để nó trong môi trường sẽ rất nguy hại.

Dù những dự án điện mặt trời mới phát triển, nhưng cần nhìn nhận không phải tấm pin mặt trời nào cũng có thời hạn sử dụng 15-20 năm. Sẽ có những tấm pin hỏng sớm, hỏng ngay, vậy vấn đề xử lý như thế nào thì ngay bây giờ phải nghiên cứu.

Đặc biệt, với thực tế hiện tại chưa có cơ sở chuyên sâu về xử lý pin năng lượng mặt trời hỏng, hành lang pháp lý về việc này cũng chưa rõ ràng, GS.TS Đặng Thị Kim Chi cho rằng Bộ Tài nguyên – môi trường và Bộ Công thương cần sớm nghiên cứu về vấn đề này để có những quy định chặt chẽ ngay từ khi các dự án mới phát triển.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Võ Viết Cường (Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) cho biết các công nghệ hiện nay đã tái chế 96-98% tấm quang điện. Theo ông Cường, trong quá trình sản xuất tấm quang điện có tạo ra khí thải, song trong khi sử dụng không tạo ra khí thải, cũng không ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Tuy nhiên, xét về mặt quản lý nhà nước, ông Cường cho rằng cần phải luật hóa để buộc nhà sản xuất thu hồi các sản phẩm của mình khi hết vòng đời thay vì quy về cho chủ đầu tư. Hiện nay, các nhà sản xuất bán thiết bị vào Việt Nam không bắt buộc thu hồi, song nếu muốn bán vào thị trường Mỹ hay các nước tiên tiến nhà sản xuất phải cam kết thu hồi sản phẩm khi hết hạn sử dụng.

Sẽ hướng dẫn quản lý tấm pin thải bỏ

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) cho biết theo một số nghiên cứu trên thế giới, việc sử dụng pin năng lượng mặt trời có thể gây ra vài tác động về mặt môi trường như: chiếm diện tích đất và gây ô nhiễm nhiệt, tác động đến thị giác của con người.

Theo Tổng cục Môi trường, việc sản xuất pin của tấm pin năng lượng mặt trời có sử dụng một số kim loại nặng như Cd, Si… Tuy nhiên, thực chất tấm pin năng lượng mặt trời là sản phẩm có chức năng hấp thu năng lượng từ ánh sáng mặt trời (quang năng) và chuyển hóa thành điện năng, khác về tính chất với các loại pin, ăcquy khác là có chức năng tích điện. Do vậy, tấm pin năng lượng mặt trời thải bỏ không thuộc các loại pin, ăcquy thải có mã chất thải nguy hại.

Lãnh đạo Tổng cục Môi trường cho biết trong Luật bảo vệ môi trường sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua có quy định yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì thuộc danh mục quy định sẽ phải tái chế theo tỉ lệ và quy cách tái chế bắt buộc.

Ngoài ra cũng quy định tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì nêu trên được lựa chọn việc tái chế sản phẩm, bao bì bằng cách tự tổ chức tái chế sản phẩm, bao bì hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế các sản phẩm, bao bì.

Vị lãnh đạo này cũng cho biết sau khi Luật bảo vệ môi trường được thông qua, Bộ TN-MT sẽ tham mưu Chính phủ đưa tấm pin mặt trời vào danh mục sản phẩm nhà sản xuất, nhập khẩu phải thu hồi, tái chế. Trong thời gian chưa có quy định mới, bộ sẽ hướng dẫn quản lý tấm pin mặt trời thải bỏ theo quy định về quản lý chất thải.

NGỌC HIỂN – XUÂN LONG/TT

Bài mới
Đọc nhiều