‘Xử phạt việc ép buộc uống rượu, bia để tạo thói quen văn minh’
Quy định xử phạt hành vi ép buộc, xúi giục, lôi kéo, kích động người khác uống rượu bia nhằm đảm bảo quyền từ chối các loại đồ uống này của mọi người dân.
Bà Trần Thị Trang, Phó vụ trưởng Pháp chế (Bộ Y tế), nhấn mạnh quan điểm trên khi trả lời phỏng vấn về quy định xử phạt hành vi ép buộc người khác uống rượu bia, trong nghị định mới được Chính phủ ban hành.
– Nghị định này đưa ra nhiều quy định mới như phạt tiền từ 500.000 đến một triệu đồng với hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu bia; phạt từ một đến 3 triệu đồng nếu ép buộc người khác uống rượu bia… Cơ sở nào để đưa ra những quy định này, thưa bà?
– Những quy định này đều nằm trong danh mục các hành vi bị nghiêm cấm, theo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia được Quốc hội thông qua năm 2019, có hiệu lực từ 1/1/2020.
Trong thực tiễn, thói quen tiêu dùng rượu bia ở Việt Nam đã trở thành phổ biến, hằng ngày chúng ta dễ dàng bắt gặp trong các cuộc vui, cuộc nhậu tình trạng nhiều người không muốn hoặc không uống được rượu bia, nhưng vẫn bị người khác lôi kéo, ép buộc. Có khi trẻ em cũng bị người lớn ép buộc uống. Hoặc bạn bè, đồng nghiệp dự cuộc vui, dù không uống được nhưng vẫn bị ép.
Có trường hợp trong cùng cơ quan, nhân viên chưa uống xong thì lãnh đạo chưa chịu về. Đi công tác, gặp cuộc nhậu thì những câu nói như “anh không uống là không nể mặt tôi” đã trở thành quen thuộc. Nhiều người dù phải lái xe nhưng vẫn bị bắt uống, dẫn đến nguy cơ không đảm bảo an toàn. Đấy là những hành vi ép buộc, không theo ý muốn tự nguyện của mỗi người. Thực trạng này có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe nhiều người, tạo ra những thói quen không văn minh.
Để lên án nhằm giảm bớt tình trạng trên, chúng tôi thấy rằng cần cụ thể hóa những quy định trong Luật bằng xử phạt hành chính. Vì vậy, trong nghị định của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế đã đề ra các mức phạt tương ứng với từng hành vi.
– Ban soạn thảo nhận định tính chất của các hành vi như thế nào khi đưa ra mức phạt tương ứng?
– Trước hết, việc đưa ra các mức xử phạt là cách thể hiện sự lên án mạnh mẽ việc ép buộc, xúi giục, lôi kéo người khác uống rượu bia. Những người cố tình vi phạm bị xử phạt sẽ góp phần nâng cao nhận thức của người dân, nhằm giáo dục, răn đe.
Các mức phạt được đưa ra căn cứ tùy theo tính chất, mức độ của từng hành vi và mức độ gây ảnh hưởng đến xã hội. Đơn cử, việc lôi kéo so với ép buộc thì tính chất khác nhau. Lôi kéo là cao hơn rủ rê một chút, nhưng vẫn đảm bảo sự tự chủ và quyết định của người khác. Nhưng ép buộc thể hiện mức độ mạnh mẽ hơn, chẳng hạn “ông không uống là không được với tôi”. Vì vậy, hai hành vi này được xếp ở hai khung hình phạt khác nhau.
Mức phạt 500.000 đến một triệu đồng nếu xúi giục, lôi kéo, kích động người khác uống rượu bia là số tiền chấp nhận được với đa số người dân. Còn việc ép buộc bị phạt nặng hơn để đảm bảo răn đe người vi phạm lần sau không tái phạm.
– Trong thực tế, làm thế nào để nhận diện hành vi ép buộc, xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu bia?
– Nếu so sánh thì có thể khập khiễng, nhưng trong các quy định về pháp luật hình sự cũng nêu về hành vi rủ rê, lôi kéo người khác phạm tội. Mỗi hành vi đều có các hướng dẫn cụ thể của cơ quan có thẩm quyền để nhận diện.
Tương tự, những hành vi ép buộc, xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu bia cũng có thể phân tích được dựa vào tính chất. Chẳng hạn ép buộc là bắt người khác làm trái với ý muốn của họ. Họ không muốn uống, đã từ chối nhưng vẫn bị ép uống.
Cơ quan chức năng sẽ có nhiều cơ chế để phát hiện những hành vi này. Tuy nhiên, tôi nhắc lại việc xử phạt trước hết nhằm định hướng, điều chỉnh hành vi, để người dân có ý thức rằng đây là hành vi bị cấm và không vi phạm. Nếu vi phạm mà bị phát hiện thì những người xung quanh có thể ngăn chặn, tố giác. Người bị ép cũng có cơ sở pháp luật để từ chối.
Pháp luật cũng cho phép người dân có thể chụp ảnh, quay phim, ghi hình lại để làm bằng chứng phản ánh với cơ quan có thẩm quyền. Hoặc chính người bị ép buộc có thể lên tiếng. Sau khi cơ quan chức năng xác minh, nếu đúng thì sẽ xử phạt.
Sau khi Chính phủ ban hành nghị định, các lực lượng thanh tra, kiểm tra của bộ ngành, địa phương được tập huấn về nghiệp vụ chuyên môn và các cách thức để nhận diện những hành vi trên. Cơ quan chức năng cũng sẽ có hướng dẫn cụ thể để người dân nhận biết, không vi phạm.
– Bà kỳ vọng như thế nào về tính khả thi của quy định này?
– Bất cứ quy định pháp luật nào trước khi ban hành cũng đặt ra vấn đề về tính khả thi, chỉ là khả thi nhiều hay ít. Ngay cả những quy định với chế tài rất mạnh như phạt tù, tử hình người buôn ma túy nhưng chưa chấm dứt được tình trạng này. Bởi vi phạm pháp luật là hệ lụy ở xã hội nào cũng có.
Với thực trạng 80% dân số sử dụng rượu bia như hiện nay, thì tính khả thi của những quy định trên cần có thời gian. Đồng thời, nhà chức trách sẽ có nhiều cơ chế để giảm tác hại của rượu bia, chứ không chỉ xử phạt. Hơn nữa, quy định pháp luật ban hành trước hết để định hướng, chứ không chỉ nhằm mục đích xử phạt.
Cơ quan chức năng sẽ có nhiều cơ chế để giám sát việc thực hiện các quy định trên, bằng trách nhiệm tuân thủ pháp luật của mỗi người dân, người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Nếu những vi phạm được phát hiện, xử phạt nghiêm sẽ tạo hiệu ứng xã hội tốt. Tôi kỳ vọng quy định này sẽ đi vào cuộc sống, tương tự như những quy định trước đây là bắt buộc đội mũ bảo hiểm, không uống rượu bia khi lái xe…
Đồng thời để giảm bớt những hành vi trên, rất cần mỗi người dân cần mạnh mẽ lên tiếng tố giác. Nhà chức trách sẽ có nhiều biện pháp để buộc người vi phạm phải chấp hành việc xử phạt.
Tôi mong rằng những quy định này sẽ góp phần giảm bớt tác hại của rượu bia, bởi nó đảm bảo quyền từ chối của người không uống rượu bia và định hướng thói quen tiêu dùng rượu bia văn minh, tự nguyện. Dần dần tôi hi vọng sẽ tạo thành nếp sống mới trong xã hội là uống rượu, bia theo thói quen, nhu cầu, sở thích của mỗi người.
Viết Tuân/VNE