Xử lý nghiêm gian lận trong quản lý, hạch toán doanh thu của dự án BOT
Ngày 3/7, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo Điều hành giá chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo, đánh giá kết quả thực hiện công tác 6 tháng đầu năm 2019 và trao đổi các giải pháp điều hành giá trong những tháng còn lại của năm 2019.
Diễn biến chỉ số giá tiêu dùng tương đối sát với dự báo
Báo cáo của Ban Chỉ đạo cho thấy, mặt bằng giá cả thị trường trong nửa đầu năm 2019 biến động theo hướng tăng tương đối cao trong tháng diễn ra Tết Nguyên đán, giảm nhẹ trong tháng 3, tăng dần trở lại trong hai tháng tiếp theo, sau đó giảm trở lại vào tháng 6. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 6/2019 giảm 0,09% so với tháng trước, CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ năm 2018 tăng 2,64%. Như vậy, diễn biến chỉ số giá tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm tương đối sát với dự báo từ đầu năm và nằm trong kịch bản CPI tăng thấp.
Nguyên nhân chủ yếu góp phần làm CPI 6 tháng đầu năm tăng thấp so với dự báo, giá lương thực giảm do nguồn cung trong nước dồi dào và nhu cầu nhập khẩu gạo trên thế giới giảm, giá thịt lợn giảm mạnh từ tháng 3 đến tháng 5 do chịu ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi; giá dịch vụ y tế giảm 0,1% so với tháng 12/2018, do điều chỉnh giảm giá dịch vụ khám chữa bệnh cho người không có thẻ bảo hiểm y tế tại một số địa phương theo Thông tư số 37/2018/TT-BYT, giá xăng dầu trong nước giảm trở lại từ nửa cuối tháng 5 đến nay.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương đã phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm cân đối cung cầu, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường giá cả, điều hành giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý điều hành với mức độ và thời điểm phù hợp, hạn chế tác động đến mặt bằng giá chung và lạm phát kỳ vọng, điều hành tỷ giá theo cơ chế tỷ giá trung tâm linh hoạt…
Ở chiều ngược lại, các nguyên nhân chủ yếu làm tăng CPI trong 6 tháng đầu năm 2019 do giá nhiên liệu, chất đốt trong nước (xăng dầu, LPG) tăng theo giá thế giới, trong đó giá xăng dầu trong nước tăng 4 đợt từ tháng 3 đến tháng 5, tác động của việc điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý (điện, sách giáo khoa); giá một số nhóm hàng tiêu dùng phục vụ Tết tăng theo quy luật; giá một số vật liệu xây dựng (sắt, thép, ximăng) và giá nhân công xây dựng tăng do nhu cầu xây dựng và chi phí đầu vào tăng.
Điều chỉnh phí BOT tại 10 trạm sụt giảm lớn
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho biết, hiện trong số 49 dự án BOT đường bộ đang khai thác, có 26 dự án doanh thu sụt giảm. Bộ đang tính phân nhóm các dự án này, trong đó có 10 trạm sụt giảm lớn sẽ nghiên cứu tính toán phương án điều chỉnh.
“Tuy nhiên, chúng tôi đang đàm phán với nhà đầu tư, không tăng đến mức 18%, mà nằm trong khung từ 9-18%, ở mức thấp nhất,” ông Lê Đình Thọ nói.
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ đã trình Chính phủ hai phương án điều chỉnh giá dịch vụ BOT, trong đó phương án 1 là tăng phí trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2021 và phương án 2 là giữ nguyên mức phí như hiện tại, chỉ thực hiện việc tăng phí theo hợp đồng từ năm 2022. Hiện các bộ, ngành cơ bản đồng ý phương án 1, bởi phương án 2 là không phù hợp, nếu nhà nước hỗ trợ thực hiện phương án 2 thì phải chi 3.000 tỷ đồng, sẽ không có tiền. Bên cạnh giải pháp thu phí không dừng, Bộ đã xây dựng phần mềm độc lập để kiểm soát doanh thu của nhà đầu tư. Qua kiểm tra đột xuất 4 trạm BOT, chưa phát hiện để các khoản thu ngoài sổ sách.
Báo cáo về dịch vụ khám, chữa bệnh, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thông tin, việc thực hiện mức giá dịch vụ y tế theo Thông tư 37/2018/TT-BYT (quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh trong một số trường hợp) chỉ tác động đến khoảng 12% dân số chưa tham gia Bảo hiểm y tế và tác động giảm đến CPI. Trong số các dịch vụ y tế được điều chỉnh nằm trong giỏ hàng hóa tính CPI, có dịch vụ tăng nhưng cũng có dịch vụ giảm và các dịch vụ giảm giá có mức giảm sâu hơn với tỷ lệ sử dụng dịch vụ nhiều hơn, trong khi các dịch vụ khác có mức tăng thấp. Tuy nhiên, để tránh việc tác động đến tâm lý trong bối cảnh điều chỉnh tăng giá xăng dầu và giá điện thời gian qua, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị các địa phương tạm dừng việc điều chỉnh, trừ trường hợp việc điều chỉnh giá y tế tác động giảm đến CPI.
Đến nay, Bộ Y tế đã hoàn thành đấu thầu tập trung và đàm phán giá thuốc, công bố 2018 và thực hiện cho năm 2019-2020. So với giá trúng thầu trung bình trước khi đấu thầu tập trung và đàm phán giá cấp quốc gia, đối với 25 hoạt chất (152 thuốc) đấu thầu tập trung: Gói biệt dược gốc giảm bình quân 10% (745 tỷ đồng); gói generic giảm bình quân 40,14% (1.549 tỷ đồng). Đối với 4 thuốc đàm phán giá, giảm bình quân 18,55% (551,7 tỷ đồng), tuy nhiên tác động đến CPI không nhiều, vì phần lớn các thuốc này không nằm trong rổ hàng hóa tính CPI nhóm thuốc, dịch vụ y tế. Năm 2019, Bộ Y tế sẽ mở rộng danh mục đấu thầu tập trung quốc gia đối với 15 hoạt chất (28 thuốc); đàm phán giá 145 thuốc.
Hoan nghênh Bộ Y tế qua đấu thầu và đàm phán đã giảm giá thuốc tới 2.845 tỷ đồng, nhiều hoạt chất giảm giá mạnh, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, dù việc này không tác động nhiều đến CPI nhưng giảm giá khám chữa bệnh, giảm nguồn chi từ quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và từ túi tiền của người dân. Phó Thủ tướng cũng nhắc Bộ Y tế khẩn trương triển khai đấu thầu vật tư y tế, không để tình trạng cùng 1 loại stent động mạch vành nhưng giá chênh lệch quá lớn.
Báo cáo Phó Thủ tướng về việc đấu thầu thuốc qua hệ thống của ngành, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết, cơ quan này đã hoàn thành việc đấu thầu thuốc quốc gia tập trung lần 2, đến nay đã công bố kết quả đấu thầu, ký xong hợp đồng khung và triển khai cung ứng để sử dụng cho các cơ sở khám, chữa bệnh. Qua đấu thầu đã giảm giá biệt dược trên 10%, generic trên 30% so với giá bình quân chung của cả nước năm 2018 (vào khoảng 2.900 tỷ đồng so với giá trúng thầu trung bình của năm trước).
Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc ở các bệnh viện hiện chưa kiểm soát được. Trong bảng đấu thầu, trị giá của biệt dược gốc rất lớn và theo thông tin trên hệ thống giám định điện tử của ngành, một số gói biệt dược gốc được sử dụng tới 80-90%. Đây là một trong nhiều vấn đề liên quan tới thuốc, vật tư y tế sắp tới Bảo hiểm xã hội Việt Nam phải thống nhất với Bộ Y tế để giảm tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc, góp phần giảm chi từ túi người dân, giảm chi khám chữa bệnh một cách hiệu quả hơn.
Tại cuộc họp, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng báo cáo về việc tăng giá sách giáo khoa năm học 2019-2020 đã có tác động đến CPI nhóm văn phòng phẩm tăng 2,57% so với cùng kỳ năm trước. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thông tin về việc phối hợp với Thanh tra Chính phủ, các cơ quan liên quan kiểm tra việc điều chỉnh mức giá bán điện, phương pháp xác định giá và việc thu tiền điện thời gian qua, giám sát chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2018, yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cắt giảm tối đa chi phí để giảm giá điện. Bộ Công Thương đã yêu cầu EVN đề xuất cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho các nhóm đối tượng khách hàng, chú trọng công tác tuyên truyền trong mỗi lần tăng giá điện…
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, tính đến đầu tháng 7/2019, dịch tả lợn châu Phi bùng phát tại 61/63 tỉnh, thành phố, chỉ còn Ninh Thuận và Tây Ninh chưa xuất hiện dịch. Đàn lợn bị tiêu hủy hơn 2,8 triệu con với trọng lượng hơn 180 ngàn tấn. Tổng số lợn tháng 6/2019 ước giảm khoảng 10,3% so với cùng thời điểm năm 2018, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 6 tháng đầu năm ước đạt 1.801,2 nghìn tấn (giảm 4,7% so với cùng kỳ năm 2018).
Để chủ động kiểm soát nguồn cung, Bộ đang chỉ đạo quyết liệt các giải pháp đồng bộ, trong đó có việc triển khai các biện pháp an toàn sinh học có hiệu quả để khống chế dịch không lây lan. Bộ đã giao các đơn vị chức năng phối hợp với các công ty nghiên cứu vaccin phòng dịch. Về việc báo chí đưa tin nghiên cứu thử nghiệm thành công vaccin phòng dịch tả lợn châu Phi, Thứ trưởng cho biết, đây là kết quả sơ bộ ban đầu, còn phải tiếp tục nghiên cứu, khảo nghiệm mới có thể đánh giá được bởi đây là vấn đề khó, phải hết sức thận trọng.
Giữ ổn định mặt bằng lãi suất và tỷ giá
Kết luận cuộc họp, ghi nhận những kết quả đạt được trong công tác điều hành giá 6 tháng đầu năm, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, CPI 6 tháng đầu năm tăng 2,64%, thấp khá xa so với mục tiêu 4% Quốc hội đề ra và là mức thấp nhất trong 3 năm gần đây. Kết quả này góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, tạo dư địa tốt cho điều hành giá 6 tháng cuối năm, cũng như mục tiêu điều hành và kiềm chế lạm phát theo mục tiêu của Quốc hội và Chính phủ. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra việc thực hiện một số chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng và Trưởng ban Điều hành giá còn chậm.
Đề cập đến công tác quản lý, điều hành giá 6 tháng cuối năm, Phó Thủ tướng đồng tình với kịch bản lạm phát bình quân năm 2019 từ 3,17-3,41%, kiên định mục tiêu đã đặt ra là điều hành lạm phát bình quân trong khoảng từ 3,3-3,9%. Phó Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả để có giải pháp bình ổn thị trường phù hợp, nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu như thịt lợn, vật liệu xây dựng, xăng dầu. Điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp với các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành giữ ổn định mặt bằng lãi suất và tỷ giá, giữ mức lạm phát cơ bản trong khoảng 1,8%.
“Trong điều kiện dư địa lạm phát đang có điều kiện thuận lợi cho việc tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường, việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý cần chủ động tính toán, lựa chọn mức độ và thời điểm phù hợp, tránh điều chỉnh đồng loạt vào cùng một thời điểm để kiểm soát lạm phát kỳ vọng, đồng thời tạo bước đệm thuận lợi cho việc kiểm soát lạm phát trong năm 2020,” Phó Thủ tướng nêu rõ.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cung cấp kịp thời thông tin chính thống về quản lý điều hành giá cho các cơ quan chức năng, dư luận xã hội và báo chí, tăng cường công khai, minh bạch chỉ số đầu vào những hàng hóa quan trọng liên quan nhiều đến đời sống người dân. “Dư luận hiểu chưa đúng là do mình, tiên trách kỷ, hậu trách nhân, không để sợ dây kinh nghiệm rút hoài không hết”, Phó Thủ tướng nói.
Đối với một số mặt hàng quan trọng thiết yếu, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương làm tốt công tác điều hòa cung cầu hàng hóa, đẩy mạnh xuất khẩu, chỉ đạo quyết liệt các biện pháp kiểm soát, khống chế dịch bệnh, hạn chế lan rộng và kéo dài; có kịch bản diễn biến cung -cầu, giá thịt lợn từ nay đến cuối năm để có giải pháp bình ổn thị trường…
Về lĩnh vực giáo dục, Phó Thủ tướng yêu cầu chống lợi ích nhóm, phá thế độc quyền trong xuất bản sách giáo khoa, tránh tăng giá sách vào mùa khai giảng, kiểm soát chi phí liên quan đến đóng góp của cha mẹ học sinh, hội phụ huynh.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông vận tải báo cáo xin ý kiến Chính phủ cụ thể phương án điều chỉnh giá dịch vụ BOT. Đặc biệt, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến việc Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Công an tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ, đấu tranh phát hiện và xử lý nghiêm những tiêu cực, gian lận trong quản lý và hạch toán doanh thu của các dự án BOT.
“Không để lặp lại trường hợp để ngoài sổ sách rất nhiều tiền như dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương. Nhà nước, nhà đầu tư cũng phải minh bạch. Kịp thời làm việc với chủ đầu tư, không để tình trạng chủ đầu tư bỏ dự án, xã hội nói anh có lời thì bỏ túi, thua lỗ thì trả Nhà nước là vô lý. Vấn đề này liên quan đến trật tự, an ninh, an toàn, cố tình phá hoại phải xử lý nghiêm,” Phó Thủ tướng nêu rõ.
(Theo Vietnam+)