Xử lý gian lận trong thi cử đừng để công cuộc “dạy người” trở thành công dã tràng
Những kẻ gian lận trong các kì thi Trung học phổ thông Quốc gia, thi Đại học; thi Công chức… hiện nay cũng là những kẻ khi quân, phạm thượng ngày xưa. Bởi thời xưa quan niệm giáo dục chính là “bách niên chi kế”, là quá trình “trồng người”. Nếu xảy ra gian lận trong quá trình học tập sẽ tạo ra những con người hư hỏng, không thể sử dụng được. Thế nên cần xử lý nghiêm trong thi cử để tạo hiền tài.
Đừng để công cuộc “dạy người” trở thành công dã tràng
Thời gian gần đây, hàng loạt các vụ gian lận thi cử được đưa ra ánh sáng, dư luận mong mỏi các cơ quan và ngành giáo dục cần có sự minh bạch về trách nhiệm đối với người có liên quan để lấy lại niềm tin của người dân về một nền giáo dục công bằng, không tiêu cực.
Mặc dù, trong các kỳ thi sắp tới công nghệ sẽ đưa vào để giám sát toàn bộ quá trình chấm thi và lưu trữ bài thi, song tất cả sẽ chỉ là hình thức nếu thiếu sự quyết tâm bài trừ gian lận của các nhà giáo. Thế nên, việc nghiêm trị những kẻ vi phạm hian lận thi cử để răn đe, làm gương cho những người sau là điều rất cần thiết.
Ngày 20-9, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung lần 2 vụ án gian lận thi cử xảy ra trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại Hòa Bình. Bị can Đỗ Mạnh Tuấn khai nhận trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại Hòa Bình đã nhận hơn 1 tỉ đồng của nhiều người để sửa bài thi nâng điểm cho nhiều thí sinh.
Kết quả hình ảnh cho Gian lận thi cử tại Hòa Bình: Bị can khai đã nhận hơn 1 tỉ đ
Cơ quan an ninh điều tra đã chuyển hồ sơ đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao truy tố 15 bị can gồm: Nguyễn Quang Vinh – nguyên trưởng phòng khảo thí Sở Giáo dục và đào tạo (tỉnh Hòa Bình; Đỗ Mạnh Tuấn – nguyên phó hiệu trưởng Trường PTDT nội trú THCS và THPT huyện Lạc Thủy; Diệp Thị Hồng Liên – nguyên phó trưởng phòng phòng khảo thí; Nguyễn Khắc Tuấn – chuyên viên phòng khảo thí; Khương Ngọc Chất – nguyên trưởng phòng an ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Hòa Bình; cùng các bị can là trưởng phòng giáo dục huyện, giáo viên, hiệu trưởng một số trường học trên địa bàn.
Các bị can bị đề nghị truy tố về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Ngoài ra, bị can Đỗ Mạnh Tuấn còn bị đề nghị truy tố về tội “nhận hối lộ”, bị can Hồ Chúc – giáo viên Trường THPT Thanh Hà, bị đề nghị truy tố tội “đưa hối lộ”.
Trước đó, ngày 13-9, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bổ sung vụ án về tội “Đưa hối lộ” và “Nhận hối lộ” liên quan đến vụ gian lận thi cử trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại Hòa Bình.
Đồng thời Bộ Công an cũng khởi tố thêm hàng loạt và bắt một số người là giáo viên, hiệu trưởng và cán bộ phòng giáo dục của Hòa Bình vì xác định có tham gia và đường dây sửa bài thi, nâng điểm.
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt, không có vùng cấm của ngành công an và ngành giáo dục, những đối tượng liên quan đến vụ việc đã bị bắt giữ để phục vụ công tác điều tra. Sự việc càng được làm sáng tỏ sẽ càng góp phần trả lại niềm tin và sự công bằng với hàng triệu thí sinh và gia đình, tạo hiệu ứng tích cực đảm bảo cho kỳ thi THPT năm nay diễn ra an toàn minh bạch trên phạm vi toàn quốc.
Ngành Giáo dục có ưu tiên “dạy người” cho các em đến mấy, mà rồi sau đó lại vẫn có những tấm gương gian lận chạy điểm thi như ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình của người lớn nêu gương xấu cho các em như vừa qua, thì hỡi ôi, công cuộc “dạy người” của Bộ Giáo dục lại trở thành … công cốc. Chưa kể sau này, tình trạng người lớn vi phạm pháp luật, tham ô tham nhũng, hủ hóa suy đồi đạo đức liên tiếp “dạy con”, thì công “dạy người” của Bộ Giáo dục rồi cũng sẽ lại sớm trở thành công dã tràng.
Xử lý nghiêm gian lận để “nhường chỗ” cho người hiền tài
Chúng ta đã chứng kiến nhiều trường hợp cũng vẫn những con người ấy, khi còn bé thì rất ngoan, nhưng khi thành người lớn thì có khi lại rất hư hỏng, và tùy người có người thì hư sớm có người thì hư muộn, có người mãi đến già rồi mới hư hỏng.
Có lẽ, do tuy học làm người trên ghế nhà trường rồi nhưng về sau cuộc sống lại dạy người ta làm người theo kiểu khác, theo kiểu vi phạm pháp luật, tham ô tham nhũng, hủ hóa suy đồi đạo đức. Và do nó được diễn ra như thế nên làm cho người ta ngộ nhận, thấy kiểu làm người như thế mới là khôn, còn cái kiểu làm người như hồi còn học trên ghế nhà trường đó là dại, là lý thuyết suông mà thôi.
Do đó việc học làm người là liên tục, suốt đời, do môi trường sống dạy chúng ta mà chúng ta không nhận ra, chứ đâu phải là chỉ học làm người ở tuổi học sinh trên ghế nhà trường. Cho nên việc Bộ Giáo “dạy người” cho các em thì dễ, nhưng để việc dạy người không bị những tấm gương xấu của người lớn kia phản bác, đè bẹp, trở lại “dạy con” cho các em, thì lại thật vô cùng nan giải.
Như vậy có nghĩa là ở đây, việc học làm người là liên tục suốt đời. Tức là, cứ khi nào chúng ta còn nghe thấy, nhìn thấy, thì chúng ta còn tiếp thu được thế giới quan vào đầu, nghĩa là chúng ta vẫn còn học trên thực tế.
Và như vậy thì chúng ta nhận thấy là việc “dạy người” không thể một mình Bộ Giáo dục làm mà được. Cần lắm sự chung tay của toàn xã hội, từ cấp cao nhất là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cho đến các cơ quan bảo vệ pháp luật, báo chí tuyên truyền, các cơ quan đảng đoàn, qua công tác bảo vệ pháp luật, tuyên truyền định hướng, dân vận, nêu gương …
Tuy nhiên trước hết vẫn là bàn về trách nhiệm “dạy người” của Bộ Giáo dục. Thì ở đây, việc “dạy người” sẽ vẫn còn thiếu và do đó có thể trở nên công cốc, nếu Bộ Giáo dục không dạy cho các em khả năng đề kháng tốt với cái xấu, để chống lại cái xấu tiêm nhiễm vào đầu mà làm hỏng kiến thức học làm người các em đã được học.
Tức là, phải dạy các em cái việc đấu tranh không khoan nhượng chống cái xấu của bất kỳ ai, mà không có sự nể nang nào hết. Có như vậy các em sau khi được học làm người rồi mới có khả năng miễn nhiễm với cái xấu tác động trở lại, để bảo vệ được những cái học làm người đã được học trong con người mình, giữ được kiến thức làm người cho đến suốt đời.
Phạm Minh Hà