+
Aa
-
like
comment

Xử lý gian lận điểm thi ở Hà Giang: Sao vẫn “bình chân như vại”?

16/08/2019 11:22

Cùng hoàn cảnh, cùng thời điểm, cùng tính chất, cùng đối tượng gian lận điểm thi, nhưng Hòa Bình, Sơn La xử lý hậu quả, tiến hành kỉ luật khẩn trương, nghiêm minh bao nhiêu, thì Hà Giang quy mô gian lận điểm thi lớn hơn lại chậm trễ, lơ là bấy nhiêu. Dù trực tiếp hay gián tiếp dính đến gian lận điểm thi, thì hầu như quan lớn quan bé Hà Giang vẫn “bình chân như vại”.

Mùa thi tốt nghiệp phổ thông trung học năm 2018, Sơn La, Hòa Bình, và Hà Giang làm chấn động dư luận cả nước. Chấn động không phải là thi cử mẫu mực, nghiêm túc, trung thực, quy chế chặt chẽ, càng không phải kết quả cao phản ánh đúng thực lực giáo dục phổ thông tỉnh nhà. Chấn động bởi mùa thi cũng là mùa gian lận kinh hoàng đến mức dư luận vừa chán nản, vừa bức xúc phản đối. Chấn động bởi ba tỉnh miền núi này đời sống kinh tế còn nghèo, giao thông khó khăn, giáo dục thường đứng tốp dưới, nhưng kết quả thi lại như mùa vàng bội thu. Điểm 9, điểm 10 tưng bừng. Thủ khoa, á khoa… nhiều như tép nhảy ở tốp đầu.

Bỗng dưng, sáng chói Hà Giang – nơi địa đầu tổ quốc, số thí sinh có điểm thi tốt nghiệp năm 2018 cao đến mức các nơi được coi là đất học như Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh… hay các nơi tập trung nhiều nhân tài vật lực như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội cũng… khát khao, thèm muốn. Tỷ lệ điểm giỏi ở Hà Giang gấp 23 lần Hà Nội là nơi có những trường chuyên nổi tiếng như Amstedam, Chu Văn An và Nguyễn Huệ. Môn Toán có 57 bài thi được điểm 9 trở lên, trong khi thành phố Hồ Chí Minh chỉ có 32 và Nam Định được coi là đất học “tủi phận” chỉ có 13. Khối A1 (Toán, Lý, Anh) toàn quốc có 76 thí sinh có điểm thi từ 27 điểm trở lên, riêng Hà Giang đã 36 em, gần ½ toàn quốc; khối A cũng chiếm 1/3 cả nước.”. Giáo dục Hà Giang cứ như là Thánh Gióng vượt trội tất cả trong mùa thi tốt nghiệp. Tương tự, Hòa Bình, và Sơn La cũng chói ngời không kém.

68425553_1740605709416211_3309538507935973376_n

Thường thì, hàng xóm được mùa là làng bản hân hoan, ăn mừng, chứ mấy khi trâu buộc ghét trâu ăn. Thường thì, kết quả thi đạt cao vào tốp đầu toàn quốc là dễ được khen thưởng, chọn đi báo cáo điển hình, chia sẻ kinh nghiệm trong các cuộc sơ kết, tổng kết. Thậm chí được chọn làm đơn vị điển hình thành tấm gương sáng, phát động thi đua, kêu gọi học sinh và giáo viên các nơi ùn ùn đến tham quan, học tập. Nhưng, niềm vui ngắn chẳng tầy gang. Đột xuất tốt quá hóa nghi ngờ. Bỗng dưng điểm cao quá thành ra khó tin. “Vạn Lý Trường Thành không thể xây trong một đêm”, vùng trũng giáo dục như Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang không thể một mùa thi mà vươn vai đứng dậy chói lòa. Nghi ngờ cũng không có gì lạ.

Nghi ngờ và dư luận ầm lên đòi trả lại công bằng trong giáo dục. Bởi, hạnh phúc là cái chăn rất hẹp, người này kéo trùm kín đầu thì người kia hở chân. Chấm thẩm định mới “cháy nhà ra mặt chuột”: “Một sự thật nữa còn đau lòng hơn là sau khi “chấm thẩm định, 3 thí sinh ở Hà Giang thuộc nhóm 11 thí sinh có điểm thi cao nhất nước đều bị giảm điểm. Bất ngờ hơn, một em khác trượt tốt nghiệp vì bị điểm liệt môn Toán”. Ở Sơn La, “Bộ GD-ĐT chấm thẩm định các bài thi trắc nghiệm của 44 thí sinh, kết quả cả 44 thí sinh đều bị hạ điểm với tổng điểm giảm từ 2,2 – 26,55 điểm”… Một mùa thi làm mất lòng tin của nhân dân.

Tuy nhiên, không ai nắm tay được từ sáng đến tối. Có làm thì có sai, vấn đề quan trọng hướng thiện là người vấp ngã có biết ngã ở đâu đứng dậy ở đó không? Riêng về chuyện khắc phục sửa chữa sai lầm, dù chưa thật sự làm dư luận nhân dân mãn nguyện như ý, nhưng Hòa Bình, Sơn La cũng đã có động thái tích cực giải quyết hậu quả tệ hại của mùa thi 2018.

Ở Sơn La: Ông Cầm Ngọc Minh – nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh bị kỷ luật khiển trách. Ông Phạm Văn Thủy – Phó chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo kỳ thi bị cảnh cáo. Ông Hoàng Đức Tiến – Giám đốc Sở GD &ĐT, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo, Chủ tịch Hội đồng thi bị cách tất cả các chức vụ về Đảng…

Ở Hòa Bình: Ông Bùi Văn Cửu – Phó chủ tịch tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo kỳ thi bị kỷ luật cảnh cáo. Ông Bùi Trọng Đắc – Giám đốc Sở GD&ĐT, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo, Chủ tịch Hội đồng thi bị kỷ luật cảnh cáo về Đảng. Ông Đắc còn bị đề nghị cách chức giám đốc. Ông Nguyễn Đức Lương – Phó giám đốc Sở GD&ĐT; bà Đinh Thị Hường – Phó giám đốc Sở GD&ĐT và ông Nguyễn Thành – Phó giám đốc Công an tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Kỳ thi bị kỷ luật thức khiển trách.

Các cán bộ cấp dưới, người trực tiếp, người gián tiếp cũng lần lượt ra vành móng ngựa hoặc bị kỉ luật thích đáng về đảng, hoặc chính quyền với tinh thần sai lầm khuyết điểm đến đâu xử lý đến đó. Đúng người đúng tội. Thực ra, không tổ chức, cá nhân nào thấy cán bộ bị kỉ luật, bị chấp pháp là hân hoan mừng, nhưng không kỉ luật, không tuyên án không dược. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Kỉ luật càng nghiêm minh thì công bằng xã hội càng tốt. Hòa Bình, Sơn La làm được, và làm nghiêm thì cớ sao Hà Giang lại chần chừ, “bình chân như vại”?

67958797_1740605856082863_6193833652514717696_o

Ngoài chuyện khởi tố bị can trong đường dây móc ngoặc sửa điểm, Hà Giang mới chỉ kỷ luật cảnh cáo ông Trần Đức Quý – Phó Chủ tịch tỉnh và ông Vũ Văn Sử – Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo. Nếu so sánh tương quan tính chất, quy mô gian lận điểm thi thì Sơn La sửa điểm thi 44 thí sinh, Hòa Bình sửa điểm thi cho 64 thí sinh, chỉ đáng bậc “đàn em” Hà Giang sửa điểm thi cho 114 thí sinh. Vậy mà, ông Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo Sơn La là Hoàng Đức Tiến thì bị thu hồi, hủy bỏ quyết định nghỉ hưu, bị cách tất cả các chức vụ về Đảng. Ông Tiến còn bị xem xét các hình thức kỉ luật chính quyền, và không loại trừ bị truy tố… Cùng chức vụ như nhau. Tính chất, quy mô gian lận điểm thi thì Hà Giang vi phạm nhiều hơn, rộng hơn Sơn La, nhưng Hà Giang xử lý kỉ luật nhẹ hơn Sơn La. Dường như Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Giang được ưu ái, “giơ cao đánh khẽ”? Vì sao lại có chuyện “kẻ phạt không hết, người lần chẳng ra” thế? Đâu là công bằng xã hội? Đâu là nghiêm minh thực thi pháp luật?

Phụ huynh là cán bộ lãnh đạo có con được sửa điểm, nâng điểm “tuy chưa bắt tận tay, day tận trán”, nhưng Hòa Bình và Sơn La cũng chỉ đạo xem xét nghiêm minh, thẳng thắn. Ông Hoàng Quốc Khánh – Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La kí công văn chỉ đạo: “chưa xem xét việc đề bạt, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu cán bộ ứng cử, khen thưởng, bổ sung quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức có liên quan đến việc nâng điểm cho thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh Sơn La khi chưa có kết luận của các cơ quan có thẩm quyền”.

Hòa Bình cũng cất bước tiến theo: “Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy đã chỉ ra 5 cán bộ có con được nâng điểm trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018, gồm: Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ; Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh; Giám đốc Công ty Bảo Việt Hòa Bình; nguyên Giám đốc Sở Giao thông vận tải. “UB Kiểm tra Tỉnh ủy yêu cầu Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh và Ban Thường vụ Thành ủy Hòa Bình chỉ đạo tổ chức Đảng cơ sở thực hiện quy trình thi hành kỷ luật các đồng chí này theo thẩm quyền và báo cáo kết quả về Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UB Kiểm tra Tỉnh ủy trước ngày 10/8”.

Quân pháp bất vị thân. Vi phạm nặng kỉ luật nặng. Vi phạm nhẹ, kỉ luật nhẹ. Không chừa một ai, dù chưa làm thỏa lòng nhân dân và chính pháp, nhưng các động thái quyết liệt, nghiêm khắc giải quyết hậu quả gian lận điểm thi của Sơn La, Hòa Bình cũng rất đáng được hoan nghênh, chia sẻ.

Tuy nhiên, Hà Giang thì vẫn cứ chần chừ, lưỡng lự. Năm tháng thời gian sẽ trôi qua. Dân gian có câu: “Để lâu cứt trâu hóa bùn”. Sự kiện gian lận điểm thi nguội dần, nhạt dần, rồi rất có thể lại lui vào quên lãng. Nhưng, người có lương tri, lương tâm thì không thể nào quên mỗi khi nhìn thấy đứa trẻ được nâng điểm thi chiếm chỗ con người khác.

Nguyệt Minh

Bài mới
Đọc nhiều