+
Aa
-
like
comment

Xu hướng “phi USD hóa” đang đe dọa đến khả năng trả nợ của Mỹ?

Huy Hoàng - 03/05/2023 14:17

Xu hướng “phi USD hóa” tức thay thế đồng bạc xanh trong giao dịch quốc tế hoặc dự trữ ngoại hối, đang đe dọa đến khả năng vay lẫn trả nợ của Mỹ. Xu hướng này không còn là của tương lai mà đã diễn ra rất mạnh trong hiện tại, khi Trung quốc đã và đang có những nước đi “cần thiết”.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen cảnh báo nước Mỹ vỡ nợ sẽ gây ra một “thảm họa kinh tế” toàn cầu.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã tăng dự trữ vàng thêm khoảng 102 tấn, trong giai đoạn từ tháng 11/2022 đến trước tháng 3/2023. Dự trữ vàng của Trung Quốc hầu như không thay đổi suốt 3 năm trước đó, nhưng từ tháng 11/2022, Bắc Kinh đã đẩy mạnh việc mua vàng thỏi. Tổng kho dự trữ vàng thỏi của quốc gia này hiện ở mức khoảng 2.068 tấn, đứng thứ 6 trên thế giới.

Cùng với lượng vàng tăng lên, thì tỷ lệ nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ của Trung Quốc ở thời điểm cuối tháng 12/2022 đã rơi xuống mức thấp nhất trong hơn 12 năm. Theo số liệu Bộ Tài chính Mỹ, Trung Quốc đã cắt giảm khoảng 173,2 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ, tương đương 17% trong năm 2022.

Đáng nói hơn hết, là hồi tháng 2 đầu năm, Bắc Kinh đã mở đường cho Hồng Kông xây dựng chính sách về tiền điện tử. Theo đó, Đặc khu hành chính này được định hướng sẽ trở trung tâm tiền kỹ thuật số. Và công dân Hồng Kông sẽ được phép mua, bán và giao dịch tài sản tiền điện tử từ ngày 1/6/2023. Trong khi đó, người dân ở Trung Quốc đại lục thì bị cấm các hoạt động giao dịch liên quan đến tiền số điện tử. Lệnh cấm và tịch thu trên toàn quốc vào năm 2021 đã giúp Trung Quốc trở thành ‘cá voi tiền điện tử’ thầm lặng trên thị trường khi nắm giữ tới 194.000 Bitcoin và 833.000 Ethereum.

Như chúng ta biết, thị trường tiền kỹ thuật số từ lâu đã được xem như một con đường hiệu quả để né các lệnh trừng phạt. Đặc biệt nếu Mỹ muốn phát lệnh cấm một quốc gia nào đó sử dụng hệ thống thanh toán đồng USD.

Như vậy, tăng cường mua vàng thỏi, bán tháo trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ, cho phép công dân Hong Kong giao dịch tiền số, … Dường như Bắc Kinh đang gấp rút trong một cuộc chạy đua chuẩn bị ứng phó với các biện pháp trừng phạt có thể xảy ra trong tương lai từ Mỹ.

Trung Quốc đẩy mạnh mua vàng thỏi trước những thay đổi khó lường tình hình chính trị thế giới.

Sự chuẩn bị của Trung Quốc cũng cho thấy rằng nước này rất quyết tâm trong việc lật đổ vị thế đồng USD, họ đã và đang sẵn sàng cho việc đó. Vậy câu hỏi được đặt ra là tiến trình này có đe dọa đến núi nợ khổng lồ mà nước Mỹ đang gánh hay không? Và nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến triển vọng nền kinh tế Mỹ trong tương lai?

Đầu tiên, vẫn cần khẳng định rằng đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc chưa thể thay thế vị trí của đồng bạc xanh. Theo dữ liệu từ SWIFT cho thấy, trong tháng 3, đồng NDT chỉ chiếm khoảng 4,5% tổng khối lượng giao dịch thương mại toàn cầu, trong khi tỷ lệ này của đồng USD là 83,7%. Điều đó cho thấy NDT vẫn còn cách khá xa sự thống trị của đồng USD. Thế nhưng kể cả khi đồng NDT không thay thế đồng USD thì tiến trình phi USD vẫn diễn ra, do hệ quả từ việc “vũ khí hóa” đồng USD mà Mỹ dùng trừng phạt nước Nga.

Tiến trình phi USD hóa lan rộng vài tháng qua và được thúc đẩy mạnh mẽ bởi Trung Quốc, đã theo đó đã tạo nên một hệ quả đó là nợ bằng đồng USD trên toàn cầu giảm mạnh. Ghi nhận hiện ngày càng có nhiều quốc gia liên tục thoái vốn khỏi các khoản nợ của Mỹ trả bằng đồng USD. Theo Reuters, số liệu từ tháng 10/2022 cho thấy khoản nợ của Mỹ mà Nhật nắm giữ đã giảm xuống còn khoảng 1.120 tỉ USD, mức thấp nhất trong ba năm trở lại đây.

Còn tổng số nợ của Mỹ mà Trung Quốc nắm giữ là 933,6 tỉ USD, thấp hơn đáng kể so với con số 1.320 tỉ USD của 10 năm trước.

Saudi Arabia cũng đã bán khoản nợ tích lũy khoảng 62 tỉ USD của Mỹ từ năm 2020, mức bán tháo tổng cộng là 35% và từ năm 2021 bắt đầu đẩy mạnh hơn nữa việc bán tháo các khoản nợ của Mỹ.

Hệ quả này cho thấy trong dài hạn, việc đồng USD giảm vị thế sẽ khiến Chính phủ Mỹ trở nên khó đi vay hơn, bên cạnh đó còn phải xử lý khối nợ hơn 31,000 tỷ đô đã tích tụ nhiều năm qua. Điều này gây lo ngại về triển vọng kinh tế lẫn xã hội Mỹ. Do cũng giống với Trung Quốc, Mỹ cũng phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số, gây áp lực lớn lên các khoản trợ cấp xã hội.

Mặc dù trong ngắn hạn, việc Mỹ vỡ nợ là gần như không thể xảy ra. Do Quốc hội Mỹ có thể thông qua mức trần nợ mới, để Chính phủ Mỹ vay và thanh toán kịp thời các khoản đến hạn. Ngoài ra chỉ có khoảng 1/3 số nợ do công chúng nắm giữ của Mỹ hiện nay là thuộc về các chủ sở hữu nước ngoài. Số còn lại thuộc về các tổ chức trong nước như Cục dữ trữ liên bang Mỹ (Fed), các tập đoàn, nhà đầu tư cá nhân trong nước, chính quyền địa phương hoặc tiểu bang. Do đó, khả năng Mỹ vỡ nợ hiện nay là rất thấp.

Tuy nhiên, trong dài hạn, việc chi tiêu của Chính phủ Mỹ khiến ngân sách thâm hụt hằng năm, cùng với việc khó đi vay hơn sẽ gây một mối lo ngại thực sự về khối nợ khổng lồ mà nước Mỹ đang gánh.

Huy Hoàng

Bài mới
Đọc nhiều