Xu hướng mới về năng lượng: Chúng ta không thể ngoài cuộc!
Việc hạn hán đáng báo động từ đông sang tây càng khẳng định được tính cấp thiết của việc sử dụng năng lượng xanh, sạch. Tuy nhiên, hiện nay không phải ai cũng nhận thức rõ được tính nghiêm trọng và cấp thiết của vấn đề!
Khi chúng ta sử dụng năng lương thô, năng lượng hóa thạch cho các nhu cầu sinh hoạt của đời sống là đã và đang góp phần vào việc hủy hoại môi trường. Chúng là nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm ngày càng trầm trọng trên khắp hành tinh. Chúng không thể tái tạo và do đó, chúng không thực sự bền vững. Chưa kể, quá trình khai thác cũng rất nguy hiểm và đã khiến hàng triệu người bỏ mạng mỗi năm.
Vậy tại sao ta vẫn dùng, bất chấp sức khỏe, tính mạng và tương lai của mình? Câu trả lời được số đông chấp nhận là vì rẻ. Nhưng những hệ lụy khủng khiếp từ khí thải ròng đã khiến cả thế giới bất đầu phải suy nghĩ nghiêm túc về mối quan hệ giữa hiện tại và tương lai. Tất nhiên, Việt Nam cũng không thể nằm ngoài xu thế đó!
Là một trong những quốc gia tham dự và có những đóng góp quan trọng trong COP26, Việt Nam đã cùng nhiều nước cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ này, giảm phát thải metan toàn cầu vào năm 2030 và thống nhất chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch trong thời gian sớm nhất, …
Các nhà lãnh đạo châu Âu rất ấn tượng với Việt Nam trong vai trò mới của một quốc gia đi đầu trong các ứng phó về môi trường và biến đổi khí hậu. Những thông điệp và cam kết của Việt Nam tại COP26 đã và đang cải thiện mạnh mẽ hình ảnh của Việt Nam trong con mắt của các nhà đầu tư quốc tế.
Tuy nhiên, những cam kết ấy sẽ chỉ mãi nằm trên trang giấy nếu chúng thiếu đi tính thực tế và sự ủng hộ, hưởng ứng của người dân. Nhân dân, suy cho cùng, là nhân tố quyết định đến sự thành – bại của các chính sách. Do đó, sự ủng hộ và đồng thuận từ nhân dân trước những quyết định rất nhỏ như chủ động sử dụng năng lượng xanh, sạch cho bản thân và gia đình cũng là một cách cho thấy các cam kết lớn hơn ở COP26 có khả năng hoàn thành trên thực tế.
Mặc dù, hiện nay, tình hình kinh tế của phần lớn người dân còn eo hẹp, năng lượng sạch thường có giá thành cao hơn so với các loại năng lượng hóa thạch, nhưng, nhìn chung, đang có xu hướng sử dụng năng lượng sạch trong xã hội. Các sản phẩm xanh, sạch luôn nhận được sự đón nhận, hưởng ứng của nhiều người. Bởi lẽ, sử dụng năng lượng sạch có ý nghĩa lâu dài, không phải là câu chuyện của trước mắt. Đầu tư cho năng lượng sạch là đầu tư cho tương lai, mà đã là đầu tư cho tương lai thì không bao giờ là thừa cả.
Khánh Đăng