+
Aa
-
like
comment

Xu hướng chia tách toàn diện Trung-Mỹ là không thể ngăn chặn

01/09/2019 23:49

Cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ đã bước vào thời khắc đặc biệt nhạy cảm khi hai bên cứng rắn đáp trả nhau, từ xung đột thương mại đã mở rộng sang nhiều lĩnh vực như khoa học công nghệ, tài chính, quân sự. Mặc dù ngoài mặt hai bên tỏ ra vẫn sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán, nhưng mức độ phức tạp của bàn cờ này đã tiềm ẩn những biến cố khó lường, hai bên đã chuẩn bị cho tình huống chia tách triệt để với nhau.

Cuộc chiến thương mại nâng cấp thành chia tách về hệ thống tài chính

Đầu tháng tám năm nay cả hai bên Trung – Mỹ thay phiên trả đòn nhau khiến chỉ trong một tuần mà cuộc chiến tranh thương mại nóng lên nhanh chóng: Mỹ bổ sung thuế đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá 300 tỷ USD, đồng CNY vượt mức quan trọng 7 CNY đổi 1 USD, tiếp theo là Mỹ đã tuyên bố Trung Quốc thao túng tiền tệ, cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ đã leo thang từ cuộc chiến thương mại sang cuộc chiến tài chính.

Cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ đã bước vào thời khắc đặc biệt nhạy cảm khi không bên nào chịu nhân nhượng. (Nguồn: Getty Images)
Cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ đã bước vào thời khắc đặc biệt nhạy cảm khi không bên nào chịu nhân nhượng. (Nguồn: Getty Images)

Gần đây có hai thông tin nổi bật nhất của cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ:

Thứ nhất là Trung Quốc bổ sung thuế từ 5∼10% đối với hàng hóa xuất khẩu của Mỹ trị giá 75 tỷ USD, sau đó Mỹ nhanh chóng đáp trả bằng thuế bổ sung 5% vào hàng xuất khẩu Trung Quốc sang Mỹ trị giá 550 tỷ USD, đồng thời đề cập đến “Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế” (IEEPA) để đòi hỏi các công ty Mỹ phải về nước.

Thứ hai là ngày 26/8, hai Thượng nghị sĩ Mỹ là Marco Rubio thuộc đảng Cộng hòa và Jeanne Shaheen thuộc đảng Dân chủ cùng đôn thúc Quỹ đầu tư Hưu trí Liên bang thu hồi danh mục đầu tư trị giá 50 tỷ USD có liên quan đến doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc. Sau những đòn ăn miếng trả miếng, tốc độ chia tách giữa Trung Quốc và Mỹ trong lĩnh vực thương mại và tài chính đã tăng tốc đáng kể. Mỹ đang nỗ lực để cắt đứt các nguồn tài chính đổ vào Chính phủ Trung Quốc và chuẩn bị cho việc chia tách triệt để về tài chính giữa hai bên.

Cuối năm 2017, Mỹ đã thông qua Dự luật cải cách thuế TCJA để khuyến khích dòng tư bản từ nước ngoài chảy về Mỹ, theo đó mức thuế đối với tiền mặt đưa về Mỹ giảm từ từ 35% xuống còn 15,5%, còn đối với nguồn tài sản khác không phải tiền mặt là 8%. Nhật báo Kinh tế của Đài Loan dẫn nguồn tin thống kê của Bộ Thương mại Mỹ cho biết, nguồn tư bản chảy về Mỹ năm 2017 là 155,1 tỷ USD, năm 2018 là 665 tỷ USD. Nguồn tin dẫn ý kiến của chuyên gia cho biết theo ước tính cho đến nay nguồn tiền chảy về Mỹ đã lên hơn 1.000 tỷ USD.

Đồng thời, Nhà Trắng cũng không ngừng kêu gọi Phố Wall và các công ty đa quốc gia giảm hoặc rút đầu tư khỏi Trung Quốc. Với sự phát triển của tình hình, các tập đoàn tài chính ở Phố Wall này, vốn dĩ trước đây đầu tư mạnh vào các quỹ thuộc chính phủ của ĐCSTQ, ngày nay đang cắt giảm dần.

Trong số tất cả các biện pháp, có lẽ “Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế” mà Tổng thống Trump đề cập là có tính răn đe nhất.

IEEPA là vũ khí mạnh mẽ nhất

Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA), tiếng Anh là International Emergency Economic Powers Act, là một Đạo luật được nghị sỹ Jonathan B. Bingham đề xuất tại Hạ viện vào ngày 13/6/1977 với tên là H.R.7738 và được tổng thống Jimmy Carter ký ban hành thành Luật vào ngày 28/12/1977.

Đạo luật ủy quyền cho Tổng thống Mỹ sau khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp sẽ có được quyền lực lớn hơn để ngăn chặn hoạt động của các công ty riêng lẻ, thậm chí toàn bộ nền kinh tế. Trong vài thập kỷ qua Chính phủ Mỹ đã nhiều lần sử dụng đạo luật, bao gồm cả việc áp dụng vào trừng phạt Iran và Nga. Nếu ứng phó với ĐCSTQ, Tổng thống Trump sẽ có quyền phong tỏa tài sản ở nước ngoài của quan chức Trung Quốc và kiểm soát chúng, thậm chí là tịch thu; cũng có thể cấm tất cả các công ty Mỹ làm ăn với Trung Quốc, cấm các công ty quan hệ với Trung Quốc được tham gia trong các gói dự thầu của chính phủ Mỹ; Thậm chí có thể sử dụng “Đạo luật Giao dịch với kẻ thù” để xử phạt các quốc gia quan hệ thương mại với Trung Quốc.

Trong bối cảnh chính giới Mỹ hiện nay (giữa nội các của TT Trump và Quốc hội cũng như giữa hai đảng) có sự đồng thuận cao hiếm thấy trong vấn đề ứng phó với ĐCS Trung Quốc, chỉ cần Tổng thống Mỹ tuyên bố tình trạng khẩn cấp là các công ty Mỹ sẽ nhanh chóng rút khỏi Trung Quốc, ngừng làm ăn với Trung Quốc. Tuy nhiên sự hoảng loạn kinh tế hiện nay cũng đủ để đe dọa nghiêm trọng đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc, đẩy nhanh nguồn vốn chảy khỏi Trung Quốc, làm suy yếu thêm cơ sở công nghiệp của Trung Quốc và phá hủy nền tảng cầm quyền của ĐCS Trung Quốc.

Công nhân làm việc tại một chi nhánh của hãng xe General Motors (Mỹ) ở TP Liễu Châu - Trung Quốc Ảnh: REUTERS
Công nhân làm việc tại một chi nhánh của hãng xe General Motors (Mỹ) ở TP Liễu Châu – Trung Quốc Ảnh: REUTERS

Quân sự và khoa học công nghệ cũng đang chia tách mạnh mẽ

Với cuộc chiến tranh thương mại Trung – Mỹ leo thang, Mỹ và Trung Quốc cũng ngày càng chia tách trong lĩnh vực quân sự và khoa học công nghệ cao, chẳng hạn như biện pháp trừng phạt trực tiếp của Mỹ chống lại ZTE và Huawei; tấn công vào “kế hoạch ngàn nhân tài” của ĐCSTQ, hạn chế cổ phần đầu tư đối với doanh nghiệp Trung Quốc, xử lý các cáo buộc gián điệp của chính phủ Trung Quốc, từng bước dịch chuyển khỏi Trung Quốc các hoạt động sản xuất linh kiện của quân đội, và hạn chế cấp thị thực cho sinh viên Trung Quốc đến Mỹ học tập trong các lĩnh vực công nghệ cao nhạy cảm. Gần đây, hoạt động điều tra của chính phủ Mỹ về hợp tác giữa công ty Google với quân đội Trung Quốc đã khẳng định rõ việc chấm dứt quan hệ với Trung Quốc trong lĩnh vực khoa học công nghệ quân sự đang được đẩy mạnh triệt để.

Mỹ chống lại ZTE và Huawei
Mỹ chống lại ZTE và Huawei

Hậu quả trực tiếp của tình trạng leo thang cuộc chiến thương mại và chia tách toàn diện về khoa học công nghệ quân sự, rất có thể sẽ là cuộc đối đầu quân sự trong tương lai. Gần đây cựu cố vấn chiến lược Steve Bannon đã đề xuất rằng quân đội Mỹ cần thúc đẩy tháo dỡ các cơ sở quân sự của ĐCS Trung Quốc tại Biển Đông.

Đề xuất vừa đưa ra thì ngày 28/8 vừa qua, theo Reuters, tàu khu trục của Hải quân Mỹ đã đi vào trong vùng 12 hải lý tại Biển Đông để kiểm soát hai rạn san hô. Reuters chia sẻ ý kiến của Trung tá Troy Amundson, người phát ngôn Hạm đội 7 Hải quân Mỹ cho biết, tàu khu trục Hải quân Mỹ USS Wayne E. Meyer lần này đã hoàn thành hành động “tự do hàng hải”, là “phù hợp với luật pháp quốc tế và thách thức tuyên bố quá độ về vùng biển, qua đó bảo vệ hoạt động đi lại đường biển” không liên quan gì đến chính trị.

Nếu hai bên thực sự muốn chia tách thì họ đã chuẩn bị sẵn sàng chưa?

Đảng Cộng sản Trung Quốc đang nỗ lực chuẩn bị

Cách đây không lâu, nhà kinh tế Larry Brainard tại tổ chức nghiên cứu nổi tiếng TS Lombard chỉ ra rằng ĐCS Trung Quốc có động lực mạnh mẽ để chia tách hoạt động thương mại của họ khỏi Mỹ, tình cảnh bây giờ chỉ là phần nổi của tảng băng trôi.

Đối với thể chế toàn trị ĐCS Trung Quốc, khi mà họ thấy tình hình kinh tế còn khả năng trụ được thì rất ít khả năng họ chấp nhận thỏa thuận thương mại mới, từ bỏ mô hình phát triển chủ nghĩa tư bản nhà nước do một thiểu số gia tộc quyền quý kiểm soát; còn Mỹ chắc chắn cũng không bao giờ giảm bớt yêu cầu để đạt được hiệp định thương mại công bằng.

ĐCS Trung Quốc không ngại đánh thuế quan bổ sung đối với hoàng hóa Mỹ 75 tỷ USD, phần nào cho thấy đã có chuẩn bị cho tình huống chia tách hoàn toàn giữa hai nền kinh tế. Đồng thời ĐCS Trung Quốc cũng phát động toàn cỗ máy tuyên truyền, kêu gọi 1,4 tỷ người dân Trung Quốc sẵn sàng “tự lực cánh sinh và tự cung tự cấp”, thậm chí nhấn mạnh vào việc xây dựng nền kinh tế theo nhu cầu trong nước, răng đây là xu hướng tất yếu để nền kinh tế Trung Quốc bước vào giai đoạn phát triển chất lượng cao.

Mỹ bắt tay với các đồng minh G7 để ứng phó ĐCS Trung Quốc

Về phía Mỹ, Mỹ cũng đang tích cực xúc tiến sự hiện diện trên quốc tế, liên kết với các đồng minh phương Tây cũ để ứng phó thách thức của ĐCS Trung Quốc.

Hội nghị G7 vừa kết thúc là một hội nghị có ý nghĩa chiến lược quan trọng. Tại Hội nghị G7 lần này, tất cả các quốc gia đều bày tỏ sự ủng hộ đối với Mỹ bằng cách từ bỏ một số lợi ích ban đầu của họ để giúp Mỹ chống lại ĐCS Trung Quốc. Các nước thống nhất rằng các nước công nghiệp truyền thống phải hợp lực để ngăn chặn ĐCS Trung Quốc tiếp tục đe dọa nền kinh tế và dân chủ toàn cầu, muốn trở lại trật tự thế giới truyền thống thì các nước cần phải từ bỏ và hy sinh một số lợi ích tương ứng. Trong số đó, Nhật Bản đã ký một thỏa thuận nông nghiệp với Mỹ mà vốn dĩ nhiều năm trước đã không đạt được, giúp TT Trump củng cố kho phiếu bầu của cử tri nông nghiệp.

Các giá trị chung cũng như lợi ích chung về an ninh và kinh tế của G7 thúc đẩy các nước hỗ trợ nước Mỹ và TT Trump, có thể xem là bước đi quan trọng nhất của Mỹ trước khi chuẩn bị chia tách toàn diện với Trung Quốc.

Kim Đường

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều