+
Aa
-
like
comment

Xử gian lận điểm thi: Công bố lời khai của một loạt sếp, người thân lãnh đạo tỉnh Hà Giang

17/10/2019 14:57

Hội đồng xét xử phiên toà sơ thẩm vụ gian lận điểm thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 ở tỉnh Hà Giang sáng 17-10 đã công bố một loạt lời khai của những người liên quan, trong đó có Phó chủ tịch tỉnh, Phó chủ tịch HĐND tỉnh, mẹ của Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.

Ngày 17-10, ngày thứ 4 diễn ra phiên tòa sơ thẩm xét xử 5 bị cáo liên quan đến vụ gian lận điểm thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 ở tỉnh Hà Giang, Hội đồng xét xử (HĐXX), Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND), các luật sư tiếp tục xét hỏi bị cáo, những người được triệu tập có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan trong vụ án.

Sau khi xét hỏi hàng chục người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến dự tòa, HĐXX đã công bố lời khai của những người vắng mặt, trong đó có ông Trần Đức Quý (Phó chủ tịch tỉnh) và em gái của ông Triệu Tài Vinh (nguyên Bí thư tỉnh uỷ Hà Giang, hiện là Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương).

Xử gian lận điểm thi: Công bố lời khai của một loạt lãnh đạo, người thân lãnh đạo tỉnh Hà Giang - Ảnh 1.
Ông Trần Đức Quý, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang (bên phải), tại phiên toà hôm 18-9

Trong phần thủ tục, trong số những người được triệu tập, bà Triệu Thị Giang (Phó trưởng phòng Kinh tế đối ngoại thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư, em gái ông Triệu Tài Vinh) và bà Phạm Thị Hà (Phó giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh Hà Giang, vợ ông Triệu Tài Vinh) có đơn xin vắng mặt.

Thẩm phán Vương Thị Thu Hà, chủ tọa phiên toà, cho biết tại cơ quan điều tra, ông Trần Đức Quý (Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, bác của thí sinh Lê Ngọc Ngân), khai trước khi kỳ thi diễn ra, ông đã nhờ bị cáo Nguyễn Thanh Hoài (nguyên trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục – Sở GD-ĐT) tỉnh Hà Giang, xem điểm cho thí sinh này nhưng kết quả lại được nâng điểm.

Còn bà Nguyễn Thị Châm (mẹ thí sinh Lê Ngọc Ngân) khai nhờ bác của cháu là ông Trần Đức Quý “xem xét giúp đỡ”.

Tiếp đó, chủ tọa phiên tòa cho biết bà Triệu Thị Giang (cô của thí sinh Triệu Ngọc Mai – con gái ông Triệu Tài Vinh) khai bản thân không hề nhờ bị cáo Nguyễn Thanh Hoài nâng điểm cho bất cứ ai trong kỳ thi năm 2018. “Chỉ có duy nhất một lần có nói về mấy đứa cháu để giúp thôi, không nói rõ gì thêm” – Thẩm phán Vương Thị Thu Hà công bố.

Ngoài ra, bà Chúng Thị Chiên (Phó chủ tịch HĐND tỉnh Hà Giang) khai đã nhắn tin nhờ bị cáo Triệu Thị Chính (cựu phó giám đốc Sở GD-ĐT) xem điểm cho con gái Lưu Thủy Tiên. Kết quả thí sinh này không được nâng điểm.

Xử gian lận điểm thi: Công bố lời khai của một loạt lãnh đạo, người thân lãnh đạo tỉnh Hà Giang - Ảnh 2.
Bị cáo Nguyễn Thanh Hoài trước bục khai báo sáng nay 17-10

Đáng chú ý, trong danh sách cán bộ, đảng viên có liên quan đến sai phạm trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 tại Hà Giang, chưa đến mức áp dụng hình thức kỷ luật, yêu cầu kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm có trường hợp bà Vương Ngọc Hà, hiện là Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang.

Mẹ đẻ của bà Hà là Nguyễn Thuý Nga đã tác động cho con bà Hà là Mai Vương Bảo Ngọc, thí sinh này sau đó được nâng điểm thi.

Theo thẩm phán Vương Thu Hà, bà Nga xác nhận đã nhờ Nguyễn Thanh Hoài xem điểm, nhưng sau đó đã được nâng điểm.

Phiên toà sẽ tiếp tục diễn ra vào chiều nay 17-10.

Phiên toà sơ thẩm xét xử 5 bị cáo liên quan đến vụ gian lận điểm thi trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 tại tỉnh Hà Giang ban đầu dự kiến diễn ra trong 3 ngày: 14, 15, 16-10, song hiện được kéo dài thêm 2 ngày. Các bị cáo gồm: Nguyễn Thanh Hoài và Vũ Trọng Lương, nguyên trưởng và phó Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục – Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang, bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định tại điều 356 Bộ luật hình sự.

Bị cáo Triệu Thị Chính, nguyên phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Giang, bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”, quy định tại điều 358 Bộ luật hình sự.

Bị cáo Phạm Văn Khuông, nguyên phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Giang và Lê Thị Dung, nguyên phó đội trưởng thuộc Phòng An ninh Chính trị nội bộ – Công an tỉnh Hà Giang, bị truy tố về tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”, quy định tại điều 366 Bộ luật Hình sự.

Các cơ quan tố tụng xác định 5 bị cáo nêu trên đã lợi dụng sơ hở, thiếu sót trong phần mềm xử lý bài thi trắc nghiệm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, thực hiện hành vi sửa bài thi để nâng điểm cho 107 thí sinh. Trong đó, thí sinh được nâng điểm cao nhất là 29,95 điểm với 4 môn; người thấp nhất 2,2 điểm đối với 1 môn.

B.H.Thanh/Người Lao Động

Bài mới
Đọc nhiều