Xử án bị hiếp dâm, sát hại ở sân vận động có phản cảm?
Vụ nữ sinh giao gà bị hãm hiếp, sát hại dã man đang được TAND tỉnh Điện Biên xét xử lưu động tại sân vận động của tỉnh. Điều này tạo ra hai luồng ý kiến về việc nên hay không nên xét xử lưu động như vậy.
Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng, không TAND tỉnh Điện Biên không nên tổ chức lưu động như vậy, bởi đây là vụ án có nhiều tình tiết rất đau lòng, hành vi phạm tội của các bị cáo mất hết nhân tính. Lời khai của các bị cáo sẽ gây phản cảm, làm ám ảnh tâm lý của những người theo dõi trực tiếp phiên xét xử.
Luồng ý kiến thứ hai cho rằng, cần được xét xử lưu động để việc tuyên truyền, giáo dục và răn đe, phòng ngừa chung một cách trực tiếp đến đông đảo người dân.
Để giáo dục, phòng ngừa, vụ án này chỉ cần được thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng. Qua kênh báo chí những chi tiết gây phản cảm sẽ được lược bỏ đi, người tiếp nhận thông tin sẽ không bị bức xúc, ám ảnh trước những hành vi của các bị cáo.
Theo Thiếu tướng, ĐBQH Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội (ông nguyên Phó Chánh án Tòa án quân sự Trung ương), trước khi TAND tỉnh Điện Biên đưa vụ án nữ sinh giao gà bị hiếp và sát hại ra xét xử lưu động, họ đã tính toán kỹ trên cơ sở quy định của pháp luật. Khi nào thì xét xử công khai bình thường (xử tại trụ sở tòa), khi nào thì xử lưu động (công khai rộng rãi). Một việc như vậy bao giờ cũng sẽ có hai mặt, điều quan trọng là mặt tích cực nhiều hơn nên TAND tỉnh Điện Biên đã lựa chọn. “Còn một sự việc người có ý kiến thế này, người có ý thế kia là điều bình thường”, Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ nói.
Theo ông Nguyễn Đình Hưng, nguyên Kiểm sát viên cao cấp, nếu như vụ án nữ sinh giao gà bị hiếp và sát hại xảy ra ở các tỉnh vùng đồng bằng, nơi người dân có trình độ nhận thức pháp luật, nhận thức xã hội cao thì không nên đưa ra xét xử lưu động, bởi làm như vậy sẽ gây phản cảm; còn đối với một tỉnh miền núi, có đông đồng bào dân tộc, trình độ dân trí, nhận thức pháp luật chưa cao thì việc đưa ra xét xử lưu động để tuyên truyền, giáo dục và phòng ngừa chung là điều cần thiết.
Cách đây hơn 4 năm, vụ án sát hại 6 người trong một gia đình ở Bình Phước do Nguyễn Hải Dương và đồng bọn thực hiện đã gây xôn xao và được dư luận hết sức quan tâm. Vụ án này cũng được TAND tỉnh Bình Phước đưa ra xét xử lưu động ở Trung tâm hành chính huyện Chơn Thành và được đông đảo người dân đến theo dõi trực tiếp phiên xử.
Từ 26 đến 28/12, TAND tỉnh Điện Biên xét xử 8 bị cáo là Vì Văn Toán (38 tuổi, chủ mưu trong vụ án), Bùi Văn Công (44 tuổi), Vương Văn Hùng (35 tuổi), Phạm Văn Nhiệm (47 tuổi), Lường Văn Lả (26 tuổi), Lường Văn Hùng (39 tuổi), Phạm Văn Dũng (47 tuổi), Cầm Văn Chương (45 tuổi, cùng trú huyện Điện Biên) bị xét xử về các tội Giết người, Cướp tài sản, Hiếp dâm, Tàng trữ trái phép chất ma túy và Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. Trong số này, 6 người bị truy tố khung hình phạt lên tới án tử hình.
Riêng Bùi Thị Kim Thu (44 tuổi, vợ bị cáo Công) bị truy tố về tội Không tố giác tội phạm.
PVCT/DV