+
Aa
-
like
comment

Xót xa hoàn cảnh cụ ông bán bút bi dạo mưu sinh dịp Tết ở Hà Nội

24/01/2022 07:54

Mấy tháng nay, nhiều diễn đàn mạng xã hội thường chia sẻ hình ảnh ông Diệp cầm nắm bút bi đứng bán trên dải phân cách ngã tư Khâm Thiên và kêu gọi mua ủng hộ.

“Cháu mua 10 bút được tặng thêm một, tổng là 20.000 đồng”, ông Đinh Văn Diệp, 68 tuổi, đưa 11 chiếc bút bi cho người thanh niên dừng đèn đỏ trên đường Khâm Thiên, quận Đống Đa, lúc 11h trưa một ngày giữa tháng 11. Vị khách cho biết, ông Diệp khá nổi tiếng trên các diễn đàn trên mạng xã hội với lời giới thiệu “dịch vụ 5 sao, mua bút tặng lời chúc may mắn”.

Năm phút sau, Mai Lan, học sinh lớp 11, cũng dừng mua sáu chiếc bút. Lan là khách hàng ruột của ông Diệp từ ngày học ở trường Trung học cơ sở Giảng Võ, quận Ba Đình. Cô bé kể, ông Diệp là người bán hàng vui tính nhất từng tiếp xúc, những lúc vắng khách, ông còn hát hoặc làm thơ rất hay. Biết ông bán chỗ mới, Lan rủ bạn đến mua.

Ông Diệp bán 10 chiếc bút cho một vị khách dừng đèn đỏ trên đoạn giao đường Khâm Thiên - Tôn Đức Thắng, trưa 8/1. Ảnh: Quỳnh Nguyễn
Ông Diệp đưa 11 chiếc bút bi cho vị khách dừng đèn đỏ trên đoạn giao đường Khâm Thiên – Tôn Đức Thắng, trưa 8/1. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Một năm nay, ông Diệp bán bút bi dạo tại khu vực dải phân cách cắm cột đèn giao thông giao giữa đường Khâm Thiên và Tôn Đức Thắng, từ 7h sáng đến 5h chiều. Trung bình cứ hai lượt dừng đèn đỏ dài 60 giây, lại có một khách ghé “tiệm”. Mỗi chiếc bút bi của ông có giá 2.000 đồng, có khách mua vài chiếc, có người mua vài chục cái, đa phần là người trẻ vốn là khách quen hoặc được giới thiệu.

Ông Diệp cho biết, trước kia ông thường đến các cổng trường học ở quận Đống Đa, Ba Đình, Tây Hồ bán cho học sinh, nhưng do dịch trường học tạm đóng, phải tìm chỗ mới. “Mọi người khuyên đứng ở vỉa hè cho an toàn, nhưng ở đó khuất, ít khách, tôi đứng đây mọi người dễ thấy, lại bán được nhiều”, ông giải thích.

Thời gian đầu, trung bình mỗi ngày ông Diệp bán được 150 chiếc bút, nhưng từ ngày “nổi tiếng” trên mạng xã hội, doanh số của ông tăng hơn gấp đôi. “Tôi không xuống lòng đường mời chào vì sợ làm phiền, cứ cầm sẵn nắm bút ai cần thì bán”, ông nói.

Người mua ít, mua nhiều, nhưng chưa ai đòi giảm giá. Có người còn khuyên tăng giá cho có lãi, nhưng ông tự nhận “giá như vậy không quá rẻ, chỉ là giảm chút ít so với mặt bằng chung, để học sinh và người khó khăn có thể mua”.

“Ngày nào ông ấy cũng đứng cạnh đèn giao thông để bán cho khách dừng xe, dù nắng 40 độ hay rét buốt dưới 10 độ, chỉ khi mưa to mới nghỉ”, chủ cửa hàng bán kính trên đường Khâm Thiên, đã quen với hình ảnh cụ ông mặc đồ giản dị, đầu đội chiếc mũ tai bèo đi bán bút, nói.

Ông Diệp đang đứng bán bút bi tại khu vực dải phân cách cắm cột đèn giao thông đường Khâm Thiên, trưa 8/1. Ảnh: Quỳnh Nguyễn
Ông Diệp đứng bán bút bi tại khu vực dải phân cách cắm cột đèn giao thông đường Khâm Thiên, trưa 8/1. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Bố mẹ ông Diệp là người Nam Định lên Hà Nội lập nghiệp rồi sinh bảy người con. Năm 1974, vừa học hết cấp 3, ông xung phong vào chiến trường miền Nam. Một năm sau đất nước giải phóng, ông xuất ngũ. Năm 1978, ông Diệp ra Hà Nội, sống cùng vợ chồng anh chị ruột trên phố Tôn Đức Thắng. Bị di chứng chiến tranh nên ông không làm được việc nặng, mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo và nhận nuôi cháu gái ruột, con của em trai, mà không lấy vợ.

“Vợ chồng em trai tôi có mỗi đứa con gái, không may bị chất độc da cam. Vợ chú ấy bỏ đi. Tôi cũng khổ, nhưng em trai sức khoẻ yếu, kinh tế khó khăn nên tôi nuôi con giúp. Thời gian sau chú ấy cũng mất”, ông Diệp kể.

Hiện nay ông Diệp sống cùng người chị và đứa cháu gái khờ dại trong căn nhà sập xệ, nhiều mảng tường bị bong tróc, ngói dột nát ở một con ngõ nhỏ gần phố Khâm Thiên. Ông nói, hai chị em cao tuổi không biết khi nào về đất mẹ, chỉ lo cháu gái đã 40 tuổi chậm phát triển trí tuệ nên 500.000 đồng tiền hỗ trợ của nhà nước cho cháu, ông cất riêng còn tiền sinh hoạt trong gia đình ông gánh.

“Ngày đi làm tôi chỉ mong lãi một vài trăm, đủ tiền ăn và phí sinh hoạt cho ba người”, người đàn ông 68 tuổi tâm sự và cho biết, gia đình may mắn được tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố cùng hàng xóm thường xuyên cho lương thực.

Ông Lê Ngọc Thanh, tổ trưởng tổ dân phố số 10, phường Hàng Bột, quận Đống Đa, cho biết gia đình ông Diệp thuộc hộ cận nghèo, một trong hoàn cảnh khó khăn nhất tổ.

“Ông ấy là người hiền lành, tử tế. Do ảnh hưởng của chiến tranh nên trước từng đi lạc mấy tháng không tìm được đường về nhà. Vài năm nay sức khoẻ đỡ hơn, cũng chuyên tâm đi bán bút bi dạo nuôi chị gái mất sức lao động và cháu khuyết tật”, ông Thanh nói và cho biết thêm chính quyền đã đưa vào danh sách gia đình khó khăn để mạnh thường quân giúp đỡ.

Ông Diệp thường chờ người dừng đèn đỏ để bán bút trưa 8/1. Ông nói, cứ 200 người chạy xe máy qua có một người mua là may mắn, chỉ mong đủ tiền ăn cho cả gia đình là đủ. Ảnh: Quỳnh Nguyễn
Ông Diệp chờ người dừng đèn đỏ để bán bút trưa 8/1. Ông nói, cứ 200 người chạy xe máy qua có một người mua là may mắn, chỉ mong đủ tiền ăn cho cả gia đình. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Chiều cùng ngày, Đặng Ngọc Hằng, 25 tuổi, ở quận Thanh Xuân thay mặt bạn bè tặng ông Diệp một bao gạo cùng khoản tiền nhỏ.

Hằng gặp ông lần đầu trước tháng 7/2021 trên đường Giảng Võ. Nhiều lần quay lại nhưng cô không thấy ông lão vui tính, hay dành lời chúc may mắn đến khách hàng. Một tuần trước đi qua đường Tôn Đức Thắng, cô nhận ra bóng dáng người bán bút quen thuộc, liền đến hỏi thăm, sau chia sẻ câu chuyện của ông lên trang cá nhân và rủ bạn bè mua lương thực tặng.

Thấy ông tuổi cao, nhiều người khuyên nghỉ khi dịch bệnh có diễn biến phức tạp. “Sắp đến Tết, tôi cũng gắng bán thêm vài chiếc, mong có đồng lãi để mua cái bánh chưng, cành đào nhỏ cho chị và cháu gái”, ông Diệp thở dài rồi đưa mắt chờ đoàn người tiếp theo dừng đèn đỏ.

Đoạn clip ghi lại cảnh ông Diệp bán bút bi trên phố hồi đầu tháng 1/2022. Nguồn: Huong Dang

Mấy ngày trước, trên mạng xã hội chia sẻ hình ảnh cùng đoạn clip dài 30 giây ghi cảnh một cụ ông đứng bán bút bi dạo trên giải phân cách khiến nhiều người xúc động.

Sau khi chia sẻ, clip và hình ảnh nhận hàng trăm nghìn lượt thích, nhiều người từng là khách hàng đã nhận ra ông Diệp để lại bình luận đồng cảm.

“Nhiều hôm trời nắng nóng ông vừa bán vừa hát mặc dù mồ hôi nhễ nhại mà vẫn vui vẻ ấy. Hễ gặp ông là tôi mua ủng hộ rồi đến công ty tặng đồng nghiệp. Lúc nào ông cũng đưa bút cho khách bằng hai tay và cúi đầu cảm ơn. Ai thấy ông đều có cảm giác rưng rưng”, người dùng có tên My My bình luận.

Quỳnh Nguyễn

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều