Xót lòng nữ y tá ngày đêm chống dịch, mà nợ mẹ chiếc khăn tang!
Trong hành trình dài vật lộn với COVID-19 đang diễn ra, có những mất mát hy sinh thầm lặng. Đau buốt đến nức nở. Chị đã khóc thật nhiều, khóc như chưa bao giờ được khóc. Đêm đó, thức trắng. Thinh lặng một mình trong không gian vắng ngắt của Khoa nhiễm. Chị chấp nhận, nợ mẹ vành khăn sô…
Thật khó, để trò chuyện lúc này, khi mà mọi thứ trong “cuộc chiến” đánh bại Covid-19 đang diễn ra tất bật từng ngày. Chị vẫn đang cùng với bao đồng nghiệp Khoa nhiễm ngày đêm túc trực, sống cách ly hẳn trong bệnh viện, đã hơn 20 ngày. Chị là y tá Nguyễn Thị Liên, có hơn 30 năm công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận, nơi điều trị cho các bệnh nhân dương tính với COVID-19.
“Sáng nay (03/4/2020) ra viện gần hết là mừng rồi em, chắc sẽ ổn”- Chị Liên vừa báo tin khi tôi liên lạc, nhưng giọng lại chùng xuống hẳn, khi tôi nhắc đến mẹ chị, vừa mất cách đây mấy ngày. “Chiều nay là mở cửa mả, mộ cũng đã xây xong. Ông xã và gia đình gởi hình báo cho chị biết, chứ chị không về được” – Chị nói trong tiếng nấc.
Cái hôm cả khoa nhiễm vui mừng vì 7/9 trường hợp mắc bệnh Covid-19 xét nghiệm cho kết quả âm tính lần 1. Vui lắm, cả khoa vui như Tết. Nhưng nó chỉ kịp đến với chị trong vài khoảnh khắc. Chị nhận được điện thoại của bác sĩ Được: “Chị đang làm gì đó?” – “Chị mới ra ca, ăn cơm vừa xong đang theo dõi tình hình Covid-19”. Bác sĩ Được cúp máy, dường như sợ chị phân tâm lúc này. Rồi tiếp tục là điện thoại của ông xã chị, với câu nói ngắn gọn: “Má mất rồi em”. Nó như một phản xạ, chị bật khóc.
Chị khóc nhưng lại sợ đồng nghiệp nhìn thấy, hai tay giữ chặt gương mặt. Cứ thế, nước mắt chảy dọc theo cánh tay. Lúc đó, cả khoa cũng vừa biết, đồng nghiệp tìm đến an ủi. Những cái ôm lúc này và những lời động viên chỉ để kịp cho chị trấn tĩnh.
Từ ngày 9/3, khi Bình Thuận phát hiện ca bệnh đầu tiên dương tính với Covid-19 (bệnh nhân 34), chị Liên là người trực tiếp lấy mẫu, tiếp xúc gần nhất với bệnh nhân. Chưa bao giờ chị chông chênh như lúc này. Bởi chưa bao giờ trong suốt bao nhiêu năm qua, chị không ở cạnh má. Chăm sóc, thuốc men cho má. Vậy mà…!
Đêm đó, một đêm thật dài với chị. Ở tuổi này chị vẫn hiểu được mọi lẽ, thế nhưng chị không thể nào chợp mắt được. Chị lại khóc. Khóc rồi bật dậy, ngồi trong căn phòng vắng ngắt. Trống trãi. “Bình tĩnh đi Liên, để bác đi thanh thản…” – đồng nghiệp thức giấc an ủi. “Chị có còn điều gì chưa làm cho má không?” – câu hỏi xen ngang để giúp chị phần nào tránh bớt những ký ức. Giọng vẫn còn xúc động: “Chắc không còn gì nữa đâu, chị đã cố gắng trong thời gian qua, chắc má hiểu. Giờ chắc còn nợ má vành khăn, để chờ ngày chị về thắp hương thôi”, chị nói.
Tin má mất, với chị lúc đó đau đớn. Nhưng, có lẽ khó khăn nhất là quyết định ở lại bệnh viện. Chị kể: Bác sĩ Thành (bác sĩ Nguyễn Văn Thành – Giám đốc bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận) gọi điện chia buồn và hỏi ý kiến chị về việc về nhà để tang má. Đắn đo nhiều, suy nghĩ nhiều. Nhìn lại quá trình của mình, từ những ngày đầu, chị bảo: “Em ở lại”. Nói rồi khóc! Hơn ai hết, chị hiểu rõ trách nhiệm của mình, hiểu rõ công việc đang làm, hiểu về mức độ nguy hiểm của nó. “Không phải riêng mình, còn gia đình, còn người thân và bà con chòm xóm nữa” – giọng chị lại chùng xuống.
Chị Nguyễn Thị Liên – Tốt nghiệp Y tá Trung học về công tác tại khoa Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận từ năm 1988 đến nay. Hành trình gắn bó đời mình với chiếc blue trắng đủ dài, để chị hiểu được ý nghĩa cao đẹp của nó. Chị cho xem cái clip lễ tang của má, ở đó còn một vành sô trắng, viết rõ tên chị, đợi ngày chị về tạ lỗi cùng má!
Quang Nhân