“Xóm – Phố” người Tàu: Phải cảnh giác với âm mưu đồng hóa dân tộc!
Nếu nhìn từ những bài học lịch sử, chúng ta sẽ thấy không có gì là không thể, trong bối cảnh rất nhiều “phố Tàu”, “xóm, phố” người Trung Quốc có mặt trải dài trên đất nước Việt Nam. Hẳn rằng, những người ở cương vị quản lý cũng nhìn thấy nguy cơ đồng hóa, “gặm nhấm” đất đai của chúng ta. Cho nên cần phải đề phòng, đề cao cảnh giác, đặc biệt là công tác quản lý xuất nhập cảnh hiện nay.
Nhiều vấn đề nóng mà cử tri cả nước kiến nghị sau kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV (cuối 2019) đã được Ban Dân nguyện Quốc hội tổng hợp từ các bộ, ngành trả lời, trong đó một vấn đề liên quan đến an ninh chính trị quốc gia đó là chuyện người Trung Quốc “lập xóm, lập phố” tại một số địa phương.
Vấn đề không mới
Thật ra, không phải ngày nay mới có “phố Tàu”, mà “phố Tàu” cũng đã có từ lâu. Xét về mặt lịch sử, từ thế kỷ XVII, nhiều người Hoa gốc Hán ở Trung Quốc không chịu sống dưới chế độ ngoại tộc Mãn Thanh cai trị đã di trú sang nước ta, xin chính quyền sở tại cho xây dựng những làng “Minh hương” và con cháu họ dần dần được “Việt hóa”, trở thành những thần dân của nước Việt. Họ cũng có công khai phá những vùng đất mới như Hà Tiên, xin thần phục triều đình nước Nam.
Đến đầu thế kỷ XIX, khi Huế trở thành kinh đô của nước Việt thống nhất dưới thời Nguyễn, người Hoa kiều đã tập trung đến khu phố Đông Kinh thành làm ăn sinh sống rất đông. Người Hoa rất giỏi kinh doanh buôn bán, lại có nguồn hàng trao đổi phong phú từ Trung Quốc; cộng thêm chính sách “bế quan tỏa cảng” (cấm buôn bán với phương Tây của triều Nguyễn nhưng lại ưu tiên buôn bán với Trung Quốc) nên số thương nhân Hoa kiều đến Huế ngày một đông.
Ngày nay thì sao? Không cần nói thẳng những lao động nước ngoài tại Việt Nam là ai, nhưng ai cũng biết chủ yếu là người Trung Quốc. Họ có mặt từ các tỉnh biên giới phía Bắc đến các tỉnh duyên hải miền Trung, vào đến Cà Mau, lên tận Tây Nguyên. Có những nơi, họ sống theo xóm, theo phố, đưa biển hiệu như phố Tàu ở Bình Dương, Đồng Nai, Quảng Ninh, Hải Phòng, Cà Mau, Ninh Bình, Tây Ninh, Lâm Đồng..v..v.
Người Trung Quốc sang Việt Nam bằng con đường du lịch, rồi ở lại làm việc cho các dự án, công trình của nhà thầu Trung Quốc. Các nhà thầu Trung Quốc nhận thầu tại Việt Nam, họ tìm cách đưa người của họ sang để “tranh” việc làm. Lao động phổ thông trong nước thất nghiệp ngày càng cao, nhưng kiếm một chỗ làm ở các nhà thầu Trung Quốc là rất khó.
Có một điểm chung dễ nhận thấy là lao động Trung Quốc sang lập thành khu vực riêng biệt, làm việc và sinh sống trên cao nguyên. Ngoài giờ làm việc, đàn ông Trung Quốc cũng chẳng ngại gì mà không tìm vợ Việt Nam khi có cơ hội, thế là gia đình Hoa – Việt ngày càng nhiều, người Trung Quốc cắm rễ trên đất Việt Nam với tư cách là chàng rể. Lấy vợ, sinh con rồi cất nhà, sinh sống ở Việt Nam. Từ lao động bất hợp pháp thành công dân hợp pháp.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ Công an cho biết trong những năm gần đây, nước ta có nhiều khu dự án kinh tế, thu hút một lượng lớn người nước ngoài, nhất là người Trung Quốc nhập cảnh để xây dựng, làm việc. Tại các khu dự án, đến nay chưa phát hiện tình hình phức tạp về an ninh, trật tự liên quan đến người nước ngoài.
Dù vậy, để bảo đảm an ninh, trật tự đối với các hoạt động của người nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam, Bộ Công an đã và đang chỉ thực hiện nhiều giải pháp.
Có một bộ phận người dân cho rằng: “Khi không có một sự hợp tác thực sự thân thiết mà để người nước ngoài tập hợp quá đông trên lãnh thổ nước mình mà mình không có lợi ích gì nhiều cho đất nước thì đó là sự yếu kém trong quản lý”.
Cảnh giác với âm mưu đồng hóa dân tộc của người Trung Quốc
Khách quan mà nói, những việc họ làm và mở mang cho đất nước lịch sử phải ghi nhận công lao của họ. Và phải công nhận người hoa họ đoàn kết và giúp đỡ nhau làm ăn rất hiệu quả ngay trên đất nước chúng ta.
Dưới góc nhìn cá nhân, tôi không phê phán vấn đề này nhưng cũng đang rất lo ngại việc này. Vì ngoài Biển Đông, các cán bộ chiến sĩ thuộc các lực lượng chấp pháp, ngư dân… đang từng giây từng phút bảo vệ Tổ Quốc, nhưng trong đất liền có vẻ chúng ta lại không đề cao cảnh giác ngay tại các trung tâm thành phố của Việt Nam ta.
Hãy thử nhìn xem, người Việt Nam mình đi lao động tại nước ngoài có thời hạn. Xong thời hạn phải về nước, nếu có trốn ra ngoài làm việc thì bị Chính quyền sở tại xem như lao động bất hợp pháp, sẽ bị công an của nước sở tại tìm bắt và trục xuất về nước.
Vậy mà người Trung Quốc sang Việt Nam làm viêc thậm chí không có giấy phép, không thấy chính quyền của mình nói gì, rồi họ lại được lấy vợ người mình, rôì phát triển dần thành khu dân cư… Phải có luật để kiểm soát vấn đề nhập cư bất hợp pháp và phải thẳng tay xử khi họ muốn nhập gia mà không muốn tùy tục…
Tức là, chuyện cần bàn ở đây là vấn đề quản lý, khi lâu nay đang chúng ta dường như đang bỏ ngỏ và người quản lý cứ tưởng người TQ cũng giống người Việt nên áp dụng luật cư trú chung, hay là đã có “lì xì” nên dễ thông cảm, hậu quả xã hội gánh chịu. Những người quản lý phải trả lời cho công luận về trách nhiệm lơ là này!
Sâu xa hơn đó là nguy cơ bị đồng hóa dân tộc, nguy cơ này chúng ta không thể không nhắc đến.
Chẳng hạn như: Dân tộc Mãn sau khi chiếm Trung Quốc và lập triều đại nhà Thanh đã lập tức tiến hành đồng hóa dân tộc Hán: cưỡng bức đàn ông Hán phải cạo nửa đầu và để đuôi sam, phải bỏ chữ Hán mà chỉ dùng chữ Mãn làm chữ viết chính thức trên cả nước. Nhưng đến giữa đời Thanh, tức sau khoảng 100 năm thì tiếng Mãn cùng chữ Mãn đều biến mất, từ đó trở đi người Mãn chỉ dùng tiếng Hán và chữ Hán, nghĩa là họ lại bị đồng hóa ngược bởi chính nền văn hóa của dân tộc bị họ cai trị lâu tới 267 năm!
Đầu thế kỷ XV, Brazil bị Bồ Đào Nha chiếm, chẳng bao lâu tiếng Bồ trở thành ngôn ngữ chính thức duy nhất của người Brazil. Nhiều thuộc địa Pháp ở châu Phi như Bénin, Togo, Sénegan… dùng tiếng Pháp làm ngôn ngữ chính duy nhất..v..v.
Dẫu rằng, sau hơn 1.000 năm bị bọn phong kiến người Hán thống trị và cưỡng bức đồng hóa, dân tộc Việt Nam vẫn không bị Hán hóa, vẫn giữ nguyên được nòi giống, tiếng nói và phong tục tập quán. Đây quả là một điều kỳ diệu có lẽ chưa dân tộc nào khác làm được.
Chúng ta đã thắng lợi trong cuộc chiến chống đồng hóa không phải bằng đấu tranh vũ trang mà chủ yếu bằng tài trí, mà ở đó có tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc, xã hội có cơ chế làng xã bền chặt,…
Tuy nhiên, nếu nhìn từ những bài học lịch sử, chúng ta sẽ thấy không có gì là không thể, trong bối cảnh rất nhiều “phố Tàu”, “xóm, phố” người Trung Quốc có mặt trải dài trên đất nước Việt Nam. Hẳn rằng, những người ở cương vị quản lý cũng nhìn thấy nguy cơ đồng hóa, “gặm nhấm” đất đai của chúng ta. Cho nên cần phải đề phòng, đề cao cảnh giác, đặc biệt là công tác quản lý xuất nhập cảnh hiện nay.
Thiết nghĩ, để giữ gìn an ninh, ổn định cho đất nước rất cần một cơ chế kiểm soát chặt chẽ đối với người nước ngoài nhập cư, lao động tại Việt Nam! Còn ở tầm vĩ mô, câu chuyện người Trung Quốc “lập xóm, lập phố” cũng để lại một nguy cơ lớn là âm mưu đồng hóa dân tộc-văn hóa.
Vì vậy, phải cảnh giác với âm mưu đồng hóa dân tộc của người Trung Quốc là không bao giờ thừa!
Sông Trà
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả