+
Aa
-
like
comment

Xin ý kiến Bộ Chính trị việc tăng 9 đại biểu HĐND chuyên trách TP.Hà Nội

22/02/2021 18:30

100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí trình cấp có thẩm quyền và Quốc hội xem xét quyết định việc tăng số lượng đại biểu chuyên trách của HĐND TP.Hà Nội theo đề xuất của Chính phủ.

Chiều 22.2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp 53 để cho ý kiến về quy định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND TP.Hà Nội nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày tại phiên họp cho rằng, Hà Nội có vị trí, vai trò quan trọng được quy định cụ thể trong Hiến pháp năm 2013, luật Thủ đô năm 2012; đồng thời có quy mô, diện tích, số lượng đơn vị hành chính lớn và phải triển khai nhiều nhiệm vụ chính trị quan trọng.

Do vậy, Chính phủ cho rằng, cả hệ thống chính trị, bộ máy chính quyền của thành phố phải đủ mạnh để triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải quyết các công việc hiệu quả, đảm bảo chất lượng.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra về đề xuất của Chính phủ /// Ảnh Nguyên Mạnh
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra về đề xuất của Chính phủ

Theo quy định của luật Tổ chức chính quyền địa phương đã được sửa đổi, bổ sung năm 2019 (Luật) thì HĐND cấp tỉnh được bố trí tối đa là 10 đại biểu hoạt động chuyên trách và Luật không có quy định về ủy viên hoạt động chuyên trách tại các ban của HĐND cấp tỉnh.

HĐND TP.Hà Nội nhiệm kỳ 2016 – 2021 có tổng số 18 đại biểu hoạt động chuyên trách trên tổng số 105 đại biểu. Nhiệm kỳ 2021 – 2026, Chính phủ đề nghị bố trí tổng số 19 đại biểu hoạt động chuyên trách. Trong đó, 3 đại biểu là lãnh đạo HĐND thành phố (gồm chủ tịch và 2 phó chủ tịch); mỗi ban của HĐND thành phố bố trí 4 đại biểu (gồm trưởng ban, 2 phó trưởng ban và 1 ủy viên hoạt động chuyên trách).

Như vậy, so với quy định của Luật, số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách tại HĐND TP.Hà Nội tăng thêm 9 đại biểu (trong đó, tăng 1 phó chủ tịch HĐND, 4 phó trưởng ban và 4 ủy viên hoạt động chuyên trách tại 4 ban của HĐND).

Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với kiến nghị, đề xuất của Chính phủ về việc bố trí số lượng, chức danh đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND TP.Hà Nội nhiệm kỳ 2021 – 2026 và trong suốt giai đoạn thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP.Hà Nội theo Nghị quyết số 97/2019/QH14.

Tuy nhiên, TP.Hà Nội thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị theo hướng không tổ chức HĐND ở các phường thuộc quận và thị xã nên nhiều nhiệm vụ của HĐND phường được chuyển lên cho chính quyền địa phương ở quận, thị xã và cấp thành phố. Do đó, Ủy ban Pháp luật đề nghị Hà Nội có phương án sắp xếp, bố trí đủ số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách cần thiết cho HĐND các quận và thị xã trong nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Liên quan đến đề xuất ủy viên hoạt động chuyên trách tại các ban của HĐND thành phố được hưởng thêm phụ cấp trách nhiệm bằng 0,6 lần mức lương cơ sở (được cân đối trong dự toán ngân sách chi cho hoạt động của HĐND thành phố), cơ quan thẩm tra cho rằng đây là chức danh mới chưa được quy định; đồng thời chưa nằm trong hệ thống thang, bảng lương nên đề nghị Chính phủ và các cấp có thẩm quyền nghiên cứu, sớm có đề xuất cụ thể về lương, phụ cấp và chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp đối với chức danh ủy viên hoạt động chuyên trách tại ban của HĐND TP.Hà Nội (cũng như cả TP.HCM).

Do việc bố trí các chức danh đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách tại TP.Hà Nội khác với quy định của Luật nên để bảo đảm có cơ sở chính trị vững chắc, cơ quan thẩm tra đề nghị Đảng đoàn Quốc hội báo cáo Bộ Chính trị về vấn đề này trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 11 (tháng 3.2021).

Tại phiên họp, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với đề xuất của Chính phủ, trình cấp có thẩm quyền và Quốc hội xem xét quyết định vấn đề này.

Lê Hiệp/ TNO

Bài mới
Đọc nhiều